Chỉ có 10% vốn cũng đi xây BOT

VietTimes -- Nhiều nhà đầu tư chỉ có 10-15% vốn tự có, số còn lại là đi vay, nhưng vẫn đăng ký làm BOT. Đây là thông tin từ Hội thảo các vấn đề về Dự án BOT và vai trò của Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 15/9.
Trạm thu phí BOT mọc lên dày đặc - (Ảnh minh họa )
Trạm thu phí BOT mọc lên dày đặc - (Ảnh minh họa )

Theo đại diện của Ngân hàng nhà nước (NHNN), đến 30/6, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay gần 160.000 tỷ với các dự án BOT, BT giao thông. Trong đó, dư nợ cấp tín dụng là hơn 83.600 tỷ đồng, tăng 12,43% so với cuối năm ngoái. Tốc độ tăng này cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm.

Đại diện NHNN cho biết thêm, 85% trong tổng số 160.000 tỷ đồng vay nợ này là đến từ 3 ngân hàng, gồm BIDV, VietinBank, và SHB.

Ngoài ra, còn có dư nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - một trong những chủ nợ lớn tham gia cho vay BOT giao thông.

 Dù nhìn nhận việc tăng trưởng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng NHNN cho rằng cơ chế cho vay đối với các dự án này còn tiềm ẩn nhiều vướng mắc và rủi ro, đặc biệt là khi năng lực tài chính của các nhà đầu tư rất yếu kém. Các nhà đầu tư phần lớn chỉ có 10-15% vốn tự có, còn lại phải đi vay - đại diện NHNN cho biết.

Do hầu hết vốn thi công đều vay mượn, các chủ đầu phải chịu áp lực trả nợ rất lớn, khiến họ muốn nhanh chóng thu hồi vốn để trả nợ. Vì vậy, phí BOT, BT trong vài năm trở lại đây đều lần lượt tăng cao và các trạm thu phí BOT mọc lên dày đặc.

"Đây là khâu có vấn đề nhất. Chúng tôi từng tham gia thẩm định một dự án cao tốc của Hà Nội - Lạng Sơn, chiều dài 60 km mà có đến 5 trạm thu phí. Điều này rất ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư, sau này sẽ là mức nộp phí của người dân, doanh nghiệp" - đại diện NHNN cho biết.

Do đó, từ cuối năm ngoái, NHNN đã "siết" vốn tín dụng đổ vào giao thông. Vừa qua, Thống đốc NHNN cũng đã ra công văn số 6395/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông,  theo dõi chặt chẽ để nắm bắt việc thay đổi chính sách thu phí các dự án BOT của Chính phủ và các Bộ có liên quan, đánh giá lại hiệu quả các dự án BOT khi mức phí thay đổi để có biện pháp quản lý rủi ro và tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn thu phí để thu nợ kịp thời, đầy đủ, đúng hạn.