Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (Bình Thuận) công suất 3.500MW, tổng vốn đầu tư lên tới 10 tỉ USD, do liên danh CTCP Năng lượng dầu khí Châu Á (Asiapetro) - Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) – Công ty TNHH Novasia Energy (Novasia Energy) làm chủ đầu tư.
Dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp hơn 4,4 tỉ USD cho nền kinh tế Việt Nam, đồng thời tạo ra hơn 45.000 việc làm toàn thời gian cho các lao động trong nước.
Ngày 24/2/2021, liên danh chủ đầu tư đã ký kết biên bản ghi nhớ cung cấp móng cọc và dịch vụ cảng hậu cần với 4 nhà thầu tại Việt Nam, bao gồm: Tập đoàn CS Wind, Công ty TNHH MTV dịch vụ cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C), Công ty cổ phần xây lắp dầu khí miền Nam (Alpha ECC) và Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.
Đây là động thái mới nhất cho thấy dự án điện gió 10 tỉ USD rục rịch ‘khởi động’, chỉ ít tháng sau khi doanh nghiệp dự án – CTCP Phát triển dự án điện gió La Gàn (Lagan Wind) – được thành lập.
Lagan Wind có quy mô vốn điều lệ ở mức 23,2 tỉ đồng, được sáng lập bởi 3 cổ đông tổ chức, bao gồm: CI NMF I Cooperatief U.A (thành viên của CIP, nắm 91% VĐL); Asiapetro (5% VĐL) và Novasia Energy (4% VĐL).
Theo tìm hiểu của VietTimes, Asiapetro được thành lập từ tháng 2/2008, có quy mô vốn 100 tỉ đồng, đăng ký ngành nghề chính là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu (cụ thể: tư vấn chuyển giao công nghệ năng lượng). Chủ tịch HĐQT là ông Đặng Quốc Toản (SN 1973). Vị doanh nhân này là Thành viên HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật tại Lagan Wild.
Bên cạnh đó, ông Đặng Quốc Toản còn là người đại diện của Công ty TNHH Điện gió Duyên Hải (Duyên Hải) – chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Duyên Hải giai đoạn 1, công suất 48MW tại tỉnh Trà Vinh.
Công ty Duyên Hải được thành lập vào tháng 12/2017, với quy mô vốn điều lệ 40 tỉ đồng. Trong đó, Asiapetro góp 2 tỉ đồng, sở hữu 5% vốn điều lệ. Số cổ phần chi phối (95%) do Unison Co Ltd nắm giữ.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2018, Duyên Hải giảm mạnh vốn điều lệ xuống chỉ còn 2 tỉ đồng, vị thế của các cổ đông thay đổi khi Asiapetro trở thành công ty mẹ với tỉ lệ sở hữu 95% vốn điều lệ.
Góp mặt ở 2 dự án điện mặt trời, song, theo dữ liệu của VietTimes, Asiapetro (công ty mẹ) không phát sinh doanh thu và liên tiếp báo lỗ trong giai đoạn 2016 – 2019. Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Asiapetro đạt 99,4 tỉ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.
Đáng chú ý, vào tháng 9/2018, ông Đặng Quốc Toản và ông Diệp Thanh Hải đã thế chấp tổng cộng 30% cổ phần Asiapetro tại Novasia Energy. Trong khí đó, Asiapetro gán 50% cổ phần tại công ty Duyên Hải cho Novasia Energy.
Novasia Energy của ai?
Novasia Energy được thành lập vào tháng 8/2018, bởi ông Christophe Philippe Emmanuel Guyard (SN 1963).
Chỉ vài tháng sau, Novasia Energy cùng 2 pháp nhân khác (có cùng trụ sở chính là Công ty TNHH Đầu tư HPT (HPT) và CTCP Đầu tư xây dựng Hamek (Hamek) thành lập CTCP Phát triển năng lượng TNC (TNC Energy).
Tháng 7/2020, Hamek cùng các cổ đông cá nhân khác là Đinh Văn Trung và Đoàn Thuỵ Diệu Phương liên tiếp thành lập 2 pháp nhân là CTCP Điện gió TNC Quảng Trị 1 (TNC 1) và CTCP Điện gió TNC Quảng Trị 2 (TNC 2).
Bộ đôi doanh nghiệp này chính là các chủ đầu tư hai dự án nhà máy điện gió TNC Quảng Trị 1 và 2, tổng công suất 100 MW, với tổng mức đầu tư trên 3.500 tỉ đồng.
Điều đáng nói, chỉ ít lâu sau khi cụm dự án TNC Quảng Trị 1 và 2 được chấp thuận chủ trương đầu tư, 45% vốn tại TNC 1 và TNC 2 đã được chuyển nhượng cho ông Christophe Philippe Emmanuel Guyard.
Được biết, ngoài Hamek, TNC 1 và TNC 2, ông Đinh Văn Trung (SN 1989) còn đứng tên tại Công ty TNHH Đầu tư Năng lượng xanh Hasin, CTCP Điện gió TNC Hà Nội, CTCP Điện mặt trời Đông Nam Bộ Việt Nam 1-2, CTCP Hamek Ánh Dương 2-7./.