Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất cứ đề xuất hoặc hành động nào dựa trên phán quyết của tòa án quốc tế về tranh chấp Biển Đông, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố ngày 12/7 sau khi Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết lịch sử, Tân Hoa Xã cho biết.
Trong một bản tin được Tân Hoa Xã phát sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague, ông Tập tuyên bố rằng chủ quyền lãnh thổ cũng như lợi ích biển của Trung Quốc ở Biển Đông, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng không bị tác động bởi phán quyết của tòa án quốc tế.
Ông Tập Cận Bình đưa ra phát biểu trên trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Bắc Kinh “Chúng tôi kiên trì nhấn mạnh việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và đàm phán trực tiếp về một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp với các nước liên quan trực tiếp, dựa trên việc tôn trọng lịch sử và phù hợp với luật pháp quốc tế”, ông Tập phát biểu.
Theo South China Morning Post (SCMP), trong phán quyết ngày 12/7, phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế đã nêu rõ Bắc Kinh vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Philippines ở Biển Đông. Ông Tập Cận Bình đưa ra tuyên bố trên sau sau không Tusk cảnh báo Trung Quốc nên tôn trọng hệ thống quốc tế.
Phát biểu với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc, ông Tusk kêu gọi Trung Quốc bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và nói rằng nhiệm vụ này “có thể là thách thức lớn nhất phía trước chúng ta”.
SCMP lưu ý Tòa Trọng tài Thường trực cũng tuyên rằng thực thể địa lý duy nhất do Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông là Ba Bình cũng chỉ được hưởng quy chế là đá chứ không phải đảo (nghĩa là không có vùng đặc quyền kinh tế EEZ 200 hải lý và vùng thềm lục địa). Phủ tổng thống Đài Loan đã lên tiếng bác bỏ phán quyết.
Phát ngôn viên bộ ngoại giao MỹJohn Kirby cho biết Mỹ hy vọng cả Trung Quốc và Philippines sẽ tuân thủ phán quyết của tòa. “Chúng tôi yêu cầu tất cả các bên tuyên bố chủ quyền tránh các phát ngôn hay hành động khiêu khích. Phán quyết này có thể và nên được sử dụng như một cơ hội mới để làm mới những nỗ lực nhằm giải quyết các tranh chấp biển một cách hòa bình. Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông, bao gồm việc thông qua trọng tài”, ông Kirby nói.
“Phán quyết này là một đòn pháp lý nặng nề đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ giận dữ đáp trả, chắc chắn sẽ có những phát biểu đại ngôn và có thể thông qua những hành động hung hăng hơn trên biển”, SCMP dẫn lời chuyên gia Ian Storey ở Singapore nhận định.
Tờ Strait Times của Singapore dẫn phân tích của Li Mingjiang, chuyên gia về châu Á - Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, dự đoán hành động của Bắc Kinh sau phán quyết.
Ông Li cho rằng, dù phán quyết của Tòa Trọng tài bất lợi cho Trung Quốc, nước này cũng sẽ không rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) bởi Bắc Kinh vẫn còn nhiều lợi ích tại các vùng biển khác cần được công ước bảo vệ, ví dụ như ở Ấn Độ Dương. Theo ông Li thêm rằng tất cả các bên liên quan cần kiềm chế để không kích động những phản ứng gay gắt hơn từ phía Trung Quốc.
RFI của Pháp dẫn lời giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc dự đoán Trung Quốc có thể sẽ tiến hành một chiến dịch tuyên truyền "gây sốc và gieo hoang mang" sau phán quyết.
Ông Thayer dự đoán, Trung Quốc sẽ nắm bắt mong muốn của tổng thống Philippines để mở các cuộc đàm phán sau khi Tòa ra phán quyết. Bắc Kinh sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận với Philippines và phớt lờ các phán quyết. Có thể đó là hình thức tài trợ cho cơ sở hạ tầng, như dự án đường sắt tàu cao tốc giữa Manila và Clark, và gây áp lực với tổng thống Duterte giảm bớt sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines, đổi lại hai bên sẽ có quan hệ song phương tốt hơn.
Điều cơ bản là Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện dân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, thông qua việc xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng hơn, đưa nhiều quan chức chính phủ ra đó hơn và thậm chí tổ chức cho các nước trong khu vực tới thăm những nơi này. Trung Quốc sẽ không gia tăng quân sự hóa các đảo nhân tạo ngay lập tức mà sẽ tiến hành từng bước. Trung Quốc quan tâm theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Theo ông Thayer, Mỹ sẽ phối hợp ngoại giao cùng với các nước có lập trường tương tự để gây sức ép đòi Trung Quốc tuân thủ phán quyết. Mỹ sẽ cảnh giác duy trì một sự hiện diện quân sự nhằm ngăn ngừa Trung Quốc tiến hành xây dựng tại bãi cạn Scarborough. Và Washington sẽ cố gắng củng cố mối quan hệ với chính quyền của tân tổng thống Duterte nhằm ngăn cản mọi khả năng tiến tới của Trung Quốc.