Đa Chiều, tờ báo của người Hoa tại Mỹ ngày 30/7 cho hay Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 28/7 tuyên bố Trung Quốc và Nga sẽ tổ chức tập trận chung ở Biển Đông vào tháng 9 tới.
Nhưng, điều kỳ lạ là Nga tuyệt đối giữ im lặng, Bộ Ngoại giao Nga đến nay vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận gì về vấn đề này.
Trong ngày Trung Quốc công bố thông tin diễn tập, Nga và Trung Quốc cũng tổ chức Tham vấn an ninh Đông Bắc Á vòng thứ tư, quân đội hai nước cũng có đại diện tham dự. Hai bên dã bàn về vấn đề THAAD, nhưng không đề cập đến vấn đề Biển Đông.
Việc Trung Quốc và Nga có thể tổ chức tập trận chung ở Biển Đông là do Nga tương đối chủ động.
Ngay từ trước cuộc diễn tập "Liên hợp trên biển-2014", người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Nga, Roman Martov từng tiết lộ, diễn tập "sẽ tổ chức ở Biển Đông".
Nhưng phát biểu này lập tức bị Trung Quốc phản bác và làm rõ. Năm 2015, Nga từng mấy lần tiết lộ có ý định tổ chức tập trận chung với Trung Quốc vào tháng 5/2016.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov thậm chí tuyên bố, Nga và Trung Quốc có kế hoạch "sang năm (2016) tổ chức tập trận chung trên Biển Đông", nhưng Trung Quốc không hề xác nhận vấn đề này.
Nga không muốn "làm váy cưới" cho Trung Quốc
Đến nay, thông tin về cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc và Nga ở Biển Đông là do Trung Quốc tiết lộ trước, phản ứng của Nga lại rất chậm chạp.
Dư luận đặt nghi vấn về thái độ “do dự”, “lo ngại” của Nga đối với vấn đề này trong thời điểm hiện nay.
Trước hết, Nga hoàn toàn không muốn "làm váy cưới" cho Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố thời điểm tập trận ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Nga tương đối nhạy cảm - sau phán quyết của Tòa trọng tài (được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982) đối với vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines.
Từ sau khi kết quả phán quyết được Tòa trọng tài công bố vào ngày 12/7/2016, Trung Quốc và Mỹ hoàn toàn không có các hành động thái quá đà, từ Philippines đến Việt Nam, thậm chí ASEAN cũng như vậy.
Điều này có nghĩa là, Trung Quốc chưa gây ra phản ứng hoặc đáp trả mạnh mẽ từ các bên.
Dựa vào thời điểm các bên "hạ nhiệt" trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã giành được "thắng lợi" ngoại giao ở Diễn đàn khu vực ASEAN (ý nói ASEAN không đưa vấn đề phán quyết của Tòa trọng tài vào Tuyên bố chung).
Đến nay, sau khi kết thúc các hội nghị của ASEAN, Trung Quốc tuyên bố có cuộc tập trận chung với Nga cho thấy Bắc Kinh có ý đồ tiếp tục nhấn mạnh với dư luận bên ngoài rằng lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông không chỉ được một số ít nước trong khối ASEAN "ngầm thừa nhận", mà còn được các nước lớn khu vực như Nga thừa nhận.
Thực chất là Trung Quốc muốn để Nga "thêu gấm thêu hoa" cho bản thân họ, cho thấy Trung Quốc chủ động lôi kéo Nga cuộc cuộc chiến dư luận để chống lại các nước khác trong vấn đề Biển Đông.
Vào tháng 6/2016, Trung Quốc cũng đã từng lợi dụng Nga. Sau vài giờ tàu chiến Nga xuất hiện ở vùng biển đảo Senkaku, Trung Quốc đã điều tàu chiến của họ ra vùng biển này. Dư luận quốc tế cũng giải thích hành động này của Nga là "liên thủ" (hợp tác) với Trung Quốc.
Nhưng, Nga rốt cuộc cố tình đi vào vùng biển Senkaku thể hiện thái độ hợp tác với Trung Quốc hay là Trung Quốc "tương kế tựu kế", muốn thổi vấn đề lên thì chính Nga là người biết rõ nhất.
Đối với sự phức tạp của tình hình Biển Đông, Nga biết rõ mặc dù Trung Quốc tiếp tục đơn phương cho rằng Nga ủng hộ lập trường và chủ trương của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhưng Nga hoàn toàn không nói rõ về điểm này.
Sau khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines được vài ngày, Nga mới lên tiếng tái khẳng định không ủng hộ lập trường của bất cứ bên nào trong tranh chấp Biển Đông.
