Xung đột biên giới Trung - Ấn nguy cơ trở thành cuộc chiến trên các lĩnh vực khác

VietTimes – Căng thẳng trong quan hệ Trung - Ấn sau vụ xung đột ở Thung lũng Galwan đã lan sang các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, thương mại và viễn thông...trong khi vẫn đổ trách nhiệm cho nhau.
Căn cứ hình ảnh vệ tinh, Ấn Độ cho rằng lính Trung Quốc đã vượt qua tuyến kiểm soát thực tế sang phần đất phía Ấn Độ xây dựng các công sợ, trận địa (Ảnh: Đa Chiều).
Căn cứ hình ảnh vệ tinh, Ấn Độ cho rằng lính Trung Quốc đã vượt qua tuyến kiểm soát thực tế sang phần đất phía Ấn Độ xây dựng các công sợ, trận địa (Ảnh: Đa Chiều).

Ấn Độ: Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tình trạng đối đầu và vụ xung đột...

Theo trang tin Đông Phương, Hồng Kông ngày 26/6, ông Anurag Shrivastava, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, hôm thứ Năm (25/6) đã tố cáo Trung Quốc vi phạm các hiệp định song phương và triển khai một số lượng lớn binh lính và vũ khí ở một đoạn biên giới miền núi, dẫn đến một cuộc xung đột giữa lực lượng quân đội ở biên giới Trung Quốc và Ấn Độ vào ngày 15 tháng này.

Ông nói, kể từ tháng 5, Trung Quốc đã tập kết một số lượng lớn quân đội và vũ khí dọc theo đường kiểm soát thực tế (LAC). Hành vi của quân đội Trung Quốc hoàn toàn coi thường các nguyên tắc mà hai bên đã đồng ý. Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về cuộc đối đầu ở phía đông Ladakh và chịu trách nhiệm về cuộc xung đột xảy ra ở Thung lũng Galwan hôm 15/6.

Theo ông Anurag Shrivastava nói, vào đầu tháng 5, phía Trung Quốc đã hành động để “cản trở hoạt động tuần tra bình thường, truyền thống" của quân đội Ấn Độ tại Thung lũng Galwan, đồng thời tìm cách thay đổi hiện trạng ở các khu vực khác của đoạn biên giới phía Tây vào giữa tháng 5. Ông nói: "Điều này không phù hợp các điều khoản của nhiều hiệp định song phương mà chúng tôi đã ký, bao gồm một hiệp ước năm 1993 quy định hai bên sẽ duy trì việc hạn chế triển khai quân ở biên giới”.

Ông Anurag Shrivastava: Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về cuộc đối đầu ở phía đông Ladakh và cuộc xung đột xảy ra ở Thung lũng Galwan hôm 15/6 (Ảnh: business-standard).
Ông Anurag Shrivastava: Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về cuộc đối đầu ở phía đông Ladakh và cuộc xung đột xảy ra ở Thung lũng Galwan hôm 15/6 (Ảnh: business-standard).

Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ dẫn nguồn tin cho biết hình ảnh và dữ liệu vệ tinh cho thấy quân đội Trung Quốc đã hoạt động ở khu vực Ladakh có tranh chấp chủ quyền kể từ cuối tháng 5, định thiết lập các trận địa và tuyến phòng thủ mới ở đó. Ngoài ra, quân đội Ấn Độ xác nhận tướng Manoj Naravane, Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, đã đến tiền tuyến phía đông Ladakh để kiểm tra việc triển khai các hoạt động trên mặt đất và tình trạng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị.

Các báo Ấn Độ trích dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết quân đội Trung Quốc kể từ tháng 5 đã tiến hành các hoạt động quân sự ở phía đông Daulat Beg Oldi, Ladakh. Bắt đầu từ tháng này, các lán trại và xe cộ mới đã xuất hiện trong các doanh trại quân đội Trung Quốc được thành lập trước đó năm 2016 ở gần Tuyến kiểm soát thực tế Trung Quốc-Ấn Độ (LAC).

