Hai quốc gia, đại diện cho hai giáo phái Hồi giáo đối thủ Shitte và Sunni, sẽ tiếp tục gây phiền hà cho khu vực nếu Iran vẫn giữ niềm tin vững chắc, giáo phái Shitte chính thống có thể được mở rộng ra bên ngoài biên giới và các quốc gia đang gặp khó khăn như Iraq, Afghanistan, Yemen và Syria là chiến trường thuận lợi cho cuộc chiến khu vực.
Iran đưa người Afghanistan vào chiến đấu tại Syria
Một báo cáo gần đây cho thấy, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và Bộ tình báo nước này đang tích cực tuyển dụng người tị nạn Afghanistan đến chiến đấu ở Syria để đổi lấy khoản lương hàng tháng và sự cư trú hợp pháp. Đoạn băng do quân nổi dậy Syria đăng tải cho thấy, nhiều người Afghanistan bị còng tay thú nhận, họ bị các quan chức Iran tuyển dụng và đưa đến chiến đấu cho lực lượng của chính phủ Shitte Bashar al-Assad ở Syria nhằm thực hiện các nghĩa vụ tôn giáo và nhận được lợi ích tài chính.
Mặc dù sự hiện diện của các tay súng chiến đấu người tị nạn Afghanistan ở Syria được biết đến từ lâu, có vẻ như diễn biến gần đây trong khu vực, như sự thành công quân sự của nhóm phiến quân cực đoan Hồi giáo IS và quân nổi dậy Syria cũng như chiến dịch không kích của Saudi Arabia nhằm vào nhóm phiến quân Houthi tại Yemen đã đẩy nhanh tốc độ buộc người tị nạn Afghanistan phải cầm vũ khí.
Hành động tuyển dụng người tị nạn Afghanistan của Iran diễn ra vào thời điểm Taliban, được cho là nhận được sự hỗ trợ của Pakistan và Saudi Arabia, thay đổi chiến thuật chiến tranh tại Afghanistan, bằng cách giết chết người Shitte bừa bãi nhằm tăng cường bạo lực giáo phái. Gần đây, nhóm bắt cóc 31 người Shia Hazaras và chặt đầu một số người khác.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu người Afghanistan hiện đang chiến đấu ở Syria hoặc đang được Iran đào tạo để chờ triển khai. Tuy nhiên, việc sử dụng người dân tị nạn như thế này thật đáng lo ngại.
Tranh giành quyền lực
Kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran tranh giành quyền lực tối cao và quyền lãnh đạo với Saudi Arabia trong thế giới Hồi giáo. Mặc dù hai nước không trực tiếp xung đột, họ phát động và hỗ trợ tài chính cho một số các cuộc chiến đẫm máu nhất trong khu vực.
Sự cạnh tranh của Iran và Saudi Arabia không giới hạn trong lĩnh vực quân sự mà còn mở rộng đến các lĩnh vực tôn giáo và văn hóa. Gần đây, Riyadh ký dự án trị giá 100 triệu USD xây dựng nhà thờ Hồi giáo lớn nhất và Trung tâm Hồi giáo ở Kabul. Công trình 18.000m2 có thể chứa 5.000 sinh viên và 15.000 tín đồ.
Trong khi đó, Iran được cho là cung cấp số tiền 100 triệu USD mỗi năm cho các phương tiện truyền thông Afghanistan và các nhà thờ Hồi giáo để ủng hộ chiến dịch chống phương Tây. Trong số các dự án Iran tài trợ có nhà thờ Khatam Al-Nabyeen, được xây dựng với kinh phí 17 triệu USD, một số tờ báo, và mạng lưới truyền hình Tamadon.
Không giống như Pakistan và Iran, nơi bạo lực giáo phái thường xuyên, Afghanistan hầu như tránh được sự phân chia bè phái. Cả người Shitte và Sunni Hồi giáo đều thể hiện sự khoan dung liên quan đến các vấn đề tôn giáo cơ bản. Trong thời kỳ hậu Taliban, nền chính trị Afghanistan được xây dựng dựa trên nền chính trị dân tộc và giai cấp hơn là sự cạnh tranh bè phái. Tuy nhiên, mục tiêu này bị thách thức bởi cuộc xung đột giáo phái ngày càng tăng ở nước ngoài.
Nắm quyền kể từ tháng 9-2014, Tổng thống Ashraf Ghani theo đuổi nỗ lực ngoại giao không ngừng để tiếp cận với Taliban thông qua Saudi Arabia, Pakistan và Iran. Dù vậy, làn sóng bạo lực gần đây cho thấy, Afghanistan hay bất kỳ quốc gia dễ bị khủng hoảng nào khác sẽ tiếp tục gánh chịu hậu quả trước sự tranh giành lợi ích quyền bá chủ khu vực của các đối thủ.
Cuộc chiến tranh Iran-Saudi Arabia đang gửi thông điệp khủng khiếp đến tất cả các bên tham gia tại Afghanistan và cả Trung Đông.
Theo: Công an Đà Nẵng