Nga hoàn toàn không muốn gây ấn tượng cho dư luận quốc tế là họ đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, cũng không muốn bị dư luận quốc tế giải thích quá mức là bị lôi kéo vào tranh chấp Biển Đông. Điều Nga hy vọng là "làm yếu vai trò" của họ trong vấn đề Biển Đông.
Thứ hai, Nga cũng phải cân nhắc quan hệ với các nước Đông Nam Á, nhất là với Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Nga hoàn toàn không bỏ ra quá nhiều nguồn lực ở khu vực Đông Nam Á, nhưng điều này không có nghĩa là Nga sẽ không coi trọng phát triển quan hệ với các nước ở khu vực này.
Vào tháng 5/2016, Nga từng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với các nước ASEAN. Năm 2015, Thủ tướng Nga Medvedev đã lần lượt đến thăm Việt Nam, Thái Lan và Campuchia.
Năm 2016, Nga vừa mới ký hợp đồng đặt mua máy bay chiến đấu với Myanmar. Hồi tháng 2/2016, Phó thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan cũng đã dẫn một đoàn đại biểu khổng lồ đến thăm Nga.
Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông đã làm cho các nước Đông Nam Á nếm trải được những khó khăn trong việc tìm kiếm cân bằng trong cuộc chơi của các nước lớn.
Nếu Nga dựa vào cơ hội tập trận với Trung Quốc, từng bước can dự vào tranh chấp Biển Đông sẽ khiến cho các nước Đông Nam Á lại phải tính tới lợi ích của một nước lớn khác. Điều này không có lợi cho Nga tìm kiếm hợp tác với các nước Đông Nam Á.
Ngoài ra, Nga cũng cần tính tới thái độ của Việt Nam. Tình hữu nghị truyền thống sâu sắc giữa Nga và Việt Nam không nhất thiết phải nói nhiều, hợp tác quân sự giữa hai nước rất chặt chẽ.
Chẳng hạn, vũ khí và trang bị quân sự do Nga chế tạo chiếm 90% nhập khẩu vũ khí của Việt Nam.
Trong đó, tàu ngầm thông thường lớp Kilo Việt Nam đặt mua của Nga đã bàn giao 5 chiếc; ngày 27/4/2016, một nhà máy đóng tàu Nga cũng đã tổ chức lễ hạ thủy tàu hộ vệ lớp Gepard thứ ba chế tạo cho Việt Nam v.v...
Việt Nam và Trung Quốc tồn tại tranh chấp ở Biển Đông đã lâu (thực tế là Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm đảo đá của Việt Nam rồi gây ra tranh chấp), Việt Nam cũng muốn nhận được sự ủng hộ của Nga trong vấn đề Biển Đông.
Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã coi Nga là nước lớn đầu tiên đến thăm. Sau phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines, nếu Nga lập tức đáp ứng tập trận chung với Trung Quốc thì sẽ làm cho Việt Nam cảm thấy Nga đứng về phía Trung Quốc. Vì vậy, Nga chắc chắn phải kín tiếng.
Cuối cùng, Nga vẫn coi trọng quan hệ với các nước phương Tây, mặc dù Nga từng đưa ra chính sách "hướng Đông". Nhưng, hiệu quả của chính sách này hoàn toàn không như ý. Không ít thỏa thuận hợp tác giữa Trung Quốc và Nga vẫn đối mặt với khó khăn trong việc thực hiện.
Quan hệ giữa Nga và Nhật Bản cũng hoàn toàn không được cải thiện. Tổng thống Nga Vladimir Putin đi thăm Nhật Bản còn chưa thực hiện được. Đối với Nga, cải thiện quan hệ với các nước phương Tây mới là quan trọng hàng đầu.
Sau khi rút quân khỏi Syria vào ngày 15/3, quan hệ giữa Nga và Mỹ bắt đầu ấm lên, thậm chí Nga còn nhận được cam kết rằng Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác ở Syria. Nga hoàn toàn không muốn bị Trung Quốc bắt làm con tin và bị Mỹ lôi kéo vào cuộc đối đầu quân sự ở Biển Đông.
Ngày 28/7, Nhà Trắng cũng đã tiến hành cảnh cáo đối với cuộc tập trận giữa Trung Quốc và Nga ở Biển Đông, cho rằng cuộc tập trận này không được làm cho tình hình tiếp tục căng thẳng.
Đây chính là lời cảnh cáo Mỹ đưa ra đối với Trung Quốc, đồng thời Mỹ cũng nhắc nhở Nga tránh bị lôi kéo vào kích động mâu thuẫn ở Biển Đông. Vì vậy, Nga phải thận trọng, không được tiếp tục gây thêm phiền phức mới trong thời điểm cải thiện quan hệ với Mỹ - Đa Chiều kết luận.