Sau 10 vòng đấu có 169 bàn thắng (không phải 183 như thống kê của VPF) được ghi, trong đó 104 bàn được ghi sân nhà, 65 bàn sân khách. Như thế, ngoại trừ TP.HCM và HAGL có thành tích sân khách tương đối tốt, các đội còn lại đều chủ yếu có điểm khi đá sân nhà.
Sân nhà - sân khách
5 đội gồm Quảng Nam và 4 đội chót bảng xếp hạng là B.Bình Dương, Thanh Hóa, SHB.Đà Nẵng và Nam Định thậm chí chưa có trận thắng nào trên sân khách. Ngược lại Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Nghệ An, TP.HCM và Thanh Hóa chưa hề thất bại trên sân nhà. SLNA đang là đội có thành tích sân nhà đứng thứ 4 với 11 điểm (3 thắng, 2 hòa) và duy nhất tuyển thủ Lê Tấn Tài (B.Bình Dương) chọc thủng lưới Nguyên Mạnh. Đến sân Vinh mà đội khách cứ xông lên đôi công là trắng tay, còn đá phòng ngự nhập nhằng kiểu Nam Định, S.Khánh Hòa là “có quà”, các HLV V-League tổng kết thế.
Đương kim vô địch V.League Hà Nội là đội “vô địch sân nhà”, duy nhất toàn thắng trên sân nhà với 5 trận họ nã vào lưới đối thủ 16 bàn, chỉ để lọt lưới 3 bàn. SLNA từng là nạn nhận với 4 bàn không gỡ, tối tăm mặt mày khi đến làm khách trên sân Hàng Đẫy. Ngay cả TP.HCM có thành tích sân khách tốt thế mà cũng không thể chống cự nổi thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm.
Đến nay duy nhất thầy trò HLV Võ Đình Tân và khán giả sân 19/8 Nha Trang chưa từng được hưởng niềm vui chiến thắng. 4 trận sân nhà S.Khánh Hòa hòa 1 trận và thua 3, cũng dễ hiểu vì sao họ lại đang đứng chót bảng xếp hạng. Ngược lại, TP HCM chứ không phải Hà Nội đang đứng đầu V.League 2019.
Bàn thắng từ các tính huống cố định
TP HCM là đội đang có thành tích sân khách tốt nhất V.League 2019 (ảnh VPF) |
Nhiều nhất có 59 bàn thắng (tỷ lệ 35%) được ghi từ các pha dàn xếp cố định, 57 bàn thắng (tỷ lệ 33%) từ việc cầm bóng tổ chức tấn công và chỉ có 49 bàn thắng (tỷ lệ 29%) từ các pha phòng ngự phản công, còn lại có 4 bàn phản lưới nhà. Sài Gòn là đội có 2 bàn phản lưới nhà, 1bàn dành cho Quảng Nam, 1 bàn của SHB.Đà Nẵng.
Tất cả các HLV V.League đều cho rằng, không phải TP.HCM mà đối phó với hàng công của Hà Nội mới vất vả nhất. Họ tấn công đa dạng và có khá nhiều phương án ghi bàn, trong 22 bàn thắng của Quang Hải và đồng đội có 8 bàn do cầm bóng tổ chức tấn công, 8 bàn phản công và 6 bàn đá phạt.
Hà Nội là đội đã được trọng tài thổi tặng 5 quả penalty (ghi bàn 4), nhiều nhất V.League. Trong khi Than Quảng Ninh, sau khi Minh Tuấn ra đi đã mất “duyên penalty”, họ cùng với tân binh Viettel chưa được hưởng niềm vui này lần này.
Sở hữu nhiều cầu thủ có kỹ thuật như Thành Lương, Quang Hải, nên Hà Nội thường chơi bật nhả trong vòng 16,5m và đến nay có tới 21/22 bàn thắng được ghi trong khu vực này. Một lối đá gây khó chịu cho bất cứ đội bóng nào nếu như hệ thống phòng thủ không tốt.
HAGL là đội bóng chơi phòng ngự phản công hay nhất V-League 2019, tính đến thời điểm này. 13/18 bàn thắng của đội bóng phố Núi được ghi trong những pha phản công, hơn nhiều những đội xếp sau Hà Nội (8 bàn), TP.HCM (6 bàn). Văn Toàn chứ không phải Tuấn Anh đang là nhạc trưởng của lối chơi tốc độ, kỹ thuật này của HAGL.
Bất ngờ Hải Phòng
Khá bất ngờ khi Hải Phòng đang là đội tận dụng các tình huống cố định tốt nhất V.League sau 10 vòng đấu. HLV Trương Việt Hoàng có thể tự hào khi họ có 8 tình huống ghi bàn bởi miếng đánh này. Các cầu thủ đất Cảng có 4 tình huống ghi bàn từ phạt góc, 2 tình huống từ đá phạt, 1 tình huống penalty, 1 ném biên. Các ngoại binh trong đó chủ yếu Lynch và Fagan đã làm cho các hàng phòng ngự khác luôn chao đảo.
Chỉ tính riêng đá phạt góc thì TP.HCM và Hải Phòng là những đội tận dụng tình huống tốt nhất, với 4 bàn thắng được ghi. Đây là điều mà các cầu thủ SLNA cần nhớ khi sẽ vào sân Thống Nhất thi đầu vòng 11.