Theo các báo, hình ảnh vệ tinh cho thấy ở cả hai phía của đường kiểm soát thực tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Thung lũng Galwan, Trung Quốc đã thiết lập các boongke và nhà ở trước đây không có dọc theo các vách đá. Thiếu tướng về hưu Ramesh Padhi, nói rằng những hình ảnh này cho thấy PLA đang xây dựng các vị trí phòng thủ và bố trí các xe cộ hạng nặng trên tuyến kiểm soát thực tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ, thể hiện Trung Quốc có ý định ở lại đó lâu dài.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy lính Trung Quốc xây dựng công sự, cơ sở trên đất phía Ấn Độ (Ảnh: Đông Phương).
Hình ảnh vệ tinh cho thấy lính Trung Quốc xây dựng công sự, cơ sở trên đất phía Ấn Độ (Ảnh: Đông Phương).

Trung Quốc: trách nhiệm thuộc về phía Ấn Độ!

Chiều thứ Tư (24/6), Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo, Ngô Khiêm, Cục trưởng Cục Thông tin và phát ngôn viên bộ này nói, trách nhiệm về cuộc xung đột biên giới Trung-Ấn gần đây hoàn toàn thuộc về phía Ấn Độ.  

Ngô Khiêm nói, Trung Quốc có chủ quyền đối với khu vực Thung lũng Galwan và các lực lượng biên giới luôn tuần tra ở đây. Kể từ tháng 4 năm nay, các lực lượng phòng thủ biên giới Ấn Độ đã đơn phương xây dựng các cơ sở trong khu vực, phía Trung Quốc đã nhiều lần giao thiệp và phản đối. Sáng ngày 6/5, lính biên phòng Ấn Độ đã vượt tuyến và xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc để xây dựng hàng rào, ngăn chặn việc tuần tra bình thường của lính biên phòng Trung Quốc và định đơn phương thay đổi hiện trạng kiểm soát biên giới. Phía Trung Quốc “buộc phải thực hiện các biện pháp cần thiết để tăng cường ứng phó tại chỗ và kiểm soát khu vực biên giới”.

Theo ông Ngô Khiêm, “hai bên đã tổ chức cuộc họp cấp quân đoàn đầu tiên vào ngày 6/6, thỏa thuận thực hiện các biện pháp để giảm nhiệt tình hình ở khu vực biên giới. Phía Ấn Độ hứa sẽ không vượt qua cửa sông Galwan tuần tra và xây dựng các cơ sở; hai bên đồng ý rút quân theo từng đợt thông qua gặp gỡ bàn bạc giữa các chỉ huy tại chỗ. Tuy nhiên, tối ngày 15/6 lính biên phòng Ấn Độ đã vi phạm sự đồng thuận mà hai bên đạt được, một lần nữa vượt tuyến cố tình khiêu khích phía Trung Quốc. Khi đang đàm phán tại chỗ, các sĩ quan và binh sĩ Trung Quốc bất ngờ bị phía Ấn Độ tấn công bạo lực, gây ra xung đột thể xác dữ dội giữa hai bên, dẫn đến thương vong”.

Ngô Khiêm, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc: trách nhiệm về cuộc xung đột biên giới Trung-Ấn gần đây hoàn toàn thuộc về phía Ấn Độ (Ảnh: Đông Phương).
Ngô Khiêm, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc: trách nhiệm về cuộc xung đột biên giới Trung-Ấn gần đây hoàn toàn thuộc về phía Ấn Độ (Ảnh: Đông Phương). 

Ngô Khiêm cho rằng “vụ việc này hoàn toàn do Ấn Độ vi phạm đồng thuận và đơn phương khiêu khích; xảy ra hoàn toàn ở phía Trung Quốc trên tuyến kiểm soát thực tế được cả hai bên công nhận và trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Ấn Độ”.  

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng nhấn mạnh trách nhiệm về cuộc xung đột biên giới Trung-Ấn không phải là của Trung Quốc. Ông hy vọng Ấn Độ sẽ tuân thủ các cuộc đàm phán cấp quân đoàn giữa hai bên, nhanh chóng hạ nhiệt tình hình tại chỗ và căn cứ các hiệp nghị đạt được giữa hai nước, duy trì hòa bình, an ninh ở biên giới.

