Ba mưu đồ thâm hiểm của Trung Quốc khi điều tên lửa tới Hoàng Sa

VietTimes -- Biển Đông lại một lần nữa dậy sóng trước thông tin Trung Quốc đã đưa tên lửa đất đối không HQ-9 vào đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động này có thể có 3 toan tính lớn.
Tên lửa HQ-9 đưa vào đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) có thể nhằm 3 mục đích
Tên lửa HQ-9 đưa vào đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) có thể nhằm 3 mục đích

Ngày 17/2, có nguồn tin cho biết, quân đội Trung Quốc đã đưa tên lửa đất đối không HQ-9 vào đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 là con át chủ bài của hệ thống tên lửa đất đối không thế hệ thứ ba của Trung Quốc, tính năng không hề thua kém tên lửa Patriot là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đa năng thế hệ thứ ba của Mỹ. 

Hành động này của Trung Quốc cũng đã lập tức thu hút sự quan tâm mật thiết của Mỹ và các nước trên biển Đông. Biển Đông lại một lần nữa dậy sóng vì hành động này của Trung Quốc.

 Hình ảnh hệ thống HQ-9 trên đảo Phú Lâm. Ảnh: Fox News

Có quan điểm cho rằng, trong thời điểm cục diện biển Đông và khu vực xung quanh Trung Quốc đầy biến động khó lường như hiện nay, việc Trung Quốc lựa chọn hình thức phá vỡ cục diện bằng việc bố trí hệ thống tên lửa phủ đầu, có thể có 3 mưu tính. Thứ nhất, vì trước đó Mỹ đã tuyên bố sẽ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên bán đảo Triều Tiên, và “đòn phủ đầu” này của Trung Quốc có thể là một hình thức trả đũa. 

Thứ hai, sau khi xây dựng các đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông, Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích và thách thức kéo dài của Mỹ và các quốc gia khác, tư lệnh hải quân Mỹ còn tuyên bố sẽ tuần tra thường xuyên trên biển Đông, bố trí hệ thống tên lửa thể hiện ý đồ trấn áp, đe dọa các nước xung quanh biển Đông. 

Thứ ba, Trung Quốc đã bắt đầu quân sự hóa các hòn đảo mà nước này xây dựng trái phép, biến chúng thành sự “kiểm soát thực tế” nhằm tạo quyền chủ động nhiều hơn nếu xảy ra xung đột quân sự.

Trung Quốc chống "bảo bối" THAAD của Mỹ

Trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc diễn ra vào ngày 15/2, phía Trung Quốc đã thể hiện rõ lập trường phản đối Mỹ lắp đặt hệ thống tầm cao giai đoạn cuối THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Vì nếu là vấn đề bảo vệ an ninh nội địa cho Hàn Quốc, ngăn chặn tên lửa từ phía Hàn Quốc phóng sang, Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot trên đất Hàn Quốc (hệ thống phòng thủ tên lửa tầm thấp giai đoạn cuối đã là quá đủ. 

Trong khi với vai trò là hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối, đối với tên lửa của Triều Tiên, sử dụng THAAD chẳng khác gì “lấy dao phay mổ chim sẻ”, phạm vi quét radar sóng X của hệ thống này có thể lên tới vài nghìn mét, từ tâm hình tròn là Hàn Quốc vạch một hình tròn, có thể quét sang Triều Tiên, thậm chí hầu hết các tỉnh Đông Bắc của Hàn Quốc và khu vực viễn Đông của nước Nga.

Có thể thấy, nếu được thiết lập, chắc chắn hệ thống THAAD sẽ trở thành mối đe dọa chiến lược lâu dài đối với Trung Quốc. Có phân tích chỉ ra rằng, Trung Quốc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 trên biển Đông là một “chiêu bài” để đối phó với hệ thống THAAD của Mỹ. Vì đối tượng trinh sát tiềm ẩn của hệ thống THAAD là các căn cứ quân sự của chiến khu Đông Bắc và phía Bắc rộng lớn của Trung Quốc, và việc bố trí hệ thống tên lửa hiện đại trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa nằm ngoài phạm vi trinh sát của THAAD giống như một lời thách thức sặc mùi thuốc súng của Trung Quốc dành cho Mỹ.

