Cụ thể, trong hội nghị Bộ Chính trị Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 30.12.2015, ông Tập đã nghe Ủy ban kiểm tra-kỷ luật Trung ương (CCDI) báo cáo công việc năm 2015 và phương hướng triển khai chống tham nhũng trong năm 2016.
Sau khi nghe báo cáo, ông Tập đã có phát biểu chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh quyết không được để 4 tác phong xấu (hình thức, quan liêu, hưởng lạc, hoang phí) trở lại, phải “tăng cường độ lẫn tốc độ chống tham nhũng” để ngăn chặn triệt để tham nhũng.
Ngoài ra, trong công tác sử dụng cán bộ phải xem xét kỹ càng, không thể để người có vấn đề về đạo đức, kỷ luật mà vẫn được thăng tiến.
Theo đánh giá của giới phân tích chính trị Trung Quốc, bài phát biểu này của ông Tập đã phát đi nhiều tín hiệu, trong đó “tăng cường độ lẫn tốc độ chống tham nhũng” chính là tín hiệu quan trọng nhất, cho thấy trong năm 2016, rất có thể sẽ có “hổ lớn” cấp ủy viên thường vụ Trung ương đảng bị đánh về tội tham nhũng.
Theo nhận xét của đài Xin Tangren (Hồng Kông), từ khi lên cầm quyền vào năm 2012, chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập phát động đã bắt điều tra nhiều quan tham lẫn các quan chức trong các phe phái chính trị đối kháng, trong đó có nhiều người được sủng ái dưới thời Giang Trạch Dân như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai…
Trong số quan chức cấp trung ương bị điều tra tham nhũng, nhân vật có cấp bậc cao nhất chính là Chu Vĩnh Khang, người từng là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị.
Có thể thấy, thành tựu lớn nhất của ông Tập trong lĩnh vực chống tham nhũng chính là dám đụng đến những “hổ siêu lớn” là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, đài Xin Tangren đánh giá.
Vậy mà, có vẻ như Chủ tịch Tập vẫn chưa hài lòng với kết quả đạt được khi yêu cầu “tăng cường cường độ lẫn tốc độ chống tham nhũng”. Điều này cho thấy trong năm tới sẽ lại có một Ủy viên thường vụ như trường hợp Chu Vĩnh Khang bị bắt điều tra, nhà bình luận Đường Kế Viễn nhận xét.
Theo phân tích của nhà bình luận, “tăng cường tốc độ” chính là nhanh chóng trong việc điều tra, lập án và xét xử càng nhiều quan tham càng tốt, còn “tăng cường cường độ” chính là phải điều tra những trường hợp tham nhũng ở cấp lãnh đạo cao, những “hổ lớn”.
Trong bối cảnh ông Tập kêu gọi tăng cường đánh tham nhũng, có thể thấy vụ của Thường Tiểu Binh, Chủ tịch Tập đoàn China Telecom, có tính chất rất “nhạy cảm”, được thể hiện rõ qua sự bất thường trong bản tin thông báo cách chức Thường được đăng trên CCDI ngày 30.12.2015
Cụ thể, đây là lần đầu tiên tên của một quan chức bị bắt được ghi với chức vụ trước đó chứ không phải chức vụ hiện tại.
Trong bài báo, Thường được giới thiệu là “cựu Chủ tịch China Unicom” chứ không phải là “chủ tịch China Telecom”. Thậm chí, chức vụ “cựu Chủ tịch China Unicom” cũng được dùng ngay ở tít bài.
Trang Chinanews còn tiết lộ người thật sự đứng sau nắm quyền China Unicom lại chính là Giang Miên Hằng, con trai lớn của Giang Trạch Dân.
Cẩm Bình - Theo đài Xin Tangren, Một thế giới