Ngoài ra, ông Tôn Vệ Đông, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ấn Độ hôm 25/6 đã nhắc lại, cuộc xung đột ở Thung lũng Galwan hoàn toàn do phía Ấn Độ gây nên, trách nhiệm không thuộc về phía Trung Quốc. Ông phê phán phía Ấn Độ tấn công bạo lực các nhân viên Trung Quốc trước khiến vụ việc trở lên lớn chuyện.  

Tình hình căng thẳng lan sang các lĩnh vực khác

Do ảnh hưởng của tình hình đối đầu ở biên giới, nhất là sau vụ xung đột đẫm máu hôm 15/6, khắp Ấn Độ đã dấy lên các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, kêu gọi tẩy chay người Trung Quốc và hàng hóa Trung Quốc. Hôm 24/6 hải quan cảng Chennai Ấn Độ đã thu giữ số lượng lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để kiểm tra. Tin cho biết, hàng hóa bị thu giữ bao gồm các sản phẩm của các công ty Mỹ Apple, Cisco, Dell và xe hơi Ford. Có ý kiến phân tích nói, tranh chấp Trung-Ấn có thể phá vỡ chuỗi cung ứng quốc tế và các nhóm vận động hành lang của công ty Mỹ cũng lo ngại rằng các hành động của Ấn Độ sẽ gây tổn hại cho sự ổn định thương mại.

Hải quan Chennai, Ấn Độ thu giữ số lượng hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc để kiểm tra (Ảnh: Đông Phương).
Hải quan Chennai, Ấn Độ thu giữ số lượng hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc để kiểm tra (Ảnh: Đông Phương).

Truyền thông Anh trích dẫn tin tức rằng phía Ấn Độ đã bắt giữ hàng nhập khẩu của Trung Quốc tại cảng Chennai lớn nhất Ấn Độ. Mặc dù chính phủ chưa chính thức công bố mệnh lệnh, nhưng hải quan đã thông báo cho nhà nhập khẩu: hàng nhập khẩu của Trung Quốc không được rời khỏi cảng trước khi trải qua các cuộc kiểm tra bổ sung. Bộ Tài chính Ấn Độ phụ trách thương mại và các hãng Apple, Cisco và Dell chưa lên tiếng.

Công ty Ford cho biết, có những linh phụ kiện chính bị mắc kẹt tại cảng Chennai và họ đang hợp tác với chính quyền Ấn Độ, nộp các tài liệu và đơn từ cần thiết. Một số lô dược phẩm cũng bị giữ lại. Có công ty dược nói đã nhận được thông báo mỗi lô hàng sẽ phải được kiểm tra chi tiết, sẽ mất ít nhất một tuần. Theo báo cáo, hàng hóa của nhà thầu Apple tại Ấn Độ và công ty công nghệ Đài Loan Foxconn cũng bị ảnh hưởng.

Diễn đàn đối tác chiến lược Mỹ-Ấn Độ (USISPF) ngày 23/6 đã gửi thư cho Bộ Thương mại Ấn Độ nói chính quyền đột nhiên dừng làm thủ tục hải quan hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và nước khác tại hầu hết các sân bay và bến cảng. Bức thư nói rằng động thái này sẽ "gửi một tín hiệu đáng lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc tìm kiếm một thị trường minh bạch và có thể dự đoán được”.

Chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ chấm dứt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc với hơn 600 triệu USD. Các quan chức bang Maharashtra hôm 22/6 nói họ đang đợi chỉ thị từ chính quyền trung ương về có nên tiếp tục thực hiện thỏa thuận với công ty Trung Quốc không?

Biểu tình chống Trung Quốc diễn ra tại nhiều nơi trên khắp Ấn Độ (Ảnh: Đông Phương).
Biểu tình chống Trung Quốc diễn ra tại nhiều nơi trên khắp Ấn Độ (Ảnh: Đông Phương).

