Ai thực sự đứng sau IS và chủ nghĩa khủng bố

Ả-rập Xê-út bắt đầu cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo từ khi sự bùng nổ giá dầu những năm 1970 đã làm tăng nhanh sự giàu có của quốc gia này.
IS bành trướng nhanh chóng do có kẻ bảo trợ
IS bành trướng nhanh chóng do có kẻ bảo trợ

Việc ngăn chặn tai họa chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo là bất khả nếu không ngăn chặn được tư tưởng thúc đẩy nó: Chủ nghĩa Wahhab (đặt tên theo người sáng lập là Muhammad Ibn Abd al-Wahhab), một nhánh thuộc chủ nghĩa chính thống cực đoan dòng Sunni tôn thờ thánh Alah như vị chúa trời duy nhất cũng như tán dương các cuộc thánh chiến Hồi giáo mà sự bành trướng quốc tế của nó đã được bảo trợ bởi các quốc gia Hồi giáo giàu dầu mỏ, đặc biệt là Ả-rập Xê-út. Đó là lý do tại sao liên minh chống khủng bố do quốc gia này dẫn dắt mới được thông báo gần đây, Liên minh Quân sự Hồi giáo chống Khủng bố, vấp phải sự hoài nghi sâu sắc.

Bên cạnh một số điểm khác, chủ nghĩa Wahhab cổ xúy sự nô dịch phụ nữ và giết chết những kẻ ngoại đạo. Theo cách mô tả của Tổng thống Mỹ Barack Obama về động cơ của một cặp vợ chồng người gốc Pakistan đã gây ra vụ xả súng gần đây ở San Bernardino, California, thì đó là một sự diễn dịch sai về Hồi giáo, cũng như là nguồn gốc tư tưởng của chủ nghĩa khủng bố thánh chiến Hồi giáo. Chủ nghĩa này sản sinh ra các tổ chức khủng bố khét tiếng như Al-Qaeda, Taliban, Boko Haram, al-Shabaab và Nhà nước hồi giáo tự xưng (IS), những tổ chức khủng bố hòa trộn sự thù địch đối với các tín đồ không theo dòng Sunni với chủ nghĩa lãng mạn chống hiện đại vào trong con thịnh nộ đòi xóa bỏ mọi định chế chính trị, xã hội hiện thời.

Ả-rập Xê-út bắt đầu cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo từ khi sự bùng nổ giá dầu những năm 1970 đã làm tăng nhanh sự giàu có của quốc gia này. Theo một báo cáo của Nghị viện châu Âu năm 2013, một số tiền trong khoản tiền 10 tỷ USD do Ả-rập Xê-út đầu tư cho “chương trình nghị sự Wahhab” của quốc gia này ở Nam và Đông Nam Á đã được chuyển cho các nhóm khủng bố, bao gồm Lashkar-e-Taiba, tổ chức đã gây ra cuộc tấn công khủng bố ở Mumbai hồi năm 2008.

Các nhà lãnh đạo phương Tây đã nhận ra vai trò của Ả-rập Xê-út trong nhiều năm qua. Trong một điện tín ngoại giao năm 2009, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhận định Ả-rập Xê-út là “nguồn tài trợ đáng kể nhất cho các nhóm khủng bố trên toàn thế giới”. Tuy nhiên, chủ yếu vì sự quan tâm của phương Tây đối với nguồn dầu mỏ của quốc gia này nên cho đến nay Ả-rập Xê-út chưa phải đối mặt với bất kỳ lệnh trừng phạt quốc tế nào.

Bây giờ, với sự phát triển của các hoạt động khủng bố như Nhà nước Hồi giáo, các mối ưu tiên đang thay đổi. Như Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Chúng tôi phải làm cho Ả-rập Xê-út hiểu rõ rằng thời kỳ để nhìn về hướng còn lại đã qua”.

Sự thay đổi này đã thúc đẩy Ả-rập Xê-út tuyên bố một “sự trừng trị thẳng tay” đối với các cá nhân và các tổ chức tài trợ khủng bố. Nhưng theo một báo cáo mới đây của Bộ Ngoại giao Mỹ, một số nhà tài trợ cá nhân cũng như một số tổ chức từ thiện có trụ sở ở Ả-rập Xê-út vẫn tiếp tục tài trợ cho các chiến binh Sunni.

Từ quan điểm này, thông báo bất ngờ của Ả-rập Xê-út về một liên minh chống khủng bố bao gồm 34 quốc gia với một trung tâm hoạt động chung đặt trụ sở tại Riyadh là một bước đi có thể hiểu được, với mục đích làm giảm các chỉ trích đang tăng của phương Tây, đồng thời làm gia tăng ảnh hưởng của dòng Sunni tại khu vực Trung Đông. Nhưng tất nhiên, liên minh chỉ là một vỏ bọc khi xét kỹ các thành viên của liên minh này.

Đáng nói là liên minh bao gồm tất cả các nhà bảo trợ chính của các tổ chức khủng bố và cực đoan trên thế giới, từ Qatar đến Pakistan. Cứ như thể một tập đoàn ma túy tuyên bố thực hiện một chiến dịch tổng lực chống ma túy. Trong danh sách các quốc gia thành viên của liên minh này còn có những thành trì của thánh chiến Hồi giáo bên ngoài Afghanistan, bao gồm cả Libya và Yemen đang bị chiến tranh tàn phá, hai quốc gia hiện không được cai trị bởi một chính quyền thống nhất.

