Sultan Thổ “tuốt kiếm” chiến Gấu Nga: Át chủ bài trong tay Moscow

Ankara dĩ nhiên phải biết rằng Nga đang tác chiến loại hình chiến tranh lai, nhưng vẫn cứ bắn hạ máy bay Nga, và rơi thẳng vào miệng vực của cuộc chiến tranh này. Chính quyền nước Thổ không có tầm nhìn xa, và không theo dõi kỹ lưỡng tình hình chính trị nước ngoài. Những quân chủ bài đang thuộc về Nga...
Vụ bắn hạ Su-24 đẩy quan hệ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng
Vụ bắn hạ Su-24 đẩy quan hệ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng

Vụ bắn hạ Su -24 của Nga, diễn biến xâu đi của quan hệ Thổ - Nga, tuyên bố của các nhân vật liên đới, từ Putin đến Kadyrov (tổng thống Cộng hòa Chechnia) – đang là tâm điểm của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ mấy ngày cuối tháng 11 vừa qua. Trong khi kênh truyền thông này trầm trồ, lần đầu tiên kể từ chiến tranh lạnh “Thổ Nhĩ Kỳ đi đùng đường”, các nguồn khác dẫn các dự báo của các nhà khí tượng học về mùa đông lạnh lẽo đang tới, cũng như về sự hoang mang của giới thương gia Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga.

“Bóc mẽ Putin”

Truyền thông Thổ đăng tải các phản ứng từ Nga, ngoài các tuyên bố cứng rắn của Vladimir Putin kiểu (Thổ Nhĩ Kỳ) như đồng lõa với khủng bổ…, tuyên bố của tổng thống Chechnya Kadyrov rằng“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải hối tiếc lâu đấy”, cũng như tin các đại biểu Đảng Cộng sản Nga đòi phải trừng phạt Thổ về thương mại.

Đáp trả của Thổ Nhĩ Kỳ về mặt chủ quyền biên giới quốc gia được báo chí quốc nội thân cận với chính quyền Ankara cho là “đích đáng”.

Vụ Su – 24 và các động thái liên quan với nó là tâm điểm mấy ngày cuối tháng, át cả công bố về thành phần chính phủ ở Ankara, với những thay đổi, và những tên mới. Ban đầu, trên truyền thông trùm phủ một loạt tin bi quan, khi báo cánh tả có tiếng Hurriyet mô tả tình hình hiện thời là “cuộc  khủng hoảng lớn nhất”. Nhưng hầu hết các kênh truyền thông thân chính phủ đều tán đồng hành động của chính quyền Thổ (trong vụ Su – 24), và cả một tờ báo cánh tả là Habertürk cũng đăng bài có tựa đề “Hết nhẫn nhịn”, nhấn mạnh đây đâu phải lần đầu phía Nga xâm phạm biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Đề cao tinh thần ái quốc, báo Aksam cho rằng Nga đang “thử thách sự kiên nhẫn của chúng ta”, còn các tờ Günes, Yeni Safak và Posta nhấn mạnh thêm, rằng Thổ Nhĩ Kỳ có quyền bắn hạ máy bay Nga, vì các oanh tạc cơ của Nga đã nhiều lần bay vào không phận Thổ, và chính phủ Nga đã nhận được cảnh báo về hậu quả.  

Sau các tin nhanh, đã xuất hiện các “bài viết cột” (bình luận trên chuyên mục). Bình luận gia có tiếng Yıldıray Ogur, nhận thấy trong vụ (Su – 24) này Thổ Nhĩ Kỳ đã trưởng thành đến mức không thể tin được về mặt ngoại thương – “lần đầu tiên kể từ thời chiến tranh lạnh”… “Thổ Nhĩ Kỳ đang vận động trên con đường của chính mình… Đang kiến thiết và bảo về vị thế của mình”, tác giả vinh danh tổng thống và thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, và khẳng định: “không thể đe dọa người dân Thổ rằng van đường dẫn hơi đốt Nga vào nước này sẽ bị đóng”.  

