Toàn cảnh AGM 2023 của SHB (Ảnh: Văn Lâm) |
Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 31 (AGM 2023) của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) phải dời lại thời gian khai mạc ít phút so với dự kiến.
Nguyên nhân là bởi, cho đến 14h15, vẫn còn khá đông cổ đông vẫn chưa hoàn thành xong thủ tục ‘check-in’. Cùng thời điểm, ở phía trong, hội trường tổ chức đại hội đã chật kín người.
Theo đại diện Ban kiểm tra tư cách cổ đông, tính đến 14h08, AGM 2023 của SHB có 771 cổ đông tham dự và ủy quyền, đại diện cho 2,03 tỉ cổ phần, chiếm 66,25% tổng số cổ phần có quyền tham dự đại hội.
Đây là số lượng đại biểu tham dự đông đảo bậc nhất, cho đến lúc này, tại mùa đại hội cổ đông năm nay của các nhà băng. Nó cũng cho thấy mức độ ‘đại chúng’ của SHB.
Trước đó, AGM 2023 của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) ghi nhận có 130 cổ đông và đại diện ủy quyền tham dự, đại diện cho 1,58 tỉ cổ phần, chiếm 75,14% tổng số phiếu có quyền biểu quyết.
Hay gần đây nhất, AGM 2023 của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – Mã CK: NVB) có 33 cổ đông tham dự trực tiếp và 61 đại diện ủy quyền tham dự, đại diện cho 522,2 triệu cổ phiếu, tương ứng với 93,79% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của NCB.
Cổ đông chiến lược sắp lộ diện
Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển phát biểu tại AGM 2023 |
Tại đại hội, ban lãnh đạo SHB đã trình cổ đông xem xét nội dung liên quan đến việc tiếp tục thực hiện phương án tăng vốn từ phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoại.
Phía ngân hàng cho hay, từ đầu năm 2022, SHB đã làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức, định chế tài chính lớn. Tuy nhiên, việc phát hành phải tạm dừng trước những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán trên thế giới và Việt Nam.
Chia sẻ với cổ đông, ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT SHB – cho biết, thời gian qua, một số định chế tài chính lớn có ý định mua cổ phần của ngân hàng, với thời gian đầu tư từ 3-5 năm. “Dự kiến họ sẽ xuất hiện trong ít tháng tới, chậm nhất vào đầu năm sau”, ông Hiển nói.
Người đứng đầu SHB khẳng định, mục tiêu trọng tâm năm 2023 của nhà băng này là tăng cường cấu trúc nợ, cấu trúc tài chính và tài sản.
Bên cạnh đó, ông Hiển cũng trấn an cổ đông về số trái phiếu doanh nghiệp mà nhà băng này nắm giữ.
Theo đó, các trái phiếu bất động sản mà SHB nắm giữ đều có tài sản đảm bảo. SHB không tham gia bảo lãnh thanh toán cho bất kỳ doanh nghiệp phát hành trái phiếu nào, chỉ một số ít công ty thành viên tham gia với vai trò đơn vị tư vấn. “Cổ đông có thể yên tâm”, ông Hiển nhấn mạnh.
SHB báo lãi 3.600 tỉ đồng trong quý 1/2023
Về tình hình kinh doanh, bà Ngô Thu Hà – Tổng giám đốc SHB, cho biết lợi nhuận trong quý 1/2023 của SHB đạt khoảng 3.600 tỉ đồng.
“Trong quý 1/2023, tăng trưởng huy động vốn của SHB dự kiến đạt trên 8%; tín dụng tăng trưởng gần 6%; lợi nhuận tăng 10% so với cùng kỳ, đạt 3.600 tỉ đồng”, bà Hà thông tin.
Phát biểu sau giờ nghỉ giải lao, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cho biết đã có trao đổi nhanh với ban lãnh đạo ngân hàng về khả năng chia cổ tức năm 2023 với tỉ lệ ít nhất là 18%, trong đó có 5% bằng tiền mặt.
"Hết quý 2/2023, nếu điều kiện thuận lợi, SHB sẽ chính thức xin ý kiến cổ đông về vấn đề này", ông Hiển nói.
Năm 2023, SHB lên phương án lợi nhuận dựa trên 2 kịch bản tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, ở phương án 1, hạn mức tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 10%, HĐQT SHB đề xuất mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 10.285 tỉ đồng, tăng 6,15% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến tăng 8,93% lên 600.106 tỉ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 dự kiến tăng 12,05% lên 456.180 tỉ đồng.
