Ý chí "quyết thắng" từ trong bom đạn !

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – 56 năm về trước, quân dân Hàm Rồng (Thanh Hóa) không tiếc máu xương chiến đấu vô cùng anh dũng với tinh thần và ý chí quyết thắng, trong 2 ngày đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ.    
 Hai chữ Quyết Thắng được tạc vào sườn núi Cánh Tiên những ngày chiến đấu ác liệt ( những năm 60 thế kỷ 20) đứng xa cả chục km vẫn nhìn thấy rõ
Hai chữ Quyết Thắng được tạc vào sườn núi Cánh Tiên những ngày chiến đấu ác liệt ( những năm 60 thế kỷ 20) đứng xa cả chục km vẫn nhìn thấy rõ

Mỗi lần về lại mảnh đất Hàm Rồng (Thanh Hóa) lịch sử, những người đã từng chiến đấu, công tác nơi đây trong những năm tháng chiến tranh ác liệt không khỏi bùi ngùi xúc động. Bởi, khu vực Hàm Rồng từ ngàn xưa đã là di tích, danh lam thắng cảnh và chứa đựng biết bao huyền thoại trong quá trình dựng nước và giữ nước. Hàm Rồng, thắng tích nổi tiếng, nơi đây sông, núi, ruộng đồng, làng xóm, phố xá hòa quyện đan xen vào nhau tạo thành cảnh quan kỳ vĩ rất sinh động với nhiều di tích lịch sử, văn hóa...còn sống mãi với thời gian. Tất cả những di tích, danh thắng ấy góp phần hun đúc khí phách của người xứ Thanh vừa nhân văn, thủy chung son sắt vừa kiên trung rực lửa anh hùng!

Ngay trong những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại ra miền Bắc của giặc Mỹ, cầu Hàm Rồng là trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch. Dưới đất và trên bầu trời Hàm Rồng vào 2 ngày, mùng 3-4 tháng 4 năm 1965, lưới lửa phòng không nơi đây cùng với không quân non trẻ đã bắn tan xác 47 máy bay của kẻ thù. Tọa độ lửa với bom rơi đạn nổ khốc liệt hòng khất phục quân dân Hàm Rông- Nam Ngạn- Yên Vực nói riêng, Thanh Hóa nói chung.

Nhưng, càng khốc liệt bao nhiêu, tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng của quân dân nơi đây càng được nhân lên bấy nhiêu, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Sức mạnh đó được biểu thị bằng 2 chữ "Quyết thắng" tạc vào sườn núi Cánh Tiên trải qua cả ngàn ngày vừa chiến đấu vừa góp nhặt từng viên đá dựng lên, cách xa trên 10km vẫn nhìn thấy rõ.

Cầu Hàm Rồng nhân chứng lịch sử

Cầu Hàm Rồng nhân chứng lịch sử

Thời gian trôi đi, chiến tranh lùi xa, đất nước lại trải qua những năm tháng bao cấp, kinh tế nghèo nàn , khó khăn, đời sống nhân dân hết sức gian nan vất vả, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa phải chạy ăn từng bữa mà đỉnh cao là những năm 80 của thế kỷ 20. Thêm vào đó, thiên tai, bão lũ thường xuyên tàn phá để lại hậu quả hết sức nặng nề. Các công trình phục vụ sản xuất , các công trình văn hóa, di tích phục vụ đời sống tinh thần bị hư hỏng nặng thậm chí thành phế tích. Hai chữ " Quyết thắng" trên sườn núi Cánh Tiên gần như không còn gì. Không ai còn nhìn thấy "tinh thần quyết thắng sừng sững" được tạc vào sườn núi đâu nữa! Núi Cánh Tiên " cô đơn" chỉ còn cỏ cây rậm rạp đứng đó cùng với cây cầu Hàm Rồng - chứng nhân lịch sử trầm mặc như thực như mơ cùng năm tháng!

Chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 25 năm Hàm Rồng chiến thắng ( 3-4/4/1965- 3-4/4.1990) tỉnh Thanh Hóa quyết định phục dựng lại một số công trình ở Khu vực Hàm Rồng, trong đó có hai chữ "Quyết thắng" và giao công trình này cho Tỉnh đoàn Thanh Hóa thực hiện với kinh phí 23 triệu đồng.

Một cơ quan chuyên làm công tác vận động quần chúng giờ đây được giao nhiệm vụ xây dựng lại hai chữ Quyết thắng đúng nguyên mẫu mà cha anh vừa chiến đấu vừa dựng lên vào những năm 60 của thế kỷ trước, không hề đơn giản. Vào những ngày quý 3 năm 1989 Ban Thường vụ Tỉnh đoàn họp nhiều lần bàn kế hoạch thực hiện và cuối cùng giao cho tôi (tác giả bài viết này) lúc đó là Trưởng Ban tuyên huấn Tỉnh đoàn Thanh Hóa tổng chỉ huy công trình.
Nói là tổng chỉ huy cho " oách" thực ra là chịu trách nhiệm trước ban thường vụ đôn đốc, cập nhật tiến độ xây dựng. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn lựa chọn và giao cho Đội xây dựng 26.3 thuộc Công ty xây dựng 1 nay là Tổng công ty xây dựng Thanh Hóa (Công ty CP) do anh Hoàng Văn Tuấn, chuyên trách Tỉnh đoàn, Bí thư đoàn Công ty, Đội trưởng đội xây dựng 26.3 thi công.