Người viết cột của báo Akşam, Kurultaz Taiz, với hơi hướng tuyên truyền, viết: “Kết quả cụ thể của vụ này là  Erdoğan đã hủy hoại quyền uy (charisma) lãnh tụ tầm thế giới của Putin”.

Cùng kỳ, tờ báo rất thân chính quyền Yeni Şafak đã đưa ra bài viết chuyên mục, phân tích vì sao Thổ Nhĩ Kỳ cần phải hành động rắn đến mức như vậy. Báo này điêm lại vụ 22/6/2912, khi Syria bắn rơi chiếc F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ. “Chiếc máy bay này không vũ trang, hệ thống cho phép nhận biết đang bật. (Vậy mà) nó đã bị bắn hạ mà không có cảnh báo trước”. Chính sau sự kiện này, báo Yeni Şafak vạch rõ, Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi quan điểm của mình về các hoạt động không lực tại vùng biên giới. “Bất kỳ yếu tố quân sự nào tiến đến gần biên giới từ phía Syria đều được nhìn nhận là mối đe dọa và nhằm mục đích chiến tranh”. Chính sau khi mất chiếc F-4 này cùng 2 phi công tử nạn, từ 2012, Thổ Nhĩ Kỳ đã nghiêm khắc và không khoan nhượng thực thi các nguyên tắc áp dụng vũ lực, có thể tóm tắt trong phương châm sau: Bắn không cảnh cáo”.

Bài viết cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ hành động đúng, vì nếu làm khác đi, nước này sẽ mất mặt: “nói lời hãy giữ lấy lời, kẻo sẽ không ai coi anh là nghiêm chỉnh”. Câu cuối cùng của bài viết đã lan đi trên mạng Twitter tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: “Không thể nói rằng khả năng xẩy ra chiến tranh hoặc trừng phạt (báo thù) là không có. Nhưng nếu nói Nga là nước lớn và có bề dày lịch sử, thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nước lớn, với lịch sử có bề dày không hề kém. Nhất là đang có những vấn đề chắc chắn phải làm Nga bận tâm chứ, hơn là đi làm chiến tranh - cái mà nước này đang làm ở Syria, cách Moscow hàng ngàn cây số; và tại sao Nga ném bom những người dân (thiểu số) Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống trên lãnh thổ Syria?”

Nhiều báo chí theo chủ nghĩa dân tộc cũng phản ứng với tuyên bố của Nga rằng Thổ Nhĩ Kỳ có liên hệ với tổ chức IS – bị chính thức cấm ở nước này (Thổ Nhĩ Kỳ). “Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ những ai bị cả thế giới gọi là khủng bố - tức là tổ chức ‘Nhà nước Hồi giáo”, người viết cột (columnist) nổi tiếng Mustafa Akyol viết trên Hurriyet Daily News, “cái hiện thời nước Nga đang làm là đánh những kẻ khủng bố này (IS) ở mức ít hơn, đồng thời đánh những người nổi dậy, mà phương Tây cũng đang ủng hộ, ở mức độ mãnh liệt hơn”.

Còn một chủ đề đầy bức xúc nữa - các hành động chống Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga. Báo Sabah thông báo về các hoạt động phản đối xảy ra trước sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ (ở Moscow), mô tả tình hình là “một cái tát vào mặt các báo đối lập” (ở Ankara),  như Cumhuriyet, Sozcu và Zaman.

Ankara sẽ hối vì “tự đeo cối đá”

Một câu trả lời có thể xem là đến từ xã  luận của báo Evrensel: “Mặc dù các báo thân cận với chính quyền xem việc quật ngã phi cơ Nga như thắng lợi, chuyện này thực ra làm yếu vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Căng thẳng chỉ đem lại cái lợi cực đại cho Mỹ và NATO mà thôi”.

