10 ứng dụng smartphone ngốn nhiều dung lượng 4G nhất (phần 2)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong hơn một thập kỷ qua, điện thoại thông minh đã và đang trở thành một thứ không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta.
10 ứng dụng phổ biến ngốn nhiều dung lượng 4G nhất trên smartphone (Ảnh: Slash Gear)
10 ứng dụng phổ biến ngốn nhiều dung lượng 4G nhất trên smartphone (Ảnh: Slash Gear)

Hầu hết mọi hoạt động ngày nay đều xoay quanh điện thoại thông minh, có thể là tương tác với bạn bè, tổ chức các hoạt động cộng tác chuyên nghiệp hoặc thư giãn để giải trí vào cuối tuần. Lý do chính cho sự bùng nổ của điện thoại thông minh ngày nay là do tính linh hoạt của nó: khả năng truy cập internet dễ dàng và sự kết hợp của các tính năng phần cứng và phần mềm ngày càng cải tiến, nó cho phép các nhà phát triển phần mềm xây dựng nhiều ứng dụng khác nhau và mang lại những trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng.

Tuy nhiên, các ứng dụng hiện nay đang ngốn quá nhiều dữ liệu di động của người dùng theo nhiều cách khác nhau. Các nền tảng như TikTok, cung cấp video mới và chất lượng cao với mỗi lần vuốt, tiêu thụ dữ liệu thông qua các lượt tải xuống video nhanh chóng này. Tương tự, các ứng dụng mạng xã hội như Instagram và Facebook thu hút người dùng bởi các nội dung trên các nền tảng này. Các ứng dụng này thường tiêu tốn rất nhiều dữ liệu mạng khi để ở chế độ chạy nền. Ở bài viết trước chúng ta đã điểm qua 5 ứng dụng ngốn nhiều dung lượng 4G trên smartphone, bài viết dưới đây sẽ liệt kê thêm 5 ứng dụng ngốn dữ liệu di động mà người dùng nên lưu ý.

6. Snapchat

Snapchat (Ảnh: Slash Gear)

Snapchat (Ảnh: Slash Gear)

Ra mắt năm 2011, một năm sau Instagram, Snapchat bước chân vào lĩnh vực mạng xã hội với ý tưởng mới lạ không đụng hàng. Những bộ lọc thông minh và khả năng gửi nội dung đa phương tiện tự động biến mất của nó đã thu hút được sự chú ý của người dùng internet đang tìm kiếm những thứ mới mẻ tiếp theo. Và nhiều tính năng của Snapchat đã trở thành nền tảng để các ứng dụng mạng xã hội khác học theo, như Instagram Stories cùng các bộ lọc bên trong tính năng này. Snapchat đạt được mức tăng trưởng đột phá xét về lượng người dùng qua từng năm, và hiện tại nền tảng này có khoảng 363 triệu người dùng mỗi ngày - một bằng chứng cho thấy sự phổ biến của nó trong nhóm người dùng trẻ tuổi.

Đối với những người dùng ứng dụng Snapchat trên di động, họ sớm nhận ra nó là một phần mềm cực kỳ tiêu tốn dữ liệu. Muốn tận dụng những tính năng được cung cấp để vừa thể hiện bản thân, vừa kết nối với người dùng khác, bạn phải đánh đổi bằng dung lượng dữ liệu của mình. Quan trọng hơn, Snapchat mặc định sẽ chạy dưới nền để tải trước các Snaps và Stories. Tất cả những điều này góp phần vào mức tiêu thụ dữ liệu cao của Snapchat, có thể dễ dàng đạt tới 20GB mỗi tháng.

Snapchat giúp những người dùng đang tìm cách quản lý dữ liệu của họ bằng cách cung cấp tính năng "Trình tiết kiệm dữ liệu", giúp tắt tính năng tải trước. Khi tùy chọn này được kích hoạt, người dùng chỉ có thể tải về và xem các Snaps khi trực tuyến và nếu chúng có liên quan đến họ. Trên thực tế, nên duy trì tùy chọn này nếu người dùng không đăng ký gói dữ liệu mạng không giới hạn.

7. Facebook

Facebook (Ảnh: Slash Gear)

Facebook (Ảnh: Slash Gear)

Là ứng dụng được ghi nhận là đã khơi dậy kỷ nguyên truyền thông xã hội ngày nay, Facebook đã liên tục phát triển để theo kịp các đối thủ. Hành trình kéo dài gần 20 năm của nó đã chứng kiến nền tảng đi từ chỗ chỉ là một mạng lưới bạn bè thành một trang web chia sẻ thông tin, một khu chợ để người dùng phát triển hoạt động kinh doanh, và là lựa chọn hàng đầu cho những người muốn tạo sức ảnh hưởng trên lĩnh vực mạng xã hội. Dù đã “cao tuổi”, Facebook vẫn phổ biến với người dùng internet: tính đến quý 3 năm 2022, Facebook có gần 3 tỷ người dùng mỗi tháng - biến nó thành nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới.

