Trung Quốc bị Mỹ-Nhật-Hàn “vây trói” do Triều Tiên quậy phá

VietTimes -- Ngày 15/2, tờ Liên hợp buổi sáng Singapore phân tích những thay đổi mới nhất trong cục diện chiến lược ở Đông Bắc Á. Các hành vi khiêu khích liên tiếp của Triều Tiên đã khiến Mỹ - Nhật - Hàn xích lại gần nhau, Trung Quốc bị rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan mà vẫn phải bó tay đứng nhìn.
Cục diện chiến lược Đông Bắc Á đang có nhiều thay đổi vì những hành vi khiêu khích của Triều Tiên
Cục diện chiến lược Đông Bắc Á đang có nhiều thay đổi vì những hành vi khiêu khích của Triều Tiên

Sau khi tuyên bố thử nghiệm bom H thành công vào ngày 6/1, ngay trong thời điểm Trung Quốc đang đón tết cổ truyền, Triều Tiên lại phóng vệ tinh, sự kiện này đã thu hút sự theo dõi mật thiết của dư luận quốc tế.

Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân, phóng vệ tinh lần này đã thúc đẩy sự hòa giải giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, giúp xóa bỏ những bất đồng giữa ba nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, củng cố sự hợp tác trong lĩnh vực phòng ngự của ba nước. Trong khi Trung Quốc lại phải đối mặt với hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Nhật – Hàn hòa giải, tăng cường hợp tác phòng thủ

Kể từ đầu tháng 1/201 – thời điểm Triều Tiên thử nghiệm bom H đến nay, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những cải thiện đáng kể. Trước hết, trong bài phát biểu về phương châm nắm quyền ngày 22/1, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã coi Hàn Quốc là quốc gia láng giềng quan trọng nhất cùng chia sẻ lợi ích chiến lược. Trong khi năm 2015, ông Shinzo Abe chỉ coi Hàn Quốc là nước láng giềng quan trọng.

Trong bài phát biểu ngoại giao ngày 22/1, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida Fumio cũng nhấn mạnh, cần thúc đẩy mối quan hệ Nhật – Hàn phát triển, bước vào kỷ nguyên mới hướng tới tương lai. Điều này đủ để cho thấy mức độ coi trọng của chính quyền thủ tướng Shinzo Abe với việc phát triển mối quan hệ Nhật – Hàn.

Thứ hai, sau khi Triều Tiên thử nghiệm bom H, các chuyên gia quân sự của Nhật Bản và Hàn Quốc nhấn mạnh hai nước sẽ tăng cường hợp tác quân sự, bắt tây đối phó với mối đe dọa từ phía Triều Tiên. Trên thực tế, trước đó, suýt nữa thì Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký kết hiệp định bảo vệ tình báo quân sự, sau đó vì vấp phải sự phản đối của dư luận Hàn Quốc nên kế hoạch này đã bị hủy bỏ.

Sau khi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân đầu tháng 1/2016, các quan chức cấp cao của Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết cần đánh giá lại hiệp định hợp tác bảo vệ an ninh giữa hai nước. Ngoài ra, sau khi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân, Mỹ đã bày tỏ cần tăng cường hợp tác phòng ngự giữa ba nước Mỹ - Nhật – Hàn.

Trên thực tế, Mỹ luôn đóng vai người hòa giải cho sự hợp tác quân sự giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Trước đó, do mối quan hệ Nhật – Hàn bị tác động bởi một số vấn đề lịch sử - điển hình là vấn đề “phụ nữ mua vui” (những phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục phục vụ binh lính Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ hai), sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh giữa hai nước gặp nhiều trở ngại.

Việc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân đã giúp Mỹ có cái cớ hay nhất để tăng cường bố trí lực lượng quân sự tại Đông Bắc Á, đồng thời vịn vào đó để yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân sự.

Trung Quốc bị Mỹ-Nhật-Hàn “vây trói” do Triều Tiên quậy phá ảnh 2
Thái độ của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên khiến Hàn Quốc rất không hài lòng
Ngày 9/2, sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng vệ tinh, hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản đưa tin, cơ quan phòng ngự của ba nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc hội nghị trực tuyến qua mạng Internet về vấn đề Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm xa với danh nghĩa phóng vệ tinh, 3 bên đã đạt những thống nhất trong vấn đề tiếp tục tăng cường sự hợp tác mật thiết sau nay. Ba nước còn chia sẻ nguồn thông tin về những phân tích tình hình và biện pháp đối phó của mình đối với lần phóng tên lửa này. Có thể dự đoán, sự hợp tác phòng ngự giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời gian tới sẽ bước vào quỹ đạo phát triển nhanh chóng.