Sự hân hoan sau vụ bắn hạ Su-24 Nga của Thổ Nhĩ Kỳ không kéo dài được lâu
Sự hân hoan sau vụ bắn hạ Su-24 Nga của Thổ Nhĩ Kỳ không kéo dài được lâu

Truyền thông đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra thận trọng hơn, và tìm cách hiểu: sẽ có những hệ lụy nào xảy đến với nước này. “Đây là một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm” – người viết cột trên tờ Zaman, ông Lale Kemal viết. Kemal cho rằng bối cảnh xung quanh chiếc Su – 24 còn nguy hiểm hơn, tính tới yếu tố là nguyên thủ của hai nước này (Nga và Thồ Nhĩ Kỳ) “đều lừng danh về việc có khả năng ra quyết định bốc đồng” (сгоряча/rushy – bất chấp hậu hoạn). Cho rằng chính sách của chính quyền Ankara chưa nhìn xa trông rộng: tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn giải quyết các vấn đề nội bộ bằng việc “làm nóng” vấn đề IS, và “ông ta không đạt được gì”, Kemal nhận định.

Báo Cumhuriyet đăng những bài viết đo hậu quả do đòn trả đũa của Nga lên Thổ Nhĩ Kỳ. Chạy trên trang nhất tít lớn, rằng đất nước đang ở bên “miệng hố chiến tranh”, Cumhuriyet chỉ ra quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi sẽ đưa lại những gì, kể cả trên nền dự báo một mùa đông lạnh lẽo của các nhà khí tượng học. Báo Yurt chạy tít: “Quả tên lửa trị giá 35 tỉ USD”. Báo Aydınlık cho hay nhiều hãng Thổ Nhĩ Kỳ làm ăn trên đất Nga công bố quyết định thay đổi tên gọi của mình.

Nguyên chủ tịch Hội thương nhân Thổ tại Nga Ali İhsan Ahiskali nói về các vấn đề khác của doanh nghiệp Thổ ở Nga: “Vụ việc (SU – 24) vừa xảy ra được người dân Nga coi như hành vi chống chính họ. Đang chớm xu thế bài hàng Thổ, các hãng Thổ Nhĩ Kỳ (ở Nga) hoang mang”. Cũng trên tờ Aydınlık lãnh tụ Đảng Vatan (Ái quốc – Đảng cánh tả, cổ súy CNXH, cách mạng, chủ nghĩa dân tộc…) Doğu Perinçek viết “Nguyên tắc tác chiến không nên áp dụng để đánh bạn”. Perinçek kêu gọi đối thoại một cách xây dựng với Nga.

Báo mạng theo quan điểm độc lập T-24 cho rằng nước Thổ phụ thuộc nặng nề vào Nga, cụ thể: 55% khí đốt tự nhiên, 16% sản phẩm dầu hỏa, 30% than được nhập khẩu từ Nga. T – 24 nghĩ rằng “sự phụ thuộc lớn đến mức việc ngắt quãng (cung cấp) sẽ dẫn tới sụp đổ về năng lượng”. “Cuộc khủng hoảng xuất phát từ vụ bắn hạ máy bay Nga sẽ (chỉ) trói tay Ankara về mặt ngoại giao, nhưng nếu đất nước lâm vào kiệt quệ năng lượng, thì nguy hại đang chờ mỗi công dân (Thổ Nhĩ Kỳ), tác giả Yalçın Dolğan (thường viết cột cho báo Hurriyet – người lược dịch chú) nhận định.

Dolğan cho rằng vì phần lớn du khách tới nước này là từ Nga, trước mắt Thổ nhĩ Kỳ sẽ thất thu khoảng 2 tỉ USD/năm từ thị trường du lịch, và trong tương lai con số này sẽ tăng gắp 2…

“Ankara dĩ nhiên phải biết rằng Nga đang tác chiến loại hình chiến tranh lai ghép (hybrid), nhưng vẫn cứ bắn hạ máy bay Nga, và rơi thẳng vào miệng vực của cuộc chiến tranh này. Chính quyền nước chúng ta không có tầm nhìn xa, và không theo dõi kỹ lưỡng tình hình chính trị nước ngoài. Những quân chủ bài đang thuộc về Nga. Mùa đông này rồi (tình cảnh người dân) sẽ ra sao? Chính quyền định khắc phục thâm thủng về năng lượng thế nảo? Chính quyền (Thổ Nhĩ Kỳ) định trả lời ra sao trước cáo buộc chính trị nặng nề, kiểu như bị dán nhãn là tòng phạm với khủng bổ? Thật là ngây thơ khi trông chờ rằng khủng hoảng chính trị và kinh tế chỉ gắn với (phản ứng của) Nga mà thôi. Ankara sẽ còn phải tiếc nuối là đã khoác lên cổ mình một gánh nặng như thế”, Dolğan kết bài viết

