Trung Quốc đưa tên lửa chống hạm ra đảo Phú Lâm?

Tạp chí quân sự Anh Jane's cảnh báo Trung Quốc có thể đã triển khai trái phép hệ thống tên lửa chống hạm tầm xa YJ-62 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Bức ảnh đăng trên Weibo với tên lửa chống hạm YJ-62 phóng từ một vị trí được cho là ở đảo Phú Lâm. Ảnh:Jane’s Defence Weekly/Weibo
Bức ảnh đăng trên Weibo với tên lửa chống hạm YJ-62 phóng từ một vị trí được cho là ở đảo Phú Lâm. Ảnh:Jane’s Defence Weekly/Weibo

Hôm 20/3, một nhà phân tích quân sự Trung Quốc đăng bức ảnh trên trang mạng Weibo, thể hiện cảnh lực lượng nước này phóng tên lửa chống hạm YJ-62 cùng mái vòm radar bố trí xung quanh.

Giới chuyên gia quốc tế nhận định xét về cảnh quan và các tòa nhà ở phía sau, vị trí phóng rất có thể là ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Ngày 25/3, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCPM) dẫn lời một đại tá về hưu của Hải quân Trung Quốc cho biết Bắc Kinh có kế hoạch triển khai tên lửa YJ-62 tại đảo Phú Lâm.Tạp chí quốc phòng Anh Jane’s Defence Weekly bình luận hình ảnh cho thấy có thể Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống hạm tầm xa lên đảo Phú Lâm. Jane's cho biết hình ảnh trên Weibo phù hợp với một bức ảnh khác từng được đăng trên Navy.81.cn, trang web chính thức của Hải quân Trung Quốc.

Ông này ngang ngược tuyên bố, “Tên lửa đất đối không HQ-9 và YJ-62 sẽ bổ sung cho nhau. Sự triển khai này là cần thiết để đối phó với kế hoạch tăng cường tàu chiến đến Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) của Bộ Quốc phòng Mỹ”.

Hình ảnh tên lửa chống hạm tầm xa YJ-62 của Trung Quốc đăng trên trang web của Hải quân Trung Quốc. Ảnh:Navy.81.cn

Chuyên gia hùng hổ khẳng định việc triển khai tên lửa YJ-62 "phù hợp với chiến lược quân sự của Trung Quốc”. “Phú Lâm có chức năng như một lá chắn bảo vệ cho căn cứ hải quân Du Lâm ở đảo Hải Nam, cách khoảng 300 km”, ông ta mô tả.Liang Guoliang, một chuyên gia quân sự ở Hong Kong, đánh giá việc triển khai tên lửa YJ-62 là "lựa chọn thuận tiện" đối với Hải quân Trung Quốc vì radar của tên lửa này cũng phù hợp với tên lửa phòng không HQ-9. Cả hai loại tên lửa đều được triển khai trên tàu khu trục phòng không Type-052C.

Theo Jane’s Defence Weekly, tên lửa chống hạm YJ-62 có tầm bắn khoảng 300 km, mang theo đầu đạn nặng 210 kg. Tên lửa có thể triển được bắn đi từ tàu chiến hay bệ phóng di động trên đất liền.

Nhà phân tích Antony Wong Dong ở Maccau cho biết phạm vi hoạt động của tên lửa HQ-9 xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam. Tên lửa YJ-62 có tầm bắn còn xa hơn thế.

“Đó là một mối đe dọa lớn đối với an ninh hàng hải của Việt Nam và là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế nghiêm trọng”, ông Antony Wong Dong bức xúc.

Trước đó, Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai trái phép hệ thống phòng không HQ-9 trên đảo Phú Lâm. Bắc Kinh còn điều máy bay tiêm kích J-11 tới đây. Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Năm vào năm 1974. Đây là đảo quan trọng nhất của nhóm đảo An Vĩnh và quần đảo Hoàng Sa. Đảo có chiều dài đến 1,7 km, chiều ngang 1,2 km. 

Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa. Tháng 7/2012, Trung Quốc lập ra cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm để "quản lý" Biển Đông. Một năm sau, số công dân Trung Quốc sinh sống bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm lên đến hơn 1.000 người.

Trong thời gian qua, Bắc Kinh cũng liên tục bồi lấn, xây đảo nhân tạo trái phép tại 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đã lắp đặt radar tại các đá này. Hành vi hiếu chiến của Trung Quốc đi ngược lại cam kết "không quân sự hóa Biển Đông" và bị cộng đồng quốc tế lên án dữ dội.

Theo Zing