Theo đánh giá của nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo dựa trên khảo sát của 15.000 nhà bán hàng là khách hàng trên hệ thống, 75% nhà bán hàng đặt kỳ vọng thị trường năm 2024 sẽ có sự phục hồi và tăng trưởng.
Trong bối cảnh chính trị thế giới biến động khó lường, tình hình kinh tế trong nước có nhiều yếu tố không thuận lợi, ngành bán lẻ đang chịu những tác động nặng nề. Nhưng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhà bán hàng trên cả nước, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ hỗ trợ trong lĩnh vực quản lý, thanh toán, vận chuyển, ngành bán lẻ và FnB ghi nhận những dấu hiệu tích cực từ quý IV/2023; nhiều nhà bán hàng thể hiện niềm tin tích cực vào tình hình kinh doanh năm 2024.
Ghi nhận ý kiến từ các nhà bán hàng, Sapo dự đoán ba xu hướng sẽ dẫn đầu ngành bán lẻ Việt Nam trong năm 2024:
Thứ nhất, Xu hướng mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến. Trong những năm gần đây, bán hàng đa kênh đang thể hiện ưu thế về hiệu quả doanh thu và chi phí tiếp thị; Theo xu hướng chung, nhà bán hàng sẽ đẩy mạnh mở rộng kênh bán để giảm bớt áp lực chi phí trên một kênh.
Hiện, Chính phủ đang thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm lợi thế. Cùng với đó là việc kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường hơn 100 triệu dân trong nước. Đây là nguồn động lực to lớn để ngành bán lẻ khởi sắc trong năm 2024, từ việc tận dụng sức mua ngày càng tăng trưởng từ thị trường trong nước.
Thứ hai, Shoppertainment & Edutainment là xu hướng không thể bỏ qua trong ngành bán lẻ. Mua sắm tích hợp với trải nghiệm giải trí, sáng tạo nội dung số mang tính chất giáo dục sẽ đi kèm với tiếp thị sản phẩm. Người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu coi việc mua sắm là hoạt động giải trí, các nhà bán hàng không chỉ thuyết phục được khách hàng xuống tiền nhờ công năng sản phẩm, mà còn dựa vào các hình thức tiếp thị sáng tạo, hấp dẫn, thu hút. Mặt khác, nội dung tiếp thị sản phẩm ngày càng cần gia tăng hàm lượng chất xám, mang tính chất giáo dục và cung cấp thông tin hữu ích cho người tiêu dùng.
Thứ ba, hình thức thanh toán qua mã QR sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong số các hình thức thanh toán không tiền mặt. Các doanh nghiệp công nghệ như Sapo sẽ phối hợp chặt chẽ với mảng Bán lẻ của các Ngân hàng thương mại và Tổ chức tài chính để bắt nhịp xu hướng thanh toán của thị trường, đưa ra các giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nhà bán hàng và người mua hàng.
Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bán lẻ và FnB thuộc số ít các ngành có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa của Chính phủ. Những yếu tố thuận lợi của ngành bán lẻ và FnB rất cần sự chủ động phát huy từ các nhà bán hàng để thu được hiệu quả doanh thu cao nhất.
Theo ghi nhận của Sapo, việc tạo chương trình khuyến mại giảm giá vẫn là phương thức thúc đẩy doanh thu hiệu quả nhất, chiếm đến 41,12% tỷ trọng các hình thức thúc đẩy doanh thu được nhà bán hàng ưa chuộng.
Nhận thấy các chương trình kích cầu tiêu dùng ngày càng trở nên cần thiết, Sapo đã tập trung phát triển các tính năng hỗ trợ marketing và tiếp thị hiệu quả. Nhà bán hàng có thể sử dụng tính năng tạo chương trình khuyến mại đa kênh, đồng bộ nhanh, hình thức hấp dẫn và dễ dàng đo lường hiệu quả kinh doanh mang lại từ khuyến mại ngay trên phần mềm Sapo.