Ở phương án 2, với hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 14%, ban lãnh đạo SHB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 9,67%, đạt 10.626 tỉ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 10,09% lên 606.500 tỉ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 dự kiến tăng 14,78% lên 467.291 tỉ đồng.
Ngoài các chỉ tiêu kinh doanh, SHB còn muốn tăng vốn điều lệ lên 36.645 tỉ đồng thông qua phát hành 552 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 18% và phát hành 45,1 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
VietTimes sẽ tường thuật phiên AGM 2023 của SHB. Ấn F5 để cập nhật!
13h25: Ông Đỗ Quang Vinh - Thành viên HĐQT SHB đã có mặt từ sớm. Ông Vinh là con trai cả của ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB. Theo ghi nhận của VietTimes, ông Đỗ Quang Hiển vẫn chưa xuất hiện tại hội trường.
Đại thiếu gia nhà 'bầu' Hiển xem xét các nội dung tờ trình... |
...và trao đổi với một số thành viên SHB trước thềm AGM 2023. Đứng bên trái đại thiếu gia nhà 'bầu' Hiển là CEO SHB Ngô Thu Hà |
Bên cạnh ông Đỗ Quang Vinh, một số lãnh đạo cấp cao khác của SHB đã có mặt tại hội trường tổ chức AGM 2023 |
Bên ngoài hội trường, nhiều cổ đông SHB vẫn đang thực hiện các thủ tục 'check in'.
13h30: Đã có nhiều cổ đông thực hiện xong thủ tục 'check in'. Hội trường tổ chức AGM 2023 của SHB chỉ còn lác đác vài chỗ trống.
Một cổ đông lớn tuổi chăm chú tìm hiểu chương trình nghị sự tại AGM 2023 của SHB |
Một số cổ đông khác cũng tranh thủ thời gian nghiên cứu chương trình nghị sự trước khi AGM 2023 khai mạc |
14h00: Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển đã có mặt tại hội trường. AGM 2023 của SHB sắp được tiến hành.
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển trao đổi với đại diện Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) trước khi AGM 2023 chính thức khai mạc |
14h13: Đã quá giờ dự kiến tiến hành đại hội, nhưng theo ban tổ chức, vẫn có nhiều cổ đông vẫn chưa thực hiện xong thủ tục “check-in”.
14h15: AGM 2023 của SHB bắt đầu.
Theo đại diện Ban kiểm tra tư cách cổ đông, tính đến 14h08, AGM 2023 của SHB có 771 cổ đông tham dự và ủy quyền, đại diện cho 2,03 tỉ cổ phần, chiếm 66,25% tổng số cổ phần có quyền tham dự đại hội.
Con số công bố cho thấy mức độ ‘đại chúng’ ở SHB.
AGM 2023 của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) có 130 cổ đông và đại diện ủy quyền tham dự, đại diện cho 1,58 tỉ cổ phần, chiếm 75,14% tổng số phiếu có quyền biểu quyết.
Trong khi đó, AGM 2023 của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – Mã CK: NVB) có 33 cổ đông tham dự trực tiếp và 61 đại diện ủy quyền tham dự, đại diện cho 522,2 triệu cổ phiếu, tương ứng với 93,79% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của NCB.
Danh sách Đoàn Chủ tịch AGM 2023 của SHB bao gồm:
Ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT (Chủ tọa đoàn)
Ông Đỗ Quang Vinh – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc
Bà Ngô Thu Hà – Tổng giám đốc
Ông Thái Quốc Minh – Thành viên HĐQT
Ông Đỗ Văn Sinh – Thành viên HĐQT
Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB - phát biểu tại AGM 2023 |
14h30: Ông Thái Quốc Minh, đại diện Đoàn Chủ tịch đọc báo cáo của HĐQT về kết quả hoạt động của HĐQT năm 2022 và định hướng hoạt động năm 2023.
Trước bài trình bày của ông Minh, ông Đỗ Quang Hiển đề xuất các đại diện đọc báo cáo một cách tóm tắt nhất có thể để dành thời gian cho phiên thảo luận.
Ông Thái Quốc Minh - Thành viên HĐQT SHB - báo cáo kết quả hoạt động của HĐQT năm 2022 và định hướng hoạt động năm 2023 |
Theo ông Minh, năm 2022, HĐQT SHB đã chủ động, bám sát diễn biến thị trường để đưa ra các giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn phát triển, đảm bảo hoạt động của ngân hàng bền vững và an toàn.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của SHB đạt hơn 550.900 tỉ đồng, tăng 8,7% so vưới cuối năm 2021. Tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm qua đạt 14,8%.
