KAEC sẽ giúp đa dạng hóa nền kinh tế vương quốc vốn phụ thuộc vào dầu mỏ, thu hút trực tiếp đầu tư trong nước và nước ngoài. Dự án KAEC sau khi hoàn thành sẽ rộng lớn hơn Washington DC của Mỹ, cũng như tạo 1 triệu việc làm cho thanh niên Ảrập Xêút.
Dự án siêu thành phố KAEC hình thành từ năm 2005 theo sáng kiến của Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz Al Saud với hy vọng tương lai nền kinh tế vương quốc sẽ không còn phụ thuộc vào dầu mỏ. Dự án KAEC trị giá 100 tỉ USD, trong đó phần lớn được đóng góp từ quỹ tư nhân. Theo Fahd al-Rasheed, Giám đốc Điều hành dự án KAEC, thế hệ công dân mới của Ảrập Xêút mong muốn Ảrập Xêút có một thành phố phù hợp với lối sống hiện đại ngày nay ở phương Tây.
Al-Rasheed cho biết: "Chúng tôi có 200.000 thanh niên đang học tập ở nước ngoài. Chắc chắn họ sẽ thay đổi mọi thứ sau khi trở về quê nhà". Còn Rayan Bukhari, một giám đốc trẻ, làm việc ở cảng Quốc vương Abdullah, tuyên bố: "Chúng tôi muốn tạo lập một trong những cảng lớn nhất thế giới. Thủ tục hải quan cũng như kỹ thuật bốc dỡ hàng hóa của chúng tôi sẽ tự động hóa hơn và nhanh hơn".
Với sự ra đời của KAEC, hàng hóa đến Ảrập Xêút sẽ đi theo con đường ngắn nhất giúp công tác phân phối trong nước nhanh hơn. "Tốc độ" chính là tầm nhìn tương lai của KAEC. Với mạng tàu điện cao tốc kết nối KAEC với hai thành phố Mecaca và Medina, người hành hương sẽ dễ dàng đi từ nơi Nhà tiên tri chào đời đến nơi chôn cất ngài.
Fahd al-Rasheed cũng thông báo "trạm tàu điện Haramain sẽ mở cửa hoạt động vào cuối năm 2015". Trạm được thiết kế bởi Norman Foster - kiến trúc sư người Anh nổi tiếng với hai công trình đồ sộ tháp chọc trời "Gherkin" ở thủ đô London nước Anh và Vòm Reichstag Dome ở thủ đô Berlin của Đức. Trong khi Jeddah - đô thị lớn thứ 2, sau thủ đô Riyadh, nằm ở phía tây Ảrập Xêút - tràn ngập ôtô, KAEC tương lai được tuyên bố sẽ là siêu thành phố giới hạn khí thải nhờ mạng lưới ôtô điện được nạp năng lượng miễn phí. KAEC được xây dựng cùng lúc với 4 thành phố khổng lồ mới khác và tất cả đều nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của Cơ quan Quản lý Các thành phố kinh tế (ECA) của chính quyền Ảrập Xêút.
KAEC sẽ có 2 triệu dân và được phân chia thành 6 khu vực: khu công nghiệp, cảng biển, các khu dân cư, khu nghỉ dưỡng biển, khu giáo dục và khu thương mại trung tâm (CBD). Khu công nghiệp dự kiến chiếm diện tích 63km2, được xác định phát triển kinh tế Ảrập Xêút và có khả năng cung cấp đất thuê cho 2.700 đối tác thương mại. Khu công nghiệp cũng bao gồm các cơ sở dịch vụ, trung tâm giáo dục và bệnh viện. "Thung lũng Chất dẻo" bên trong Khu công nghiệp sẽ sử dụng nguyên liệu thô có sẵn ở Ảrập Xêút để sản xuất chất dẻo cao cấp sử dụng trong ngành công nghiệp ôtô, sinh - y học, xây dựng và bao bì thực phẩm.
Khu nghỉ dưỡng biển - được thiết kế đặc biệt với nhiều tiện nghi cực kỳ hiện đại cung cấp đủ loại dịch vụ - hy vọng sẽ thu hút sự quan tâm của du khách trong nước lẫn quốc tế và hứa hẹn trở thành điểm đến lý tưởng trên bản đồ Ảrập Xêút cũng như bản đồ toàn khu vực Trung Đông! Khu nghỉ dưỡng bao gồm nhiều khách sạn, trung tâm mua sắm và giải trí. Dự kiến sẽ xây dựng 120 khách sạn với tổng cộng 25.000 phòng. Ngoài ra còn có sân gold 18 lỗ. Câu lạc bộ cưỡi ngựa, câu lạc bộ du thuyền và một loạt các điểm thể thao dưới nước cũng được xây dựng trong Khu nghỉ dưỡng biển.
Khu giáo dục - một phần trong kế hoạch phát triển công nghệ cạnh tranh với thế giới của Ảrập Xêút - bao gồm các trường đại học với 2 công viên nghiên cứu và phát triển (R&D)."Financial Island" (Đảo Tài chính) bên trong CBD sẽ là bộ não trung tâm tài chính lớn nhất trong khu vực với sự tập trung của các ngân hàng, các nhà đầu tư và tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới.
Theo ANTG