Hãng tin Reuters ngày 4/6 dẫn nguồn hai quan chức Mỹ, cùng các nhà ngoại giao châu Á và Tây phương, cho biết Lầu Năm Góc đang tính đến việc đẩy mạnh các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải, điều tàu tuần tra áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.
Việc đẩy mạnh các chiến dịch tự do hàng hải có nghĩa là Mỹ sẽ tiến hành các cuộc tuần tra dài ngày hơn, huy động nhiều tàu hơn và các tàu này sẽ theo dõi sát hơn các thiết bị quân sự của Trung Quốc trong khu vực, trong đó có thiết bị gây nhiễu sóng và các radar quân sự tiên tiến.
Các quan chức Mỹ cũng đang thúc đẩy các nước đồng minh và đối tác gia tăng tuần tra ở Biển Đông, một tuyến giao thương rất quan trọng của thế giới, trong bối cảnh Trung Quốc đang củng cố khả năng quân sự trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Bắc Kinh đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép.
Khẳng định phi lý của Trung Quốc rằng tàu Mỹ đã xâm nhập hải phận của Trung Quốc mà "không được sự cho phép của Trung Quốc", bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc còn khoe khoang quân đội Trung Quốc "ngay lập tức phái tàu chiến tới để nhận diện và theo dõi các tàu Mỹ theo luật và cảnh báo họ phải rời đi".
Những rõ ràng, Trung Quốc đang có ý định theo đuổi phương thức đối đầu nhiều hơn. Phát ngôn viên của bộ quốc phòng Trung Quốc tiết lộ: "Quân đội Trung Quốc đang có ý định đẩy mạnh chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc chiến trên không và trên biển, nâng cao khả năng quốc phòng, bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia". Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã đẩy mạnh sự hiện diện quân sự trái phép trên Biển Đông.
Trung Quốc đã đưa các máy bay ném bom hạng nặng vào những lãnh thổ đang gây tranh chấp trong khu vực. Không quân Trung Quốc đã tuyên bố: "Một sư đoàn của không quân quân giải phóng nhân dân Trung Quốc PLAAF với nhiều máy bay ném bom như H-6K đã tổ chức diễn tập bay và hạ cánh trên các hòn đảo trên Biển Đông để nâng cao khả năng 'tiếp cận tất cả các vùng lãnh thổ, tổ chức tấn công ở mọi thời điểm, tấn công ở mọi hướng".
Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B, tên lửa không đối đất HQ-9B và các thiết bị tác chiến điện tử trên 3 hòn đảo nhân tạo được xây dựng và bồi đắp phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
|
Ngoài việc mô tả cuộc diễn tập, thông tin cho rằng cuộc diễn tập được thực hiện quanh đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam), để chuẩn bị cho "Tây Thái Bình Dương và những trận chiến trên Biển Đông".
Trung Quốc cũng đã triển khai trái phép tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B trên một số đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), nhằm thúc đẩy khả năng của Trung Quốc chống lại vũ khí của không quân và hải quân Mỹ. Những vũ khí này cũng nhằm đe dọa các nước khác trong khu vực.
Trung Quốc luôn miệng nói hành động của họ chỉ là phòng thủ tự nhiên, tranh luận rằng việc triển khai một loạt các hệ thống vũ khí không phải là hành động "quân sự hóa" và không vi phạm các thỏa thuận trong quá khứ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã trả lời về việc Trung Quốc triển khai tên lửa gần đây như sau: "Những ai không có ý định gây hấn không cần phải lo lắng về vấn đề này". Quân đội Trung Quốc cũng đã triển khai các thiết bị gây nhiễu trên Biển Đông làm cho căng thẳng khu vực leo thang.
Trung Quốc xây dựng, bồi đắp trái phép trên đá Vành Khăn tại quần đảo Trường Sa và dự kiến xây dựng một quần thể lớn ở đây.
|
Nhưng vẫn chưa rõ liệu các hành động của Mỹ có thành công để đảo ngược xu hướng hiện tại trên Biển Đông đã khiến Trung Quốc có một mức độ gây hấn chưa từng có. Tòa Trọng tài thường trực quốc tế đã từng phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi pháp và ngang ngược của Bắc Kinh trên Biển Đông vào năm 2016. Mỹ đã tổ chức tuần tra FONOP kể từ năm 2015, rất nhiều tổ chức quốc tế đã cố gắng tạo áp lực với Trung Quốc vì hành vi ngang ngược trên biển nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục có những động thái để thúc đẩy tham vọng thống trị khu vực.
Vào tháng 4/2018, đô đốc Philip Davidson - Tư lệnh mới của hạm đội Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương Mỹ đã cảnh báo: "Hiện tại, Trung Quốc đã có đủ khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi kịch bản chiến tranh với Mỹ".
Nhằm đối phó với việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa Biển Đông, Pháp và Anh Quốc thông báo sẽ điều chiến hạm tới vùng đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà Florence Parly, và đồng nhiệm Anh, Gavin Williamson cùng tuyên bố như vậy tại diễn đàn Đối Thoại Shangri La ở Singapore cuối tuần qua. Về tình hình Biển Đông, bộ trưởng Quốc Phòng Florence Parly khẳng định: «Pháp không có và sẽ không có tranh chấp gì ở vùng biển này, nhưng chúng tôi mong muốn rằng hai nguyên tắc về trật tự quốc tế dựa trên luật pháp phải được tuân thủ. Tranh chấp cần được giải quyết bằng luật pháp và thương lượng, chứ không phải bằng cách tạo ra “sự đã rồi”; và tự do hàng hải phải được duy trì». Bà Parly nhấn mạnh là Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) phải có ràng buộc về mặt pháp lý, toàn diện, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế. Bà khẳng định Pháp không gây chiến với Trung Quốc. Bộ trưởng Parly cho biết, ít nhất 5 chiến hạm của Pháp đã tới Biển Đông trong năm 2017. Trực thăng và tàu chiến Anh cũng tham gia nhóm tác chiến của Pháp ở Biển Đông. Các chuyên gia của Đức cũng có mặt trên chiến hạm của Pháp với tư cách quan sát viên. Theo The Strait Times (Singapore), Bộ trưởng Quốc Phòng Anh Gavin Williamson cũng khẳng định sẽ triển khai 3 chiến hạm đến khu vực có tranh chấp ở Biển Đông trong năm 2018 để góp phần duy trì trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc luật pháp. |