Vốn tự có theo chuẩn Basel 2 đạt hơn 62.577 tỉ đồng, tổng huy động thị trường 1 đạt 407.134 tỉ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 398.819 tỉ đồng.
Tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của SHB trong năm 2022 đạt hơn 19.341 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 9.689 tỉ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ.
14h43: Bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB - trình bày báo cáo của Ban điều hành về kết quả hoạt động năm 2022 và kế hoạch kinh doanh năm 2023.
CEO SHB Ngô Thu Hà |
Theo đó, lợi nhuận trước thuế của SHB trong năm 2022 đạt 9.689 tỉ đồng, tăng 55% so với năm 2021, hoàn thành 83% kế hoạch. Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản hợp nhất của SHB đạt 550.904 tỉ đồng, tăng 8,7% so với cuối năm 2021, hoàn thành 97% kế hoạch.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, ban lãnh đạo SHB đề xuất hai phương án dựa trên hai kịch bản tăng trưởng tín dụng.
Phương án 1 dựa trên kịch bản dư nợ tín dụng tăng 10% lên 429.800 tỉ đồng. SHB trình AGM 2023 mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 10.285 tỉ đồng, tăng 6,15% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến tăng 8,93% lên 600.106 tỉ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 dự kiến tăng 12,05% lên 456.180 tỉ đồng.
Phương án 2 dựa trên kịch bản dư nợ tín dụng tăng 14% lên 445.126 tỉ đồng. Ban lãnh đạo SHB trình phương án mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 10.626 tỉ đồng, tăng 9,67% so với năm trước. Tổng tài sản dự kiến tăng 10,09% lên 606.500 tỉ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 dự kiến tăng 14,78% lên 467.291 tỉ đồng.
Ở cả hai phương án, tỷ lệ chia cổ tức năm 2023 dự kiến của SHB đều ở mức 15%. Vốn điều lệ dự kiến tăng 19,47% lên 36.645 tỉ đồng.
Đối với cổ tức năm 2022, ban lãnh đạo SHB đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 18%, tương đương lợi nhuận chia cổ tức đạt hơn 5.520 tỉ đồng.
15h05: Ông Đỗ Quang Vinh, thành viên HĐQT SHB, trình bày các tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2022, phát hành cổ phiếu ESOP và dừng triển khai phương án tăng vốn điều lệ theo nghị quyết AGM 2022.
Ông Đỗ Quang Vinh - Thành viên HĐQT SHB |
Theo đó, SHB muốn tăng vốn điều lệ lên 36.645 tỉ đồng (tăng 19,47%) thông qua phát hành 552 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 18% và phát hành 45,1 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Toàn bộ số tiền thu về từ các đợt phát hành cổ phiếu sẽ được SHB sử dụng bổ sung vốn kinh doanh, chủ yếu là cho vay doanh nghiệp và cá nhân.
15h20: Ông Đỗ Văn Sinh thay mặt HĐQT SHB trình bày tờ trình về việc bổ sung, thay thế và bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Ông Đỗ Văn Sinh - Thành viên HĐQT độc lập SHB |
Theo đó, HĐQT SHB trình AGM 2023 thông qua việc nâng số lượng thành viên HĐQT từ 6 thành viên lên 8 thành viên, trong đó có 2 thành viên HĐQT độc lập.
Bên cạnh đó, đại hội sẽ xem xét việc miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Võ Đức Tiến và ông Nguyễn Văn Lê, đồng thời tiến hành bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT gồm bà Ngô Thu Hà, ông Đỗ Đức Hải, ông Phạm Viết Dần và ông Haroon Anwar Sheikh.
Cổ đông: Giá trị danh mục chứng khoán đầu tư của SHB tại ngày 31/12/2022 lên tới 32.954 tỉ đồng, trong đó có các khoản sẵn sàng để bán và nắm giữ đến ngày đáo hạn. Con số này bao gồm những khoản đầu tư nào, rủi ro ra sao?
CEO SHB Ngô Thu Hà: Khoản đầu tư này bao gồm 3 phần. Trong đó, trái phiếu chính phủ chiếm 60% (khoảng 19.000 tỉ đồng), trái phiếu đầu tư của các tổ chức tín dụng khoảng 1.100 tỉ đồng và trái phiếu tổ chức kinh tế khoảng 13.000 tỉ đồng.
Danh mục đầu tư trái phiếu của SHB chủ yếu là trái phiếu xanh (chiếm 60%), kỳ hạn 3-5 năm.
Trái phiếu còn lại là bất động sản, chủ yếu là các dự án khu công nghiệp và nhà ở. Tất cả các dự án này đều có thanh khoản, tổ chức phát hành thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho các trái chủ, trong đó có SHB.