Có thể muốn nói lên rằng, việc Trung Quốc thiết lập hệ thống tên lửa tinh nhuệ lại vùng biển của nước ngoài sẽ trở thành xu thế lớn, và việc Mỹ bỏ ra một khoản tiền khổng lồ xây dựng hệ thống phòng thủ THAAD tại bán đảo Triều Tiên có thể không phát huy được tác dụng như dự đoán, vì đối tượng kiểm trắc của hệ thống này hết sức tản mạn, điều này chắc chắn sẽ khiến Mỹ do dự phần nào khi xây dựng THAAD trên bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc rắp tâm đe dọa các nước xung quanh biển Đông

Trong vấn đề biển Đông, sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc là hết sức căng thẳng. Tháng 10/2015, tàu khu trục USS Lassen của hải quân Mỹ tiến vào biển Đông; Tháng 11/2015, hai máy bay oanh tạc B-52 của Mỹ bay qua vùng biển gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép. Đến ngày 30/1/2016, tàu USS Curtis Wilbur, DDG 54 thuộc Hạm đội số 7 của Mỹ đã tuần tra trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời tuyên bố, ngoài Trung Quốc, Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền đối với đảo Tri Tôn. Mục đích bao vây Trung Quốc của Mỹ là hết sức rõ ràng. Mới đây, tư lệnh Hạm đội số 7 của Mỹ, trung tướng hải quân Joseph Aucoin tuyên bố sẽ tiếp tục cử chiến cơ hoặc tàu chiến sang biển Đông.

Sự cứng rắn của Mỹ đã thôi thúc các nước đồng minh của Mỹ tại châu Á mạnh mẽ hơn. Trước đó, Australia, Nhật Bản, Philippines... cũng tuyên bố sẽ cùng Mỹ tuần tra chung trên biển Đông, Việt Nam và Ấn Độ cũng muốn tham gia. Một điều đáng nói là, Ấn Độ vừa tổ chức thành công lễ duyệt binh trên biển ở vịnh Bengal, với sự tham gia của 90 tàu chiến và 60 máy bay đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, Ấn Độ lớn tiếng chỉ trích hành vi tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông và các vùng biển khác.

Và đảo Phú Lâm mà Trung Quốc bố trí hệ thống tên lửa HQ-9 cũng chính là hòn đỏa mà Trung Quốc chiếm đoạt của Việt Nam. Từ năm 1950 đến năm 1970, hai nước đã xảy ra nhiều lần xung đột vì quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, Trung Quốc chiếm đoạt trọn vẹn đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hiện tại đảo Phú Lâm là địa điểm Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", Bắc Kinh coi đây là “trung tâm hành chính” của quần đảo Hoàng Sa, Bãi Macclesfield và quần đảo Trường Sa. 

Trên thực tế, Đảo Phú Lâm trực thuộc huyện đảo Hoàng Sa, một đơn vị hành chính thuộc thành phố Đà Nẵng của Việt Nam. Rõ ràng là quân đội Trung Quốc không muốn các nước trên biển Đông giành lại chủ quyền các đảo vốn là của họ, do đó cũng không khó lý giải khi lần này Trung Quốc tỏ rõ thái độ cứng rắn như vậy.

Quân sự hóa biển Đông, bắt tay kiểm soát thực tế 

Giáo sư June Teufel Dreyer – chuyên gia thuộc lĩnh vực quan hệ quốc tế của đại học Miami, Florida (Mỹ) cho rằng, “vài năm gần đây, cục diện căng thẳng trên biển Đông và biển Hoa Đông cho thấy Trung Quốc rắp tâm tăng cường lực lượng trên biển để đạt được mục đích uy hiếp”. Trước đó, Trung Quốc đã tuyên bố kế hoạch xây dựng hàng không mẫu hạm thứ ba, hàng không mẫu hạm thứ hai cũng sắp hoàn thành, và ngày 3/1, máy bay tiêm kích tàng hình J-20 số hiệu 2101 cũng đã bay thử nghiệm.

Có phân tích chỉ ra rằng, do tính đặc thù của chiến tranh hiện đại, “đánh đòn phủ đầu” đã trở thành nhận thức chung phố biến để giành được quyền chủ động trên chiến trường. Trước khi một hòn đảo nào đó chưa được kết luận thuộc về ai, bên có “quyền kiểm soát thực tế” thường ở vị thế có lợi hơn. 

Ngoài ra, Mỹ thiết lập rất nhiều căn cứ quân sự tại châu Á- Thái Bình Dương, như căn cứ quân sự trên đảo Guam, tạo thành mối đe dọa chiến lược lâu dài đối với Trung Quốc, do đó, Trung Quốc đã biến việc kiểm soát quân sự hóa các hòn đảo trên biển Đông thành nước cờ cần thiết để đấu trí lâu dài với Mỹ.

T.A