Trung Quốc “chẹn đường” Mỹ ở Biển Đông với 4 mẫu hạm không chìm

VietTimes-- Hiện tại Trung Quốc đã phát triển được 4 "mẫu hạm không chìm" trên biển Đông. Mục đích của Bắc Kinh là muốn xây dựng dãy "Trường Thành trên biển" để ngăn chặn bước tiến của quân đội Mỹ, cắt đứt mối liên hệ của quân đội Mỹ giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
"Mẫu hạm không chìm" đầu tiên của Trung Quốc tên biển Đông
"Mẫu hạm không chìm" đầu tiên của Trung Quốc tên biển Đông

Hình ảnh chụp mới nhất từ vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã xây dựng trái phép 22 nhà chứa máy bay có điều hòa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời bố trí chiến đấu cơ J-11BH, máy bay vận tải Y-7G và máy bay trực thăng Z-8H, cái gọi là “mẫu hạm không chìm” đầu tiên trên biển Đông đã chính thức thành hình.

Nguồn tin cho biết, lần này máy bay vận tải Y-7G và máy bay trực thăng Z-8H đáp tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trực thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, chủ yếu phối hợp với hoạt động của máy bay tiêm kích J-11BH trên biển Đông, sử dụng tìm kiếm, cứu trợ và chuyên chở phi công sau khi rơi xuống nước.

Trước đó, Trung Quốc đã bố trí máy bay không người lái tầm xa BZK-11BH tại đảo Phú Lâm, máy bay này chủ yếu thực hiện nhiệm vụ do thám trên đảo.

Cách đây không lâu, chính phủ Trung Quốc thừa nhận bố trí các vũ khí hạng nặng như tên lửa đất đối không HQ-9, tên lửa phòng không HQ-6, tên lửa chống hạm YJ-62 trên đảo Phú Lâm, tăng cường năng lực phòng không, chống tàu cho vùng biển xung quanh đảo Phú Lâm.

Từ các hoạt động trên có thể thấy, vai trò của máy bay J-11BH giống như máy bay có căn cứ trên tàu sân bay, máy bay BZK-005 đóng vai máy bay cảnh báo sớm, HQ-9, HQ-6 đóng vai hệ thống phòng thủ gần, còn máy bay Y-7G và Z-8S thì đảm nhận vai trò hỗ trợ hậu cần. Cộng với các tàu thuyền tuần tra ở khu vực lân cận, có thể nói mưu đồ xây dựng “mẫu hạm không chìm” đầu tiên trên biển Đông đã thực hiện thành công.

Ngoài “mẫu hạm không chìm” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, còn có 3 mô hình khác ở đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Xu Bi, trong đó sân bay trên đá Chữ Thập đã được sử dụng, phía cuối đường băng cũng đang được xây dựng nhiều nhà để máy bay.

Đá Chữ Thập sau khi được cải tạo thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất Trường Sa với một đường băng dài 3km
Đá Chữ Thập sau khi được cải tạo thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất Trường Sa với một đường băng dài 3km

Nhiều quan chức quốc phòng Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh đang cách ly quân đội Mỹ ra khu vực cách khu vực đất liền rất xa. Từ vùng duyên hải của Trung Quốc Đại lục tới quần đảo Hoàng Sa rồi đến quần đảo Trường Sa, hoạt động bố trí quân sự của Trung Quốc đang từng bước vươn dài, quân đội Mỹ cũng đang từng bước lùi ra xa. Đằng sau của hành động xây dựng “Trường Thành trên biển” của Trung Quốc là sự lùi bước của Mỹ mặc dù bề ngoài thì rất cứng rắn, giới chức Trung Quốc chủ quan phán bừa. Thực tế Mỹ đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực khiến Trung Quốc hết sức tức tối.

Giới diều hâu Trung Quốc chắc mẩm sau khi cả 4 “mẫu hạm không chìm” được đưa vào sử dụng, Trung Quốc không những sẽ kiểm soát các cao điểm quân sự trên biển Đông, thâu tóm quan sát được tuyến đường thương mại trên biển nhộn nhịp nhất thế giới này, mà còn cắt đứt đầu mối liên kết của quân đội Mỹ tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đến lúc ấy, các căn cứ quân sự của quân đội Mỹ ở Ấn Độ Dương có thể sẽ biến thành “cá chui ống”, đây cũng là một trong những lý do khiến quân đội Mỹ tăng cường liên kết về quân sự với Australia.

Kim Xán Vinh – chuyên gia các vấn đề về Mỹ của Học viện Quan hệ Quốc tế - Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, trong cuộc đấu trí giữa Mỹ và Trung Quốc trên biển Đông, chắc chắn Trung Quốc sẽ giành chiến thắng cuối cùng (!?). Kim lớn tiếng hô hào Trung Quốc cần tự tin về điều này, và cho rằng xét về xu thế phát triển chung, thời gian có lợi cho Trung Quốc, và xét về điều kiện địa lý trên biển Đông cũng có lợi cho Trung Quốc.

Kim Xán Vinh phán rằng, Trung Quốc sẽ thúc đẩy công tác xây dựng trên biển Đông, bao gồm xây lấp đảo phi pháp. 10 năm sau (tức 2026), khi GDP của Trung Quốc và Mỹ cách nhau rất gần, độ ảnh hưởng của các ngành nghề khác như công nghệ, quân sự lên một tầm cao mới, “Mỹ sẽ không gây sự nữa mà rút lui và đi gây sự ở nơi khác”, Kim Xán Vinh chủ quan nhận định một cách lố bịch.

Đ.Q