Facebook đã giới thiệu một loạt các tính năng mới trong vài năm qua. Bao gồm gồm giao diện linh hoạt với trải nghiệm mượt mà hơn, các tính năng tích hợp thêm như Facebook Stories và Reels, và thậm chí cung cấp địa điểm để người dùng họp mặt trực tuyến với Facebook Rooms. Facebook còn đi theo Instagram khi cung cấp khả năng upload ảnh độ phân giải cao, tự động phát video, và tải trước nội dung video. Mặc dù các tính năng này chắc chắn đã nâng tầm cho Facebook với tư cách là một nền tảng truyền thông xã hội đa phương tiện, nhưng chúng cũng góp phần làm tăng mức tiêu thụ dữ liệu mạng của Facebook theo thời gian.

Thông kê đơn giản để thấy Facebook ngốn dữ liệu mạng của người dùng như thế nào. Bạn chỉ cần lướt News Feed là đã tốn 50 MB mỗi 5 phút và 480 MB/giờ. Nếu feed có nhiều video hơn thông thường, người dùng sẽ phải tiêu tốn nhiều dữ liệu hơn. Và giống các nền tảng mạng xã hội khác, upload và chia sẻ nội dung đa phương tiện hiển nhiên đòi hỏi dữ liệu. Tuy nhiên, tất cả những vấn đề này đều có thể được quản lý bằng các thiết lập dữ liệu được Facebook cung cấp sẵn.

8. Spotify

Spotify (Ảnh: Slash Gear)

Spotify (Ảnh: Slash Gear)

Giống như YouTube thống trị không gian nội dung video, Spotify đang ở đỉnh cao trong lĩnh vực streaming nhạc. Nền tảng này chứa đủ loại nhạc, mang lại những khoản thu khổng lồ cho các ca sỹ, nhạc sỹ, podcaster. Spotify nhanh chóng đạt đến đỉnh cao khi cung cấp cả gói miễn phí lẫn premium, và điều đó giải thích tại sao nền tảng này hiện có 456 triệu người dùng, trong đó có đến 195 triệu người đăng ký trả phí.

Kể từ khi thành lập vào năm 2006, Spotify đã nỗ lực cải thiện các tính năng trải nghiệm người dùng trên nền tảng của mình. Từ giao diện ứng dụng cho đến chất lượng video, đến khả năng tích hợp vào các hệ thống âm thanh trên ô tô, người dùng có thể nghe nhạc mọi lúc, mọi nơi, theo bất kỳ cách nào họ muốn. Nhưng xét về mức tiêu thụ dữ liệu, Spotify cũng gặp vấn đề giống như các nền tảng stream video là YouTube và Netflix. Nhạc về cơ bản sẽ được tải xuống lại mỗi lần stream, và trừ khi người dùng lưu bài hát đó để nghe offline, mỗi lượt nghe cùng một bài hát sẽ khiến dữ liệu tiêu tốn không cần thiết. Đây là lý do tại sao Spotify cung cấp tùy chọn nghe nhạc ngoại tuyến cho các gói đăng ký premium của mình.

Thêm nữa, mức độ tiêu thụ dữ liệu còn tùy thuộc chất lượng nhạc: nghe ở chất lượng thường (96kbps) ngốn 40 MB/giờ; chất lượng cao (160kbps) ngốn 70 MB/giờ, và chất lượng cực cao (320kbps) ngốn 150 MB/giờ. Spotify cũng cho phép người dùng quyết định chất lượng nhạc muốn nghe. Chỉ cần vào phần Settings của ứng dụng và tìm tùy chọn “Automatic quality”.

9. Twitter

Twitter (Ảnh: Slash Gear)

Twitter (Ảnh: Slash Gear)

Twitter là một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới và có lẽ nó là một trong những nền tảng gây tranh cãi nhất. Twitter thu hút người dùng từ khắp nơi trên thế giới, mở ra cơ hội để họ tự bộc lộ bản thân chỉ bằng vài từ ngắn ngủi. Với gần 400 triệu người dùng toàn cầu và hơn 500 triệu tweet được đăng mỗi ngày, Twitter là nền tảng phải biết nếu bạn muốn xem tin tức, cập nhật xu hướng, nắm thông tin giải trí và chính trị. Và tất cả những điều này đều đi kèm với nhu cầu dữ liệu mạng rất lớn, mà người dùng có thể quản lý trong các thiết lập do Twitter cung cấp.

Với giới hạn 280 ký tự trên các tweet, Twitter hướng đến việc người dùng chia sẻ thông tin mà không tốn quá nhiều tài nguyên. Cho đến nay, có vẻ họ đã đạt được mục đích, xét cả về việc giữ người dùng tương tác và duy trì được lượng người dùng trên nền tảng. Nhưng đừng nhầm, vì như đã nói ở trên, Twitter vẫn có mức tiêu thụ dữ liệu cao, cho thấy người dùng thực sự hào hứng với ứng dụng trên smartphone.

