Bắc Kinh lại đang mở một chiến dịch tấn công quyến rũ khắp thế giới. Hai năm sau sự kiện kéo giàn khoan khổng lồ vào vùng biển Việt Nam và sau khi cơ bản hoàn thành việc bồi lấp xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông, Trung Quốc lại đang cố ve vãn thế giới, National Interest nhận định.
Theo National Interest, Trung Quốc đang đi khắp thế giới tuyên truyền câu chuyện trong đó Trung Quốc là một nhân tố đạo đức ở Biển Đông, chứng minh rằng lý do duy nhất gây ra tất cả mọi bất ổn là Washington lừa bịp, lôi kéo Philippines, Việt Nam và Malaysia.
Từ London đến Jakarta, tác giả Bill Hayton được nghe chuyện về các quan chức Trung Quốc tìm cách gặp gỡ các nhà ngoại giao Đông Nam Á để thuyết phục họ. Người ta cũng thấy Bắc Kinh khoe khoang rằng Brunei, Campuchia và Lào ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông. Thật không may cho Bắc Kinh, Campuchia và Lào đã ngay lập tức bác bỏ thông tin này, còn Brunei thì giữ im lặng như mọi khi.
Mới đây, hai quan chức Trung Quốc là chủ nhiệm ủy ban đối ngoại Trung Quốc Phó Oánh và chủ tịch viện nghiên cứu quốc gia Trung Quốc về Biển Đông Ngô Sĩ Tồn đã viết một bài báo dài trên National Interest. Hai nhân vật này cố viết lại về Biển Đông theo lối sáng tác trong một thời đại rất nhiều huyền sử xưa cũ đã bị phá hủy bởi những nghiên cứu lịch sử mới. Tất nhiên lịch sử đã được viết lại và các thực tế chính yếu đã cố tình bị bỏ quên nhằm biến Trung Quốc hiện ra như một nạn nhân của sự xảo trá đế quốc.
Sự phóng tác trên dĩ nhiên không thuyết phục được người Mỹ cũng như chính quyền các nước Đông Nam Á đang chứng kiến sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc trong vòng 7 năm qua. Đó là một sự thêu dệt nhằm được cố tình tạo ra nhằm thu phục các nước ASEAN không đòi chủ quyền ở Biển Đông, cùng với giới chức ở các nơi khác trên thế giới ít biết về các tranh chấp ở Biển Đông. Theo National Interest, mục tiêu nhằm thể hiện cho các nước tuyên bố chủ quyền ở ASEAN thấy rằng chỉ có họ chỉ trích.
Theo National Interest, có rất nhiều phần trong bài viết của Phó Oánh phải tranh luận, nhưng mấu chốt của bài báo là việc xảy ra năm 2009. Phó Oánh và Ngô Sĩ Tồn đang cố gắng viết lại lịch sử của năm quan trọng này bằng cách xóa bỏ khỏi trí nhớ những hành động của chính Trung Quốc đã gây ra những khó khăn hiện tồn như thế nào.
Theo bài báo của hai quan chức Trung Quốc, “tình hình tổng thể được kiểm soát trước năm 2009”. Điểm trọng yếu trong câu chuyện của Phó Oánh là chính quyền mới của ông Obama, đặc biệt là nữ tay sai quỷ quyệt Hillary Clinton đã “kích động Philippines và Việt Nam hành động khiêu khích”. Phó Oánh cáo buộc việc các nước Đông Nam Á đã trình đòi hỏi chủ quyền của mình lên Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Giới hạn vùng thềm lục địa. Quan chức Trung Quốc cũng đổ tội cho chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Hai quan chức Trung Quốc sau đó ám chỉ rằng chiến lược xoay trục của Mỹ là lý do tại sao Philippines thông qua Luật về đường cơ sở trên biển mới vào tháng 3/2009, và tại sao Việt Nam và Malaysia lại cùng nhau đệ trình tuyên bố chung về thềm lục địa lên Liên Hợp Quốc vào tháng 5/2009. Tuy nhiên, National Interest cho rằng, cả hai động thái trên đã được khởi động từ lâu do đến thời hạn quy định của Ủy ban Liên Hợp quốc.