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển: Trái phiếu bất động sản mà SHB nắm giữ đều có tài sản đảm bảo đầy đủ, cổ đông có thể yên tâm.
SHB không tham gia bảo lãnh thanh toán cho bất kỳ doanh nghiệp phát hành trái phiếu nào, chỉ một số ít công ty thành viên tham gia với vai trò đơn vị tư vấn.
Cổ đông: 'Room' ngoại của SHB còn trống, ngân hàng có kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược nước ngoài hay không?
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển: Thực tế, SHB đã tìm hiểu, tiếp xúc với nhiều đối tác trên thế giới, song họ chỉ dừng lại ở việc đầu tư ngắn và trung hạn, chủ yếu là đầu tư tài chính.
Thời gian gần đây, một số định chế tài chính lớn có ý định mua cổ phần SHB với thời gian đầu tư trong vòng 3-5 năm, dự kiến họ sẽ xuất hiện trong ít tháng tới, chậm nhất vào đầu năm sau.
Cổ đông: SHB có ý định trả cổ tức bằng tiền mặt hay không, nếu có thì trong khoảng thời gian nào?
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển: Chia cổ tức bằng cổ phiếu đồng nghĩa với việc tăng vốn, điều này cũng giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô.
SHB luôn đặt lợi ích cổ đông và khách hàng lên đầu, sẽ xem xét việc chia cổ tức bằng tiền mặt vào thời điểm phù hợp.
Cổ đông: Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của SHB ra sao?
CEO SHB Ngô Thu Hà: SHB lãi khoảng 3.600 tỉ đồng trong quý đầu năm 2023.
Trong quý 1/2023, tăng trưởng huy động vốn của SHB dự kiến đạt trên 8%; tín dụng tăng trưởng gần 6%; lợi nhuận tăng 10% so với cùng kỳ, đạt 3.600 tỉ đồng.
Cổ đông: Năm 2023, SHB dự kiến giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu từ mức 2,8% cuối năm 2022 xuống dưới 2%. Ban lãnh đạo ngân hàng triển khai kế hoạch này như thế nào?
CEO SHB Ngô Thu Hà: Xử lý nợ xấu và thu hồi nợ là hai giải pháp trọng tâm của SHB trong năm 2023.
SHB sẽ áp dụng từng biện pháp cụ thể đối với từng đối tượng khách hàng, đồng hành cùng khách hàng trong việc xử lý tài sản đảm bảo.
Hiện nay, tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng giá trị tài sản đảm bảo chỉ đạt 37%, mức tương đối thấp và SHB hoàn toàn có khả năng thu hồi cả nợ lãi và gốc nếu có nợ xấu xảy ra.
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển: HĐQT SHB đã nhấn mạnh trong báo cáo kế hoạch gửi tới cổ đông rằng trọng tâm trong năm 2023 là tăng cường cấu trúc nợ, cấu trúc tài chính, tài sản.
“HĐQT đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý nợ xấu, nợ quá hạn và tôi trực tiếp đảm nhận vai trò Trưởng ban”, ông Hiển cho biết.
Phát biểu sau giờ nghỉ giải lao, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cho biết đã có trao đổi nhanh với ban lãnh đạo ngân hàng về khả năng chia cổ tức năm 2023 với tỉ lệ ít nhất là 18%, trong đó có 5% bằng tiền mặt.
"Hết quý 2/2023, nếu điều kiện thuận lợi, SHB sẽ chính thức xin ý kiến cổ đông về vấn đề này", ông Hiển nói.
17h35: Đại diện ban kiểm phiếu công bố kết quả biểu quyết các tờ trình.
Theo đó, cập nhật tại thời điểm 16h38, có 973 cổ đông đăng ký tham dự đại hội, đại diện 2,039 tỉ cổ phần, chiếm 66,49% tổng số cổ phần có quyền tham dự.
Kết quả bỏ phiếu, tất cả các tờ trình xin ý kiến cổ đông của SHB đều được thông qua với tỷ lệ trên 99%.
Như vậy, AGM 2023 của SHB đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Võ Đức Tiến và ông Nguyễn Văn Lê.
Đồng thời, tiến hành bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT gồm bà Ngô Thu Hà, ông Đỗ Đức Hải, ông Phạm Viết Dần và ông Haroon Anwar Sheikh.
HĐQT nhiệm kỳ 2022 – 2027 của SHB được kiện toàn |
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển phát biểu bế mạc AGM 2023 |