Yêu cầu đặt ra phải xây dựng lại hai chữ "quyết thắng" đúng phom chữ và kích cỡ ngày xưa mà quân dân Hàm Rồng dựng lên trên vách núi Cánh Tiên.

Tôi còn nhớ mãi buổi gặp gỡ giao nhiệm vụ cho Đội xây dựng 26.3 vào khoảng tháng 10.1989, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa Nguyễn Văn Bảo nói: đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang vì các bạn trong Đội xây dựng 26.3 cũng như thế hệ trẻ tỉnh nhà tiếp bước truyền thống cha anh phục dựng lại một trong những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hai chữ Quyết thắng mà lớp lớp cha anh đã dựng xây trong mưa bom bão đạn. Bí thư Tỉnh đoàn cũng không quên nhắn nhủ anh Hoàng Văn Tuấn đội trưởng: bất luận trong trường hợp như thế nào công trình cũng phải hoàn thành trước ngày kỷ niệm 3-4/4/1990 để kịp hòa chung vào các hoạt động chào mừng kỷ niệm 25 năm Hàm Rồng chiến thắng...

Trận địa Đồi C4 anh hùng gần cầu Hàm Rồng- Di tích lịch sử quốc gia

Trận địa Đồi C4 anh hùng gần cầu Hàm Rồng- Di tích lịch sử quốc gia

Có thể nói, mặc dù công trình phục dựng lại hai chữ "Quyết thắng" không lớn nhưng diễn ra ở địa hình hết sức phức tạp và khó khăn. Sườn núi Cánh Tiên dốc 45 độ, toàn bộ hàng trăm khối đá bị thời gian và thiên tai tàn phá không còn gì. Khảo sát thực địa, chúng tôi càng bất ngờ trước dấu vết còn lại của hai chữ Quyết thắng. Xác định chuẩn dấu vết, đo đếm cẩn thận, tỉ mỉ thì khối lượng đá các loại được quân dân Hàm Rồng nhặt để xếp thành chữ khoảng 500 m3. Cứ tưởng nét chữ chiều rộng, chiều dài và độ cao cũng bình thường, ai dè khi căng thước ra đo trên dấu vết còn lại thì mỗi nét chữ có chiều rộng 2m, chiều dài 10m, tổng chiều dài hai chữ "Quyết thắng" trên 100m. Bắt tay vào thi công lại càng thấy khó khăn chồng chất, nếu không khai thác và tận dụng đá tại chỗ mà vận chuyển đá từ dưới chân núi mang lên vừa gian nan vất vả, vừa chậm tiến độ. Rồi cơm nước phục vụ cho khoảng 40 công nhân làm việc, nước cho việc đánh hồ, công tác an toàn lao động khi thi công, nhất là vận chuyển đá (thủ công) ngược dốc 45 độ trong thời tiết không thuận lợi...Tất cả đều được tính toán chu đáo. Trong quá trình thi công, Đội xây dựng 26.3 nhận được sự chi viện rất kịp thời của cán bộ nhân viên Trạm phát sóng thuộc Đài PT-TH Thanh Hóa thường trực trên đỉnh núi Cánh Tiên

Vượt lên trên tất cả khó khăn, gian khổ, bằng sức mạnh của tuổi trẻ, với sự lao động hăng say, kiên trì, sáng tạo, hai chữ Quyết thắng được xây dựng lại với gần 500m3 đá, sừng sững hiên ngang trên sườn núi Cánh Tiên đúng vào dịp kỷ niệm. Ý chí Quyết thắng tiếp tục lay động niềm tự hào và xúc động của các thế hệ không chỉ người dân xứ Thanh. Đồng thời truyền cảm hứng lan tỏa cho các thế hệ hôm nay và mai sau...

Còn tôi cùng anh Bùi Hữu Dược (nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ), lúc đó là cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh đoàn, người cùng với tôi và anh Hoàng Văn Tuấn, đội trưởng trực tiếp chỉ đạo thi công càng bồi hồi xúc động mỗi lần nhắc đến Hàm Rồng, mỗi dịp đi qua nơi này phóng tầm mắt nhìn lên trên núi Cánh Tiên. Tôi cứ miên man liên tưởng có lẽ khí phách hiên ngang, tinh thần Quyết thắng năm xưa đã truyền lửa cho thế hệ hôm nay tiếp tục làm nên những kỳ tích mới trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước...