“Mỹ sẽ tiến hành thêm nhiều chuyến tuần tra phức tạp hơn trong tương lai. Chúng tôi sẽ điều máy bay và tàu tới vùng biển và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, Reuters dẫn lời Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 24/2.
Theo ông Harris, Mỹ phải duy trì hoạt động trên Biển Đông để chứng minh rằng vùng biển và không phận trên khu vực này là của quốc tế.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ yêu cầu Washington hành động nhiều hơn để ngăn quân sự hóa hóa ở Biển Đông. Theo ông, Washington có thể triển khai thêm thiết bị hải quân tại vùng biển này, dù gặp nhiều rào cản tài chính, ngoại giao và chính trị. Ông Harris gợi ý Mỹ có thể cân nhắc đưa tàu ngầm tấn công, tàu khu trục tăng cường tới Biển Đông hay triển khai nhóm tàu sân bay tấn công tới Tây Thái Bình Dương.
Washington từng điều một tàu khu trục vào vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Mỹ cũng tiến hành tuần tra trên biển và trên không gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép tại Trường Sa, với việc điều máy bay ném bom B-52 tới khu vực này hồi tháng 11/2015.
Chỉ trong một tuần trở lại đây, Trung Quốc đã liên tiếp có những hành vi gây lo ngại nghiêm trọng ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 16/2, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai các tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa. Đến ngày 22/2, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho biết Trung Quốc đã xây dựng các tháp radar trên 4 đảo nhân tạo ở Trường Sa. Ngày 23/2, các nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ J-11 và JH-7 đến đảo Phú Lâm.
Người đứng đầu Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ nhận định, việc Trung Quốc một lần nữa điều máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là "xu hướng đáng lo ngại".
"Nó không phù hợp với cam kết của Bắc Kinh nhằm tránh các hành động có thể làm leo thang căng thẳng", ông Harris nói. Lần đầu tiên Trung Quốc đưa J-11 trái phép tới đảo Phú Lâm là tháng 11/2015.
Trong những tuyên bố phản đối hành vi phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam luôn khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 19/2, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối tới phía Trung Quốc, trước việc nước này xây căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa và đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cũng đã có công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Đại sứ quán Trung Quốc nói trên.
Theo Zing