Chính quyền Ấn Độ cho biết, giao dịch thương mại bị ảnh hưởng nhiều nhất ở Maharashtra là thỏa thuận hợp tác gần 500 triệu USD với Công ty ô tô Trường Thành Trung Quốc. Các thỏa thuận khác liên quan đến Công ty Cơ khí Hằng Lực   và hãng ô tô Foton có trụ sở tại Bắc Kinh đã thành lập một liên doanh với công ty xe buýt điện Ấn Độ PMI.

  Trang tin Đông Phương ngày 26/6 đưa tin, vụ xung đột đẫm máu ở biên giới, đã gây nên làn sóng người dân Ấn Độ tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Hiệp hội doanh nghiệp khách sạn và nhà hàng Delhi (DHROA) cho biết các công ty thành viên sẽ không cung cấp dịch vụ lưu trú khách sạn hoặc ăn ở cho công dân Trung Quốc, liên quan đến khoảng 3.000 khách sạn hoặc nhà nghỉ, chủ yếu là hạng 3 đến 4 sao. Hiệp hội cũng khuyến khích các công ty thành viên ngừng sử dụng các sản phẩm của Trung Quốc.

Ông Sandeep Khandelwal, chủ tịch của DHROA, cho biết động thái này là để ủng hộ chính phủ Ấn Độ trong tình hình Trung Quốc và Ấn Độ giống như chiến tranh. Ông nói: "Tại sao chúng ta lại để họ kiếm tiền từ Ấn Độ?". Trong đại dịch COVID-19, lượng khách Trung Quốc tới Ấn không nhiều, một số khách sạn vẫn đóng cửa; vì vậy động thái này mang ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn.

Ngoài ra, làng Kondhawe-Dhawade ở Pune, bang Maharashtra, đã thông qua quyết định cấm sử dụng sản phẩm Trung Quốc vào hôm 24/6 như một điều kiện tiên quyết cho tất cả các cuộc đấu thầu; yêu cầu các nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng không được sử dụng các sản phẩm và máy móc do Trung Quốc sản xuất. Đồng thời, kêu gọi các chủ cửa hàng địa phương không bán điện thoại di động thương hiệu Trung Quốc và ưu tiên tiêu thụ các sản phẩm địa phương.

Cơ quan an ninh mạng nói trong mấy ngày gần đây đã gánh chịu hơn 40 ngàn cuộc tấn công mạng của tin tặc đến từ Thành Đô, Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).
Cơ quan an ninh mạng nói trong mấy ngày gần đây đã gánh chịu hơn 40 ngàn cuộc tấn công mạng của tin tặc đến từ Thành Đô, Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).

Việc Ấn Độ tiếp diễn làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc khiến các công ty mua sắm trực tuyến như Amazon đã quyết định hiển thị nguồn gốc của hàng hóa. Có tin chi nhánh của hãng điện thoại di động Trung Quốc Xiaomi tại các thành phố lớn ở Ấn Độ đã dán lên biển hiệu dòng chữ tiếng Anh “Made in India” để tránh bị người biểu tình phá hoại.

Ngoài ra, cơ quan an ninh mạng bang Maharashtra cho biết hôm 23/6, trong 4 đến 5 ngày qua có tới 40.300 cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc đã được phát hiện nhắm vào các mục tiêu thông tin, cơ sở hạ tầng và ngân hàng; hầu hết các vụ tấn công đến từ Thành Đô, Tứ Xuyên.

Một thành viên của cơ quan an ninh mạng Maharashtra cho biết: "Trong vài ngày qua, các tài nguyên không gian mạng của Ấn Độ, đặc biệt liên quan đến thông tin, cơ sở hạ tầng và ngân hàng, đã phải chịu ít nhất 40.300 cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc. Hầu hết được truy xuất từ khu vực Thành Đô”. Chính quyền Ấn Độ cảnh báo các tin tặc Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công "nhử mồi câu" quy mô lớn, có thể tiến hành tấn công mạng với tin nhắn mời "xét nghiệm COVID-19 miễn phí".