AGM 2023 MB Bank: Chưa có áp lực nợ xấu với nhóm Novaland, Trung Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lãnh đạo MB khẳng định hiện ngân hàng chỉ cho vay và phát hành trái phiếu liên quan đến bất động sản với Novaland. Những khoản vay với Hưng Thịnh và Trung Nam cũng đều được trả nợ đủ nên sẽ không phát sinh nợ xấu.
MB Bank: Chưa có áp lực nợ xấu với nhóm Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam trong năm 2023
MB Bank: Chưa có áp lực nợ xấu với nhóm Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam trong năm 2023

Cụ thể, trao đổi tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023) vừa diễn ra, ông Phạm Như Ánh, Phó Tổng giám đốc thường trực Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank – Mã CK: MBB) cho biết Novaland là đối tác bất động sản lớn, ngân hàng có cho vay và phát hành trái phiếu nhưng đều dựa trên những phân tích, đánh giá từng dự án cụ thể.

"Tính đến nay, số dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Novaland đã giảm đáng kể, vậy nên những khoản vay của Novaland sẽ không phát sinh nợ xấu trong năm nay", ông Ánh nói.

Đối với Trung Nam, MB Bank chỉ cho vay và phát hành trái phiếu liên quan đến năng lượng tái tạo. Hiện những khoản vay đều được trả nợ đủ và sẽ không có nợ xấu trong các năm tiếp theo.

Còn với Hưng Thịnh, ngân hàng không sở hữu trái phiếu, chỉ cho vay về lĩnh vực xây lắp nhưng con số không đáng kể.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT của MB Bank, cho biết thêm ngân hàng đã tham gia cho vay cho nhiều dự án của Novaland, tuy nhiên tổng số tiền cho vay và phát hành trái phiếu không lên tới con số 10.000 tỉ đồng như những gì một số cổ đông đã nói. Tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản của MB Bank chỉ chiếm khoảng 8% trong tổng số cho vay. Tất cả các dự án bất động sản, không chỉ riêng Novaland, đều có tài sản đảm bảo, do đó không gây ra rủi ro nợ xấu trong năm nay.

"MB không ưu tiên gì đặc biệt với Novaland, chúng tôi cũng không đầu tư với Novaland. MB là chủ nợ đứng thứ 4 -5 trong cho vay Novaland", ông Thái khẳng định.

Đang định giá lại ngân hàng yếu kém

Trong năm 2022, Hội đồng quản trị ngân hàng đã đã hoàn thành việc xây dựng và báo cáo phương án chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại (NHTM) để trình Ngân hàng nhà nước (NHNN).

MB Bank cũng đã và đang triển khai các giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng đó theo định hướng chỉ đạo của NHNN nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện nhận chuyển giao trong năm 2023.

Giải thích với cổ đông về việc chưa triển khai phương án nhận chuyển giao, ông Phạm Như Ánh, Phó Tổng giám đốc thường trực MB Bank cho biết, hiện tại đang thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc.

“Theo quy định của NHNN thì thời gian định giá sẽ kéo dài 11 tháng. Việc định giá đã bắt đầu từ tháng 3/2023 nên dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ định giá xong và MB Bank có thể triển khai nhận chuyển giao”, ông Ánh cho biết.

Mục tiêu lợi nhuận 26.100 tỉ đồng

AGM 2023 của MB Bank ghi nhận sự tham gia của 997 cổ đông, đại diện cho 63,52% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Tại Đại hội, các cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 26.100 tỉ đồng, tăng trưởng 15% so với mức thực hiện 2022.

Kế hoạch này dựa trên mục tiêu tổng tài sản tăng 14% lên 830.000 tỉ đồng; tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức 14-15%, huy động vốn dự kiến đạt 591.000 tỉ đồng và tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 2%, riêng ngân hàng sẽ kiểm soát dưới 1,7%.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, MB Bank dự kiến thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt. Với mức lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 12.151 tỉ đồng, ngân hàng sẽ chi 6.809 tỉ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 15%, còn 2.266 tỉ đồng sẽ được sử dụng để chia cổ tức bằng tiền mặt, tương đương tỷ lệ 5%.

Bên cạnh đó, MB Bank cũng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 1.542 tỉ đồng đồng thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động đã được thông qua tại AGM 2022.

Như vậy, vốn điều lệ của MB Bank dự kiến tăng từ 45.339,8 tỉ đồng lên 53.683,2 tỉ đồng./.