Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết 50 quốc gia đã ký thỏa thuận, trong đó có Việt Nam, Iran, Australia, Grudia và Anh. Bảy nước gồm, Đan Mạch, Kuwait, Malaysia, Philippines, Hà Lan, Nam Phi, Thái Lan dự kiến sẽ ký vào cuối năm nay do còn chờ sự tán thành của trong nước.
Trung Quốc xác nhận nước này đóng góp gần 30 tỷ USD trên tổng số 100 tỷ USD vốn cơ bản của AIIB, chiếm 30,34% tổng vốn góp. Như vậy, Trung Quốc sẽ là cổ đông lớn nhất, nắm 26,06% quyền biểu quyết trong ngân hàng. Điều này cho phép Trung Quốc quyền phủ quyết trong các vấn đề đòi hỏi sự tán thánh của đại đa số, tức là 75% quyền biểu quyết và 2/3 số thành viên. Theo các nhà phân tích, những vấn đề đòi hỏi sự thông qua của đại đa số thành viên sẽ là những vấn đề chủ chốt như bầu người đứng đầu thể chế, cấp vốn ngoài khu vực và phân phối thu nhập của ngân hàng, cùng một số các quyết định khác.
Đây chính là vấn đề Mỹ đã nêu ra khi bày tỏ lo ngại về mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với việc điều hành ngân hàng.
Giải thích về việc này, Bắc Kinh cho biết không đòi hỏi quyền phủ quyết trong AIIB. Việc Trung Quốc có quyền phủ quyết là “kết quả tự nhiên” trong giai đoạn đầu thành lập ngân hàng do liên quan đến phần vốn góp của nước này. Bắc Kinh khẳng định sẽ không tìm cách duy trì quyền phủ quyết như Mỹ đang làm tại Ngân hàng Thế giới (WB).
Bộ Tài chính Trung Quốc nhấn mạnh thêm phần đóng góp ban đầu và quyền biểu quyết của Trung Quốc cũng như các thành viên sáng lập khác sẽ bị giảm dần khi AIIB có thêm thành viên tham gia.
Các thành viên châu Á sẽ nắm tổng cộng 75% vốn của AIIB. Các thành viên châu Âu và các quốc gia khác sẽ sở hữu phần còn lại. Mỗi nước Đông Á sẽ được chỉ định mức vốn góp trong hạn ngạch 75% nói trên, căn cứ theo quy mô nền kinh tế.
Ấn Độ dự kiến sẽ là cổ đông lớn thứ hai với phần đóng góp chiếm từ 10 - 15% tổng vốn cơ bản của AIIB. Đức dự kiến góp 4,1% cổ phần, là thành viên có vốn góp lớn thứ tư sau Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Australia, nước đầu tiên ký các điều khoản thành lập, cho biết sẽ đóng góp 719,36 triệu USD trong vòng 5 năm, để trở thành cổ đông lớn thứ sáu.
Theo kế hoạch, ngân hàng sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay, với trụ sở chính đặt tại Bắc Kinh. Tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ giao dịch chính thức tại thể chế này. Giống như WB và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), các lãnh đạo trong ngân hàng sẽ được hưởng lương miễn thuế.
Một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây ở Bắc Kinh nhận định, Trung Quốc đã nhận thấy nhu cầu lập một thể chế tài chính đa phương của riêng mình và không nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ sau khi các nỗ lực nhằm nâng cao vai trò của tại các thể chế tài chính thế giới hiện tại như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rơi vào thế bế tắc do vấp phải sự phản đối của Mỹ. Ba nền kinh tế phát triển từ chối tham gia AIIB hiện nay gồm Nhật Bản, Candada và tất nhiên là có cả Mỹ.
Tuy nhiên, đánh giá về cơ cấu tổ chức của AIIB, ông Malcolm Cook, chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore nhận định việc có quá nhiều nước tham gia thành lập sẽ khiến cho hoạt động điều hành AIIB trở nên phức tạp. Theo ông, càng nhiều nước tham gia ban lãnh đạo thì càng có nhiều lợi ích xung đột nhau, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến các quyết sách vì các thành viên đều muốn phục vụ lợi ích của đất nước mình.
AIIB được thành lập theo đề xuất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cách đây chưa đầy hai năm. Phát biểu tại lễ ký, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh AIIB được khởi xướng nhằm đáp ứng sự phát triển hạ tầng của châu Á và thúc đẩy sự kết nối cũng như tăng cường sự hợp tác khu vực. Tuy nhiên, như người đứng đầu ngành tài chính Trung Quốc thừa nhận, đây chỉ mới chỉ là bước đi đầu tiên của một chặng đường dài trước mắt.
Theo: Báo Tin Tức