3 “lằn ranh đỏ” khiến Philippines có thể khai chiến với Trung Quốc
VietTimes -- Theo Atimes, tổng thống Rodrigo Duterte đã thay đổi thái độ, ông tuyên bố sẽ khai chiến nếu Bắc Kinh vượt qua 3 lằn ranh đỏ mà Philippines tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Với việc Trung Quốc không ngừng quân sự hóa những hòn đảo mà nước này chiếm đóng phi pháp tại Biển Đông, cuối cùng có vẻ như Philippines đã có lập trường cứng rắn hơn về những tuyên bố trên Biển Đông. Những phản ứng của Trung Quốc với lằn ranh đỏ của Manila sẽ ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định trong khu vực.
Lần đầu tiên, chính quyền của tổng thống Rodrigo Duterte đã đưa ra những "lằn ranh đỏ" chính thức trong quá trình Trung Quốc không che giấu tham vọng lấn dần trong vùng hải phận mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Nếu Bắc Kinh tiếp tục thúc ép, họ sẽ gây nguy hại cho mối quan hệ hữu nghị với Manila và đẩy các mối quan hệ quay về con đường đối đầu.
|
Tổng thống Philippines Rodrio Duterte đưa ra 3 lằn ranh đỏ cho Trung Quốc.
|
Những "lằn ranh đỏ" mới đe dọa gây chiến nếu Trung Quốc vượt qua chúng đánh dấu sự thay đổi đường hướng kể từ những tuyên bố mềm mỏng của ông Duterte về quyền lực và ưu thế của Trung Quốc trong những hải phận đang tranh chấp. Trước đây, ông Duterte từng nói rằng những lựa chọn của Philippines chỉ là một cuộc chiến tự sát hoặc phải phục tùng. Trong những tháng gần đây, ông Duterte đã thừa nhận về việc Philippines khó lòng chống đỡ ảnh hưởng của Trung Quốc và khuyên các nước khác đang đòi chủ quyền trong khu vực hãy trở nên "nhún nhường hơn" với Bắc Kinh và làm giảm vai trò phán quyết của tòa trọng tài quốc tế La Haye vào tháng 7.2016 đã bênh vực mạnh mẽ Manila trong việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trong hải phận Philippines.
|
Ông Duterte trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 10.2016.
|
Năm ngoái, ông Duterte đã khiến rất nhiều bên ngạc nhiên bao gồm cả Trung Quốc khi ông cáo buộc Bắc Kinh đe dọa chiến tranh nếu Philippines đòi hỏi những quyền lợi chủ quyền và tuyên bố theo nguyên tắc chung của luật quốc tế trong vùng hải phận đang gây tranh cãi. "Họ trả lời với tôi là: 'Chúng ta là những người bạn và chúng tôi không muốn gây bất hòa. Chúng tôi muốn giữ gìn mối quan hệ ấm áp hiện có giữa chúng ta'", ông Durtete đã nói về điều này sau chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 5.2017. Tại thời điểm đó ông cũng kể rằng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với ông: "Nếu ông thúc ép vấn đề, chúng ta sẽ xảy ra chiến tranh". Trong những ngày gần đây, lãnh đạo Philippines đã không còn giữ giọng điệu mềm mỏng như trước đây. Sự thay đổi này xảy ra vì những áp lực nội địa bao gồm chính sách quốc phòng vẫn cảnh giác với Trung Quốc cũng như các đối thủ chính trị và giới trí thức thân Mỹ.
|
Tàu BRP Sierra Madre trên Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa) chiếm đóng trái phép của Việt Nam.
|
Trong một tuyên bố gần đây, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano đã đưa ra 3 "lằn ranh đỏ" cho những khu vực đang tranh chấp. Nhà ngoại giao Philippines tuyên bố sẽ gây chiến bất chấp hậu quả nếu Trung Quốc vi phạm bất cứ "lằn ranh đỏ" nào. Lằn ranh đỏ đầu tiên là: Nếu Trung Quốc tiếp tục cải tạo hoặc xây dựng trái phép trên bãi cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền - nằm cách bờ biển Philippines 100 hải lý. Về thực tế bãi cạn này nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh sau nhiều tháng bế tắc kể từ giữa năm 2012, đã tạo nên một cuộc khủng hoảng toàn diện về ngoại giao và khiến Philippines phải kiện Trung Quốc ở tòa trọng tài quốc tế. Philippines và Mỹ gần đây cũng tổ chức những cuộc tập trận chung gần bãi cạn. Để giúp đỡ đồng minh, Hải quân Mỹ đã tổ chức những nhiệm vụ giám sát, đầu năm nay là tuần tra vì tự do hàng hải FONOP ngay gần bãi cạn để thách thức và ngăn chặn sự chiếm đóng chính thức của Trung Quốc. Thực tế, sự hỗ trợ của Mỹ đã khiến ông Duterte có cơ sở chắc chắn hơn khi tạo ra những "lằn ranh đỏ". Vào ngày 29.5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục chống lại việc quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc tại những đảo đá trên Biển Đông mặc cho những chỉ trích của Bắc Kinh với một chiến dịch tuần tra FONOP trong khu vực tuần vừa qua.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói với cánh phóng viên trên đảo Thị Tứ chiếm đóng trái phép ở Trường Sa.