Luật về đường cơ sở của Philippines Baseline là kết quả sau nhiều năm tranh luận nội bộ. Các nguồn tin ngoại giao cũng cho biết, Việt Nam và Malaysia cũng đã bắt đầu thảo luận hồ sơ chung về vùng thềm lục địa từ năm 2007, trước khi Washington có bất cứ kế hoạch “xoay trục” nào từ lâu.
Theo National Interest, động lực thúc đẩy Malaysia và Việt Nam thảo luận chung chính là thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc năm 2007. Trái với quan điểm của Phó Oánh và Ngô Sĩ Tồn, tình hình chung đã trở nên bất ổn trước năm 2009. Trung Quốc đã xâm phạm nhiều khu vực trên biển thuộc chủ quyền của các nước Đông Nam Á.
Chuyên gia Bill Hayton cho biết, thực tế này có liên quan trực tiếp tới bà Phó Oánh. Ngày 18/5/2007, sau khi bà Phó trở thành đại sứ Trung Quốc tại Anh đã tới thăm tổng hành dinh của tập đoàn dầu khí BP và tuyên bố với các lãnh đạo BP rằng Trung Quốc không thể đảm bảo an toàn cho khoảng đầu tư 4 tỷ USD của BP tại Trung Quốc cũng như các nhân viên của tập đoàn này nếu như BP vẫn tiếp tục thực hiện dự án thăm dò tại vùng biển của Việt Nam.
BP là một trong nhiều công ty dầu lửa quốc tế chịu sức ép rất lớn từ phía Trung Quốc trong giai đoạn 2007-2008, buộc họ phải từ bỏ các hoạt động tại các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Malaysia những Trung Quốc ngang nghiên đòi chủ quyền. Theo ông Hayton, đó là nguyên nhân thực sự khiến Malaysia và Việt Nam cùng nhau nộp hồ sơ lên Ủy ban của Liên hợp quốc. Theo National Interest, Phó Oánh viện dẫn các sự kiện năm 2009 là hệ quả sức ép của Mỹ hoàn toàn không có cơ sở.
Trên thực tế, những hành động của Trung Quốc đã khiến chính phủ các nước Đông Nam Á lo ngại từ lâu trước khi chính quyền Obama nắm nhiệm sở. Một cuộc hội thảo của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) tổ chức tại Washington hồi tháng 9/2008 đã vạch rõ vấn đề này. Song một động thái của Trung Quốc trong năm 2009 khiến Đông Nam Á càng lo lắng hơn liên quan tranh chấp Biển Đông. Tháng 5/2009, đáp trả việc Malaysia và Việt Nam nộp hồ sơ chung lên Ủy ban Liên Hợp quốc, Trung Quốc đã gửi một tấm bản đồ “lưỡi bò” lên Ủy ban này.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền mơ hồ ra một diễn đàn quốc tế. Thực tế, trong nhiều năm trước đó, người nước ngoài mang bản đồ nước này ra khỏi Trung Quốc bị coi là bất hợp pháp do được xem là bí mật quốc gia. Việc Bắc Kinh nộp tài liệu trên lên Liên Hợp Quốc đã báo động khu vực Đông Nam Á và khiến các nước tăng cường vận động để Washington tái can dự vào khu vực.
Theo National Interest, quan chức Trung Quốc dường như hoàn toàn không thể hiểu quan điểm của các nước tuyên bố chủ quyền khác. Họ xuất phát từ quan niệm rằng mọi thứ Trung Quốc làm đều đạo đức và đúng đắn và do đó bất cứ ai không tán thành đều bị coi là sai lầm. Một nhà ngoại giao ASEAN mới đây đã nói rằng, Trung Quốc có thể không phải là một siêu cường, nhưng có vẻ nước này đã đạt được vị thế "siêu cường tự kỷ".