Đặc biệt, đối với Twitter, sự phổ biến của đa phương tiện — và tất cả các tính năng hỗ trợ chúng — là tác nhân lớn nhất khiến ứng dụng này ngốn dữ liệu mạng. Người dùng Twitter ngày nay đã quen với việc chia sẻ nhiều hình ảnh và dữ liệu hơn, và trải nghiệm lướt feed cũng ngày càng giống Instagram hơn. Twitter cũng mặc định kích hoạt tính năng tự động phát, khiến ảnh và video ngay lập tức hiện ra rõ nét khi bạn cuộn đến, bất kể chất lượng hay độ phân giải. May thay, ứng dụng này có nhiều tùy chọn để giảm mức tiêu thụ dữ liệu bằng cách tắt tự động phát, chỉ xem video chất lượng cao với Wi-Fi, hoặc không bao giờ xem video chất lượng cao.

10. WhatsApp

WhatsApp (Ảnh: Slash Gear)

WhatsApp (Ảnh: Slash Gear)

Được xếp hạng là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất trên thế giới, WhatsApp được nhiều người dùng lựa chọn làm nền tảng nhắn tin thay cho tin nhắn SMS truyền thống. WhatsApp được sử dụng bởi hơn 2 tỷ người mỗi tháng, và từ đó trở thành một trong các ứng dụng smartphone phổ biến nhất mọi thời đại. WhatsApp tự quảng cáo là nền tảng tiêu thụ ít dữ liệu, và xét một chừng mực nào đó thì họ đúng. Tin nhắn văn bản và tin nhắn giọng nói chỉ tiêu tốn 1 kilobyte, và thậm chí các cuộc gọi âm thanh cũng dùng chưa đến 1 MB mỗi phút. Bên cạnh đó, WhatsApp thường giảm chất lượng và kích thước đa phương tiện bằng thuật toán nến. Việc giảm chất lượng này còn áp dụng với cả video và các nội dung trạng thái của người dùng, và trong khi một số người dùng thích nó vì giúp tiết kiệm dữ liệu mạng, thì một số người khác lại tỏ ra khó chịu với điều này vì nó khiến những thứ người dùng đăng tải bị giảm chất lượng.

Tuy nhiên, các cuộc gọi video thì khác: theo ước tính, WhatsApp ngốn 5 MB mỗi phút gọi video 4G và 3,75 MB mỗi phút gọi video 3G. Chưa hết, dù một ảnh, video, hay cập nhật trạng thái không dùng dữ liệu nhiều, xem nhiều thứ hoặc xem cập nhật trạng thái của bạn bè suốt nhiều giờ liền - hoặc tự bạn đăng tải nội dung - có thể rút cạn dữ liệu của bạn. WhatsApp cũng tiêu tốn dữ liệu để sao lưu các đoạn chat và các nội dung đa phương tiện lên đám mây, và đây là một trong các tính năng có thể hạn chế bằng cách kích hoạt thiết lập “Low Data Usage”

Các thiết lập giúp tiết kiệm dữ liệu di động

Hầu hết các ứng dụng trên smartphone đều có sẵn các tùy chọn tiết kiệm dữ liệu mạng. Các tùy chọn này thường nằm trong mục “Settings” của từng ứng dụng, nhưng lưu ý rằng khả năng tiết kiệm dữ liệu sẽ khác nhau tùy thuộc nền tảng: một số hạn chế chất lượng nội dung bạn xem, số khác chỉ giới hạn chất lượng nội dung bạn upload. Và số khác nữa có thể chỉ tập trung vào việc lưu nội dung xuống thiết bị để bạn không phải liên tục tải về mỗi lần sử dụng. Ưu điểm chính của các cài đặt này là người dụng được tùy chỉnh để mang đến trải nghiệm phù hợp cho từng người.

Ngoài ra, hệ điều hành điện thoại thông minh cung cấp các cài đặt bao quát để hạn chế mức tiêu thụ dữ liệu mạng. Trên iPhone, người dùng có thể tìm thiết lập “Low Data Mode” để ngăn các tiến trình ngốn dữ liệu khỏi chạy nền, tắt tự động tải về, và ngừng cập nhật các ứng dụng và dịch vụ Apple. Tùy chọn này có thể tìm thấy trong tab “Cellular Data Options” của thiết lập iPhone. Các thiết bị Android cũng cung cấp nhiều thiết lập nhằm giám sát và giảm dữ liệu tiêu thụ. Hãy vài tùy chọn “Networks & Internet” (hoặc tương tự vậy) trong phần thiết lập Android để tắt tự động đồng bộ và roaming, nhận cảnh báo về dữ liệu tiêu thụ, và tự động tắt dữ liệu di động khi đạt đến giới hạn. Với các tùy chọn này, người dùng có thể quản lý dữ liệu mạng một cách tối ưu hơn.

Theo Slash Gear