20 năm bước tiến Việt - Mỹ: Kỳ 2: Song trùng lợi ích

Bất chấp những lực cản khách quan và cả chủ quan từ cả hai phía, chỉ sau 20 năm, diện mạo quan hệ VN - Mỹ đã thay đổi một cách căn bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thăm cán bộ chiến sĩ tàu Cảnh sát biển 8003 tại Hải Phòng - Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thăm cán bộ chiến sĩ tàu Cảnh sát biển 8003 tại Hải Phòng - Ảnh: TTXVN

Về chính trị - ngoại giao, các cuộc thăm viếng cấp cao giữa hai nước diễn ra thường xuyên như chuyến thăm chính thức VN của các tổng thống Mỹ Bill Clinton và George W.Bush, các chuyến thăm Mỹ chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và chuyến công du đang diễn ra của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chính nhờ tác động lan tỏa từ các chuyến viếng thăm cấp cao này, hàng loạt các văn kiện, thỏa thuận hợp tác từ kinh tế đến giáo dục, đầu tư được ký kết, mở rộng nền tảng quan hệ. Đáng chú ý, hai nước hiện nay đã thiết lập trên 10 kênh đối thoại hiệu quả để vừa xây dựng lòng tin, vừa xử lý các thách thức nảy sinh, từ kênh Đối thoại chính sách quốc phòng, Đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng, Đối thoại châu Á - Thái Bình Dương đến Đối thoại nhân quyền.

Tăng trưởng nhanh nhất

Về kinh tế, quan hệ thương mại Việt - Mỹ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với quan hệ thương mại của Mỹ và các đối tác khác, trong đó chủ yếu là nhập khẩu từ VN. Còn đối với VN, nếu như năm 1995 mới bắt đầu tiếp cận thị trường Mỹ, thì vào thời điểm hai nước ký Hiệp định thương mại song phương (BTA) năm 2000, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã tăng lên 800 triệu USD với 2 mặt hàng chủ lực là cà phê và tôm.

Tiềm năng quan hệ Việt - Mỹ trong tương lai vẫn còn rất lớn và Đại sứ Mỹ Ted Osius cho rằng “không có điều gì là không thể”

Đến năm 2014, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN với trên 30 tỉ USD, gồm các mặt hàng may mặc, đồ điện tử, giày dép, gạo, cá... Về đầu tư, tuy tiếp cận thị trường VN khá muộn, nhưng tính đến tháng 6.2015, Mỹ đã vươn lên thứ 7 trong số các quốc gia và lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào VN với tổng FDI là 10,7 tỉ USD.

Về hợp tác quốc phòng, tháng 6.2015, bộ trưởng quốc phòng hai nước đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng nhân dịp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thăm VN. Trong đó, gồm 5 nội dung: tăng cường tham vấn chính sách; hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn và tẩy độc dioxin; hợp tác giữ gìn hòa bình của LHQ; khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu trợ; và hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật pháp mỗi bên.

Giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực khác cũng có sự phát triển vượt bậc. Trên 17.000 sinh viên hiện theo học tại Mỹ là nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao quan trọng cho tiến trình hội nhập và phát triển của VN.

Hợp tác cả trong vấn đề nhạy cảm

Bước ngoặt quan trọng trong quan hệ song phương giai đoạn này là việc hai nước ký Thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác toàn diện khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ tháng 7.2013. Thỏa thuận này bao trùm toàn bộ các lĩnh vực từ thương mại - khoa học công nghệ đến giáo dục - đào tạo, từ chính trị - an ninh đến quốc phòng - an ninh, chính trị - ngoại giao thậm chí cả vấn đề nhạy cảm là nhân quyền. Tuy hình thức chỉ là đối tác toàn diện, nhưng về thực chất thì phạm vi và mức độ hợp tác còn sâu rộng hơn một số thỏa thuận của VN với các đối tác chiến lược khác.

Điều gì đã khiến 2 quốc gia từng là cựu thù, ở hai bán cầu xa xôi, một đang phát triển, một giàu mạnh nhất toàn cầu, có chế độ chính trị xã hội khác nhau, lại trở thành đối tác toàn diện mang tính chiến lược như vậy? Điều này chỉ có thể giải thích ở sự song trùng về lợi ích và cả yếu tố lịch sử, vị trí chiến lược của mỗi nước. Với việc triển khai chiến lược “xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Mỹ đã tìm đến VN như là một đối tác tiềm năng, có vị trí và tầm ảnh hưởng ngày càng cao trong khu vực. Trong khi bản thân VN “hoan nghênh sự can dự và vai trò lớn hơn của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương” trước những nguy cơ, thách thức đặt ra đối với an ninh quốc gia, sự hòa bình và ổn định của khu vực.

Câu chuyện từ cựu thù trở thành đối tác rồi đối tác toàn diện đã khái quát mô tả một chặng đường lịch sử 4 thập niên quan hệ VN - Mỹ và là một câu chuyện thú vị trong lịch sử ngoại giao thế giới. Đó là bước tiến vượt bậc mà như Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng nói: “Ngay cả người trong cuộc cũng khó mà có thể hình dung được”.

Tiềm năng quan hệ Việt - Mỹ trong tương lai vẫn còn rất lớn và Đại sứ Mỹ Ted Osius cho rằng “không có điều gì là không thể”. Chắc chắn với những nền tảng và khuôn khổ đã được thiết lập, có đủ cơ sở để tin rằng quan hệ Việt - Mỹ sẽ có những bước tiến xa hơn trong tương lai.

Theo: Thanh Niên