Hơn nữa, mặc dù được mô tả là một liên minh Hồi giáo với thành viên đến từ “khắp nơi trong thế giới Hồi giáo” nhưng lực lượng này bao gồm cả Uganda và Gabon, hai quốc gia có dân số phần lớn là người Công giáo, mà không có Oman (một quốc gia Hồi giáo đồng minh vùng Vịnh), Algeria (quốc gia lớn nhất châu Phi) cũng như Indonesia (quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới).

Thất bại trong việc lôi kéo Indonesia – quốc gia có số dân theo đạo Hồi nhiều gần gấp 2 lần toàn bộ Trung Đông – tham gia liên minh là một điểm đáng chú ý không chỉ vì kích thước của quốc gia này: trong khi hầu hết các quốc gia trong liên minh đều được cai trị bởi các chế độ quân chủ hoặc chuyên quyền thì Indonesia lại là một nền dân chủ lớn mạnh. Sự cầm quyền của chế độ chuyên quyền tại các quốc gia Hồi giáo có xu hướng củng cố sực mạnh của các lực lượng thánh chiến. Nhưng khi nền dân chủ vững chắc, như ở quốc gia Indonesia bao dung và thế tục, sự va chạm giữa những người theo chủ nghĩa ôn hòa và cực đoan có thể được giải quyết ổn thỏa hơn.

Cách tiếp cận bất thường của Ả-rập Xê-út được phản ảnh qua thực tế là một số thành viên trong liên minh, bao gồm Pakistan, Malaysia, Libăng và Chính quyền Palestine, ngay lập tức tuyên bố rằng họ chưa bao giờ thật sự tham gia liên minh. Vương quốc này có vẻ đã nghĩ rằng mình có thể đưa ra quyết định thay cho các quốc gia quan trọng khác đã nhận viện trợ từ mình.

Cùng với sự vắng mặt không mấy bất ngờ của Iran và Iraq do dòng Shia cầm quyền, cũng như Syria do dòng Alawite cai trị, rõ ràng Ả-rập Xê-út đã đơn thuần phác thảo một tập hợp các quốc gia phần lớn là theo dòng Sunni để thực hiện các mục tiêu chiến lược và bè phái của mình. Điều này đúng với hướng tiếp cận chính sách cứng rắn hơn được thực hiện từ khi Vua Salman lên ngôi tháng 1 năm 2015.

Trong nước, sự trị vì của Salman cho đến nay đã kéo theo một sự gia tăng đáng kể số lượng án tử hình bằng biện pháp chém đầu, thường được tiến hành công khai, biện pháp mà Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS cũng đang ra sức thực hiện. Bên ngoài, sự trị vì của Salman đồng nghĩa một sự ưu tiên các giải pháp bạo lực tại Bahrain, Iraq, Syria và Yemen.

Một liên minh nhỏ hơn do Ả-rập Xê-út dẫn dắt đã thực hiện ném bom Yemen từ tháng Ba với mục tiêu đẩy lui phiến quân Houthi dòng Shia vốn đã chiếm đóng thủ đô Sana’a sau khi lật đổ chính quyền do Ả-rập Xê-út chống lưng. Các máy bay chiến đấu của Ả-rập Xê-út đã ném bom nhà ở, chợ, bệnh viện và các trại tị nạn ở Yemen, khiến thế giới chỉ trích và cáo buộc Vương quốc này đã cố tình khủng bố dân thường để hướng công luận chống lại chính quyền Houthi.

Quân đội A rập Xê út đang can thiệp vào Yemen
Quân đội A rập Xê út đang can thiệp vào Yemen

Các giải pháp của Ả-rập Xê-út thường đi ngược lại mục tiêu của đồng minh Mỹ. Ví dụ, Ả-rập Xê-út và các quốc gia Ả-rập khác đã lặng lẽ rút khỏi cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu ở Syria, bỏ lại phần lớn chiến dịch cho Mỹ thực hiện.

Nhưng đằng sau những sự thao túng mang tính chiến lược của Ả-rập Xê-út là vấn đề cơ bản mà chúng ta đã đề cập đến ban đầu: ý thức hệ chính thức của Vương quốc này tạo thành trọng tâm ý thức hệ cho chủ nghĩa khủng bố. Một kẻ thù sốt sắng của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo sẽ không nhấn mạnh chủ nghĩa thánh chiến bạo lực. Một kẻ thù sốt sắng của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cũng sẽ không bắt giữ và buộc tội “khủng bố” đối với những người trong nước chỉ trích sự giải thích đạo Hồi theo tư tưởng thời Trung cổ của Vương quốc này. Ả-rập Xê-út thực hiện cả hai điều trên.

Điều này cho thấy sự thiếu sót chính của hướng tiếp cận quân sự hóa ngày nay đối với việc chống lại chủ nghĩa khủng bố. Nếu sự bành trướng của các tư tưởng nguy hiểm như chủ nghĩa Wahhab không được ngăn chặn thì cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, hiện đã kéo dài gần một thế hệ, sẽ không bao giờ giành được thắng lợi. Dù cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ có thả bao nhiêu bom đi nữa thì các lò đào tạo tư tưởng Hồi giáo do Ả-rập Xê-út bảo trợ vẫn sẽ tiếp tục nhồi nhét ý thức hệ cho những kẻ thánh chiến tương lai.

* Tác giả Brahma Chellaney, giáo sư ngành Nghiên cứu Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi, học giả tại Viện Robert Bosch ở Berlin

Theo QPAN