Cuối cùng, trở ngại lớn nhất của mối quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc là những mẫu thuẫn trong lịch sử. Sau khi lên nắm quyền, thủ tướng Shinzo Abe đã áp dụng lập trường của chủ nghĩa xét lại đối với các vấn đề lịch sử, không ngừng bào chữa cho lịch sử xâm lược của Nhật Bản, gây ra sự bất bình mạnh mẽ trong dư luận Hàn Quốc. Tuy nhiên, mặc dù Hàn Quốc rất không hài lòng nhưng chính quyền thủ tướng Shinzo Abe cũng không thể hiện thái độ xuống thang.

Kể cả nhiều lần Mỹ đã đứng ra hòa giải, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không thể nồng ấm trở lại. Tuy nhiên, tháng 12/2015, chính quyền thủ tướng Shinzo Abe đã chủ động ký kết hiệp định với Hàn Quốc về vấn đề “phụ nữ mua vui”, bày tỏ đồng ý xin lỗi Hàn Quốc và bồi thường cho nước này 1 tỉ yên Nhật.

 Mỹ luôn muốn củng mối quan hệ với hai nước đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc để ngăn chặn Trung Quốc

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho biết, nếu Nhật Bản thực hiện đúng cam kết, Hàn Quốc sẽ không nhắc lại chuyện cũ nữa. Ngày 22/1, trong bài phát biểu về chính sách ngoại giao, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida Fumio cũng nhấn mạnh sẽ thực hiện đúng những cam kết đã ký với Hàn Quốc về vấn đề “phụ nữ mua vui”. Do đó, sau khi ký kết được hiệp định về vấn đề lịch sử quan trọng, rào cản lớn của mối quan hệ Nhật – Hàn đã được gỡ bỏ, trong thời gian tới, hai bên sẽ ít có khả năng vì vấn đề lịch sử quan trọng mà quan hệ căng thẳng.

Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan

Sau khi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân, phóng vệ tinh, Trung Quốc bị đẩy vào thế bị động ở Đông Bắc Á. Trước hết, chính sách của Trung Quốc đối với Triều Tiên vấp phải nhiều khó khăn. Trên thực tế, kể từ trước khi Triều Tiên thử nghiệm bom H và phóng vệ tinh đã tồn tại những tranh luận cần thay điều chỉnh chính sách đối với Triều Tiên trong nội bộ chính phủ và đất nước Trung Quốc.

Những hành động khiêu khích liên tiếp của Triều Tiên thời gian qua càng cho thấy việc điều chỉnh đối với Triều Tiên là điều cấp bách, tuy nhiên điều chỉnh thế nào lại là một bài toán khó. Ít nhất trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc vẫn tỏ ra bó tay hết cách với những hành vi nguy hiểm của Triều Tiên.

Thứ hai, khó khăn của Trung Quốc trong việc điều chỉnh chính sách đối với Triều Tiên lại mâu thuẫn với việc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc yêu cầu Trung Quốc có những điều chỉnh tích cực. Trước đây khi thảo luận vấn đề hạt nhân, dư luận quốc tế đã quen với việc coi Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc là phe đối lập với Trung Quốc. Tuy nhiên thực tế cho thấy cách phân định đơn giản này không phù hợp với tình hình thực tế.

Một mặt, dù là Trung Quốc hay Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều mong muốn phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Đây là lợi ích chung của các bên, đồng thời cũng là tiền đề để các bên ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên làm thế nào để đạt được mục tiêu này, mỗi bên lại có một chủ trương riêng. Giống như Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi thăm Trung Quốc đã nói rằng, cả Bắc Kinh và Washington đều mong muốn trừng phạt Triều Tiên, tuy nhiên mục đích và phương thức trừng phạt lại không giống nhau.

 Một chiếc xe phóng tên lửa thuộc khẩu đội THAAD

Mặt khác, tần suất tiếp xúc, trao đổi về vấn đề bán đảo Triều Tiên giữa Trung Quốc và Hàn Quốc trong thời gian qua tăng lên rõ rệt. Ngày 5/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, bày tỏ muốn tiếp tục duy trì sự giao đổi và hiệp thương với Hàn Quốc về vấn đề Triều Tiên. Cùng với đó, sự trao đổi giữa Trung Quốc và Mỹ lại gặp nhiều khó khăn, với Nhật Bản lại càng ít tiếp xúc hơn.