Báo Bugün cũng lên trang với bài xã luận chủ hòa, và nhan đề tiếng Nga và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: “Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là bè bạn, là láng giềng”. Sẽ khó đánh giả tâm trạng của dân cư Thổ Nhĩ kỳ là thiên về hướng nào. Theo thống kê của hãng Pew Research Center năm 2014, chỉ có 32% dân cư tin tưởng vào các kênh truyền thông đại chúng. Một thăm dò trong giới báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cho hay khoảng 85% ký giả cho rằng bị kiểm duyệt và tự kiểm duyệt là chuyện thường trong công việc của họ. Kể từ sau các làn sóng phản ứng chính phủ từ 2013, Ankara đã siết chặt hơn kiểm soát báo chí.

Sultan đáp trả cáo buộc “liên hệ với IS”

Yaşar Yakış (cựu Bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên Nhóm tầm nhìn chiến lược Nga – thế giới Hồi giáo/Group of strategic vision "Russia - Islamic world - người lược dịch chú) lưu ý nước Nga sẽ nhanh chóng triển khai đòn trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, và đặt câu hỏi: “Nghĩ rằng nếu Nga đóng van hơi đốt đang chảy vào Thổ Nhĩ Kỳ thỉ việc này sẽ làm tổn hại uy tín của Nga về thực thi các nghĩa vụ quốc tế trong lĩnh vực thương mại ư? Tổn thất này đâu có đáng kể. Còn về tương lai gần, những gì mới đàm phán được, chưa trở thành các nghĩa vụ của quan hệ thương mại song phương vốn tốt đẹp (của Nga) với Thổ Nhĩ Kỳ, nay trở thành điều không còn hy vọng.

Điều gì đã xảy ra? Giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về nhiều mặt đã có quan hệ kinh tế chặt chẽ, từ lâu đã đặt nền móng cho mối liên kết kinh tế hôm nay. Các công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ làm việc trên thị trường Nga từng thực hiện những dự án trị giá hơn 20 tỉ USD. Các lĩnh vực đầu tư và thương mại khác cũng rất tích cực. Sau vụ bắn hạ máy bay, không thể trông chờ ở chính quyền Nga mối quan tâm từng có được tới giới doanh thương Thổ Nhĩ Kỳ”.

Sau các tuyên bố gần đây của giới chức hai nước về đòn trừng phạt kinh tế, và lập trường rắn của tống thống Thổ Nhĩ Kỳ, tác giả Ali Sirmen trên báo Cumhuriyet đã gọi sự đối đầu này của nguyên thủ hai nước là Sultan chống Sa Hoàng (Sultan ve Çar – một khái niệm lập tức trở thành nhan đề nhiều bài báo ở châu Âu và Nga – người lược dịch chú). “Điều quan trọng trong chính sách đối ngoại của Putin là các đòn trả đũa, chính vì thế việc bắn hạ Su – 24 không thể không dẫn đến (đòn) đáp lại”. Một khi Sultan nói về quan hệ tốt với NATO, nhưng lại bị cáo buộc là “quan hệ với khủng bố”, ông ta thấy hơi nguy hiểm, vậy “nên chăng, thay đổi vương miện (nguyên văn image – hình hài) Sultan, hay thậm chỉ từ bỏ nó”, tác giả Ali Sirmen kết bài viết trên báo Cumhuriyet, số ra thứ sáu 27/11/2015.

Vài ngày sau, các hãng thông tin trong ngoài nước đưa tin tổng thống Erdoğan tuyên bố ông sẽ từ chức, nếu cáo buộc của Putin, là Thổ Nhĩ Kỳ buôn bán dầu với IS, được minh chứng...

Theo  Lê Đỗ Huy (VHNA)