Giống như những cường quốc trong lịch sử, sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ đi liền với sự mở rộng về quân sự mà còn sự khẳng định luật pháp riêng của mình. Theo cách diễn giải của Trung Quốc, sự trỗi dậy của nước này vẫn hòa bình. Bắc Kinh đã xây dựng trái phép các căn cứ quân sự trên các đá và rặng san hô trên Biển Đông đơn giản vì nước này tuyên bố một cách vô lối rằng mình là chủ của những hòn đảo này “từ thời xa xưa”. Theo quan điểm của Trung Quốc, Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, do đó không có chuyện nước này nhượng bộ về vấn đề Biển Đông.
Để biện minh cho vị thế của mình về vấn đề này và những vấn đề khác, Trung Quốc tạo ra một thế giới tưởng tượng nơi “họ bắt đầu từ vị thế mà mọi thứ Trung Quốc làm đều có đạo đức và đúng đắn, và do đó bất kỳ ai phản đối đều là sai lầm”, theo như cách nói của Bill Hayton, chuyên gia về Biển Đông của BBC. Thứ Trung Quốc nghĩ là đúng chính là luật. Ngày mà Tòa Trọng tài The Hague ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines với Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã gọi đó là “trò hề” và tuyên bố rằng Trung Quốc ủng hộ luật pháp quốc tế bằng cách từ chối chấp nhận phán quyết.
Theo SCMP, Trung Quốc đã trỗi dậy như một nước thống trị. Láng giềng của nước này hầu như đều bị bắt nạt. Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN cũng không có lấy một câu đề cập đến phán quyết cho dù khối này cũng ủng hộ nguyên tắc luật pháp. Sự thật là Trung Quốc được coi là chìa khóa phát triển kinh tế của khu vực. Và trong khi Mỹ nói về việc duy trì “tính ưu việt” trong lĩnh vực quân sự thì Trung Quốc đã thống trị phần lớn khu vực.
Trái với quan điểm được công nhận rộng rãi, Trung Quốc thấy không cần phải thách thức quân đội Mỹ và muốn tránh một cuộc đối đầu trừ khi bị thúc ép, trong khi Mỹ không có vẻ gì là sẽ ép Trung Quốc. Trung Quốc thông qua các hòn đảo nhân tạo xây dựng phi pháp trên Biển Đông có thể triển khai sức mạnh không quân và hải quân trong khu vực và uy hiếp các căn cứ của Mỹ ở Philippines. Trong khi các nước khác có thể vẫn quản lý một số đá và rặng san hô đó đây, Trung Quốc vẫn nắm quyền kiểm soát chung, SCMP nhận xét.
Từ năm 2013, khi Manila khởi kiện, Trung Quốc luôn kêu gọi đối thoại song phương. Ngày phán quyết được đưa ra, Vương Nghị đã nói: “Trò hề đã kết thúc. Đây là lúc mọi thứ trở lại bình thường.”
Trung Quốc đang tiếp tục theo đuổi con đường của mình. Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định chiến tranh không phải là một sự lựa chọn hay. Thay vào đó là “đối thoại hòa bình”, theo như ngôn từ của vị tân tổng thống này. Trung Quốc và Philippines có thể sẽ đồng ý chia sẻ các nguồn lợi kinh tế. Sự phát triển chung này trên lý thuyết vẫn nằm trên bàn đàm phán. Và Philippines cũng hi vọng vào nguồn đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc, SCMP đánh giá.
Phán quyết sẽ không ngăn được những kế hoạch của Trung Quốc nhằm gia tăng sự thống trị của mình ở Đông Nam Á và rộng hơn. Trong thế giới tưởng tượng của mình, việc hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình sẽ một lần nữa đặt Trung Quốc vào trung tâm của thế giới, sau hàng thế kỷ bị gián đoạn bởi chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Trong tưởng tượng của Trung Quốc, điều này không phải là bắt các nước láng giềng làm nô dịch mà chỉ đơn giản là khôi phục lại trật tự thông thường. Một vài người cho rằng đây chính là sự khôi phục lại khái niệm “thiên tử truyền thống” với những nước bị coi là “man di” hưởng lợi từ nền văn minh của Trung Quốc.