Sự tiếp xúc thân sơ không đều này của Trung Quốc phản ánh thái độ của Trung Quốc đối với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong vấn đề bán đảo Triều Tiên không nhất trí. Hay nói cách khác, Trung Quốc mong muốn có bước đột phá giữa Mỹ, Nhật, Bản và Hàn Quốc, cố gắng cùng Hàn Quốc đạt được nhận thức chung ở mức độ nhất định về vấn đề Triều Tiên để giảm bớt sức ép ở bên ngoài, đồng thời tăng cường quyền chủ động của Trung Quốc trong vấn đề bán đảo, cải thiện hoàn cảnh bị động hiện tại của Bắc Kinh.

Trung Quốc bị Mỹ-Nhật-Hàn “vây trói” do Triều Tiên quậy phá ảnh 5

Tuy nhiên, chiến lược này của Bắc Kinh lại vấp phải rất nhiều trở ngại vì những hành vi khiêu khích liên tiếp của Bình Nhưỡng. Sau khi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân và phóng vệ tinh, Hàn Quốc lại tăng cường trao đổi, thương thảo với Mỹ và Nhật Bản về vấn đề bán đảo. Ba quốc gia này thể hiện sự nhất trí đồng lòng hiếm thấy, cùng gây sức ép cho Trung Quốc.

Ngày 9/2, hãng Kyodo của Nhật Bản đưa tin, để thảo luận vấn đề đối phó thế nào với Triều Tiên – quốc gia phóng tên lửa đạn đạo tầm xa với danh nghĩa phóng vệ tinh, thủ tướng Shinzo Abe đã lần lượt hội đàm qua điện thoại với tổng thổng Mỹ Obama và tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Ông Shinzo Abe mong muốn thể hiện sự hợp tác mật thiết giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc, tăng cường hoạt động trừng phạt Triều Tiên do 3 nước đóng vai trò chủ đạo. Hành động này hoàn toàn trái ngược với lập trường thận trọng của Trung Quốc đối với việc áp dụng kế hoạch trừng phạt nghiêm ngặt đối với Triều Tiên.

Trong bối cảnh này, Trung Quốc phải đối mặt với hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, Trung Quốc không thể có sự thống nhất về quan điểm với ba nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc; Mặt khác, Trung Quốc không tìm được biện pháp nào hiệu quả để giảm bớt sức ép của ba quốc gia này, càng không thể ngăn cản mối đe dọa về an ninh do sự tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng ngự của Mỹ - Nhật – Hàn gây ra cho Trung Quốc.

Ngoài ra, sau khi Triều Tiên thử nghiệm bom H, Mỹ và Hàn Quốc chính thức tiến hành đàm phán xây dựng Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối  (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc, Nhật Bản tuyên bố ủng hộ, còn Trung Quốc thì phản đối gay gắt.

Rất rõ ràng, trước những hành vi khiêu khích, kích động không ngừng của Triều Tiên, nhu cầu phòng thủ của Hàn Quốc chắc chắn sẽ tăng mạnh. Trong khi Trung Quốc lại không thể ngăn chặn các hành vi của Triều Tiên, không thể giảm bớt mối đe dọa về an ninh quốc gia cho Hàn Quốc do cục diện bán đảo bất ổn gây ra. Trong hoàn cảnh này, làm thế nào Trung Quốc mới có thể thuyết phục Hàn Quốc từ bỏ chương trình xây dựng Hệ thống phòng thủ khu vực THAAD?

Trung Quốc cực lực phản đối Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc 

Xét về tổng thể, các hành động thử nghiệm hạt nhân, phóng vệ tinh liên tiếp của Triều Tiên đang không ngừng phá vỡ cục diện chiến lược tại Đông Bắc Á. Cục diện chiến lược trước đó là quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc nồng ấm, quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc lạnh nhạt, quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản căng thẳng sẽ chuyển thành cục diện bất lợi cho Trung Quốc: quan hệ Mỹ - Nhật – Hàn được củng cố vững chắc, quan hệ Trung – Nhật tiếp tục căng thẳng, mâu thuẫn Trung – Hàn ngày càng leo thang.

 H.L