Thông tin trên được đại diện của ADB đưa ra trong buổi họp báo công bố Chiến lược Đối tác quốc gia Việt Nam giai đoạn 2016-2020 vào ngày 11/10 tại Hà Nội.
Cụ thể, ADB cam kết duy trì mức cho vay chính phủ khoảng 1 tỷ USD mỗi năm; hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại khoảng 5-7 triệu USD mỗi năm; đồng tài trợ từ các đối tác phát triển và các quỹ khí hậu khoảng 1,4 tỷ USD.
Các khoản vay của ADB sẽ giúp Việt Nam giải thúc đẩy tạo việc làm và khả năng cạnh tranh, tăng cường cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ đồng đều hơn và cải thiện tính bền vững môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, nông nghiệp tuy không thuộc trong diện cho vay nhưng theo yêu cầu của Chính phủ và địa phương, ADB vẫn sẽ tích vốn cho vay nhưng sẽ kém ưu đãi hơn. ADB mong muốn giúp xây dựng hạ tầng nông nghiệp tiếp cận thị trường, đặc biệt phát triển du lịch theo hình thức cộng đồng (homestay).
Theo ADB, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội ấn tượng. Đáng chú ý là việc Việt Nam đã có những tiến bộ nhanh chóng trong giảm nghèo và nâng cao chất lượng y tế và giáo dục, đạt được vị thế quốc gia thu nhập trung bình thấp năm 2010.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang bắt đầu phải đối mặt với những thách thức mới và phức tạp hơn. Tăng trưởng đang gây thiệt hại về môi trường, biến đổi khí hậu. Sự gia tăng nhanh dân số trong độ tuổi lao động trước đây bắt đầu giảm dần, đồng thời các nhóm nghèo vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.
Ngoài ra, ADB còn cảnh báo Việt Nam nên quan tâm nhiều hơn về chi tiêu công và đầu tư cho khu vực tư nhân.