Lãnh đạo Trung Quốc không còn gọi các nước láng giềng là “man di” nữa, nhưng họ đã gợi lại văn hóa Nho giáo đã ngấm vào các nước châu Á và hệ thống chữ viết Trung Quốc được vay mượn bởi nhiều nước bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Có lẽ đó là lí do vì sao Singapore, một xã hội chủ yếu là người Trung Quốc lại khiến người Trung Quốc giận dữ đến thế khi họ coi nước này phản bội lại gốc rễ Trung Quốc, không chỉ là lợi ích của Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu đã thực hiện điều này vào năm 2009 bằng cách lôi kéo Mỹ duy trì vị thế ở châu Á. “Kích thước của Trung Quốc khiến phần còn lại của cả châu Á, bao gồm cả Nhật Bản và Ấn Độ không thể tương xứng về quy mô và khả năng trong 20 đến 30 năm nữa, do đó chúng ta cần Mỹ để duy trì sự cân bằng”, Ông Lý phát biểu.
Những lời của ông Lý Quang Diệu được củng cố bởi chính sách tái cân bằng của Obama tại châu Á hai năm sau đó, điều mà Trung Quốc coi là sự ngăn cản nước này. Thủ tướng Lý Hiển Long, coi trai ông Lý Quang Diệu, khi thăm Washington cũng đã tuyên bố rằng chiến lược tái cân bằng của Mỹ được các quốc gia châu Á chào đón nồng nhiệt. Tờ báo dân tộc chủ nghĩa khét tiếng Trung Quốc là Hoàn Cầu đã buộc tội ông đứng về phía Mỹ.
Theo SCMP, Trung Quốc coi sự thống trị là rất quan trọng vì nhu cầu phát triển của đất nước. Nước này muốn nắm lấy các nguồn tài nguyên trên biển cũng như dưới đáy biển. Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai chính sách cây gậy và củ cà rốt, lấy thương mại và đầu tư làm vũ khí. Sáng kiến Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc khởi xướng với tổng vốn 100 tỷ USD đã bắt đầu phê chuẩn những dự án đầu tiên, giúp nâng cao sức mạnh mặc cả của Trung Quốc. Chiến lược “Một vành đai, một con đường” cũng sẽ mang lại cho các nước lân cận những khoản đầu tư không nhỏ.
Lợi ích quan trọng của Trung Quốc cũng liên quan với các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, và mối quan hệ với các nước này đang căng thẳng.
Các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc đã chỉ trích Hàn Quốc vào tháng 7 đã đồng ý triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD của Mỹ. Trung Quốc coi hệ thống này là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh nước này.
Trung Quốc đã nhắc nhở Nhật Bản về cuộc xâm lược Trung Quốc hơn 70 năm về trước sau Thế chiến thứ hai. Vào giữa tháng 8, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đã xuất bản bài bình luận cảnh báo rằng: “Sự phủ nhận của Nhật Bản về cuộc xâm lược trong quá khứ đã làm xói mòn hòa bình thế giới”. Trung Quốc cũng gây áp lực lên phía Nhật Bản bằng việc cử hàng trăm tàu tiến vào khu vực gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku do Nhật Bản kiểm soát nhưng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Với Ấn Độ, Trung Quốc đã lên chiến dịch trong nhiều năm để ngăn chặn nước này không trở thành thành viên thường trực tại Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc. Gần đây, Trung Quốc lại phản đối Ấn Độ tham gia vào Nhóm các nước cung cấp hạt nhân.
Tất nhiên, đối thủ lớn nhất đối với Trung Quốc vẫn là Mỹ. Bà Phó Oánh, người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc gần đây đã cáo buộc rằng các vấn đề trên Biển Đông chỉ nảy sinh từ năm 2009, khi chính quyền ông Obama triển khai chiến lược tái cân bằng châu Á. Đây là một vấn đề về cách lí giải. Chiến lược tái cân bằng không hề được công bố cho đến tận hai năm sau đó, tức là cuối năm 2011. Lời giải thích của bà Phó Oánh là một phần của sự tưởng tượng của Trung Quốc và trong tưởng tượng đó, tất cả các vấn đề đều nhấn mạnh vai trò trung tâm của Trung Quốc.