|
Lằn ranh đỏ thứ 2 mà ông Duterte đưa ra là: Nếu Trung Quốc có những bước ép buộc chống lại Hải quân Philippines canh giữ Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Trong hai thập kỷ, có một nhóm nhỏ binh sĩ Philippines sinh sống trên còn tàu cũ nát BRP Sierra Madre, tàu chở dầu đổ bộ dài 100m, được đóng cho hải quân Mỹ trong Thế Chiến II. Hải quân Philippines sau khi tiếp nhận đã cố tình cho tàu mắc cạn trên bãi Cỏ Mây để thể hiện cho sự hiện diện của Manila ở nơi này. Trước đó, Trung Quốc đã đe dọa đuổi quân đội Philippines đang chiếm đóng tại đây bằng cách quấy nhiễu đường tiếp tế. "Binh sĩ của chúng tôi không nên bị quấy nhiễu khi họ vẫn chuyển đồ tiếp tế hay khi họ sửa lại cầu tàu", ông Cayetano nói. Lằn ranh đỏ cuối cùng là: Bất cứ hành động đơn phương nào của Trung Quốc thăm dò các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt trong vùng kinh đặc quyền kinh tế của Philippines. "Một lằn ranh đỏ nữa là không ai được tự ý khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên", ông Cayetano nhấn mạnh "tổng thống đã nói: nếu có bất cứ ai chiếm tài nguyên thiên nhiên ở vùng biển phía tây Philippines, họ sẽ phải đón nhận chiến tranh". Ông Duterte vẫn kiên trì thúc đẩy việc khai thác và phát triển các nguồn tài nguyên chung như một giải pháp khả thi để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc. Năm 2016, tổng thống Philippines nói ông sẽ thúc đẩy phán quyết của tòa La Haye nếu "các nguồn dầu khí đã bị hút" bởi Trung Quốc.
|
Ngoại trưởng Philippines ông Cayetano tuyên bố với báo chí về 3 "lằn ranh đỏ" với Trung Quốc.
|
Ông Cayetano cũng từ chối đưa ra lập trường cứng rắn hơn chống lại việc Trung Quốc triển khai các vũ khí hiện đại tới các vùng Philippines tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Trong những tuần qua, Trung Quốc đã triển khai máy bay ném bom H-6K có thể mang bom nguyên tử, các tên lửa và thiết bị gây nhiễu trên những vùng tranh chấp trong khu vực. Ngoại trưởng Philippines cũng tuyên bố các hành động cần thiết đang được thực hiện "phía sau cánh gà" là một phần của chiến lược "ngoại giao trong im lặng" với Trung Quốc. Cùng lúc, ông hứa sẽ từ nhiệm nếu Philippines mất thêm bất cứ phần lãnh thổ nào cho Trung Quốc trong cương vị là người đứng đầu về ngoại giao của đất nước. "Nếu chúng tôi mất thêm bất cứ một hòn đảo nào trong nhiệm kỳ của ông Duterte, tôi sẽ dọn đồ và về nhà", ông Cayetano nói với sự giận dữ và bực tức bởi những lời chỉ trích về việc ông ủng hộ việc làm dịu tình hình với Trung Quốc. Chính phủ Philippines cũng đã sửa chữa nhiều cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa. Nhưng không giống như Trung Quốc, có rất ít biểu hiện chỉ ra rằng Philippines có kế hoạch cải tạo hay triển khai các vũ khí quân sự hiện đại trên đảo. Chủ yếu, nước này sửa chữa các đường băng đổ nát và một vài cơ sở hạ tầng quan trọng để tiếp tục sự hiện diện khiêm tốn trên quần đảo Trường Sa. Và có những dấu hiệu rằng chính quyền của ông Duterte đang quyết đoán hơn trong những khu vực tranh chấp vì áp lực của quần chúng chống lại các động thái gần đây của Trung Quốc trên hải phận mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Việc tổng thống Philippines có lui bước hay không hoàn toàn dựa vào bước đi tiếp theo của Trung Quốc trong khu vực.