Chỉ còn vài ngày nữa nước Mỹ sẽ chính thức diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu cử Tổng thống.
Trước việc ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump sau cuộc bầu cử năm 2020 không chịu thừa nhận thất bại và những người ủng hộ ông xông vào Quốc hội gây bạo loạn; bang Washington đã quyết định điều động, triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia (National Guard, còn gọi là Citizen Soldier) vào dịp trước và sau Ngày bầu cử 5/11 để đề phòng tái diễn sự kiện tương tự.
Ông Jay Inslee, Thống đốc Washington, trong một bức thư ngỏ đã đề cập đến nguy cơ xảy ra bạo lực và hoạt động bất hợp pháp trong cuộc bầu cử năm nay. Ông tuyên bố: “Tôi đảm bảo rằng chúng tôi đã sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ để ứng phó”. Theo mệnh lệnh của ông, lực lượng Vệ binh Quốc gia ở bang này đã được đặt trong trạng thái sẵn sàng chờ lệnh.
Vào đầu tuần trước, một số thùng phiếu đã bị đốt cháy ở bang Washington. Ông Jay Inslee cho biết hàng trăm lá phiếu đã bị thiêu hủy trong các vụ tấn công đốt phá. Tại bang Washington, các cử tri có thể đi bỏ phiếu sớm. Theo thống kê của các học giả tại Đại học Florida, có hơn 2 triệu cử tri trên khắp nước Mỹ đã đi bỏ phiếu trước ngày 5/11.
Vấn đề nhập cư trở thành điểm nóng
Hiện nay, chiến dịch bầu cử Mỹ đã bước vào giai đoạn quyết liệt và một trọng tâm chính trong mặt chính trị nội bộ là vấn đề người nhập cư. Ông Trump thường đưa ra những phát biểu nhận xét thô thiển về người nhập cư, gọi họ là “kẻ xâm lược”, “đám buôn ma túy”, “những kẻ hiếp dâm” và đe dọa thực hiện chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ sau khi ông đắc cử.
Nhưng các chính sách nhập cư do đương kim Tổng thống Joe Biden thực hiện cũng bị coi là không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nhân đạo: trong mùa Hè này, ông đã đưa ra các quy định tị nạn chặt chẽ hơn, cho phép chính quyền từ chối đơn xin tị nạn mà không cần qua xem xét xử lý.
Ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris cũng có kế hoạch áp đặt lệnh cấm 5 năm đối với những người vượt biên trái phép nếu bà đắc cử. Các nhà phân tích chỉ ra rằng các ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm và một số lĩnh vực khác của Mỹ phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư, nhiều người trong số họ chính là được gọi là người nhập cư bất hợp pháp. Nếu các quy định nhập cư nghiêm ngặt hơn được thực hiện một cách hấp tấp, điều đó có thể đe dọa chuỗi cung ứng thực phẩm của Mỹ.
Vào ngày 1/11, Cục Điều tra Liên bang (FBI), Văn phòng An ninh mạng và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia đưa ra tuyên bố nói rằng một đoạn video có nội dung những người nhập cư Haiti tuyên bố họ đã bỏ phiếu nhiều lần trong quá trình thực hiện bỏ phiếu sớm là "hoàn toàn do các điệp viên Nga bịa đặt" và là “một phần trong nỗ lực của Nga nhằm nêu lên những nghi ngờ vô căn cứ về tính công bằng của cuộc bầu cử ở Mỹ và gây chia rẽ trong người dân Mỹ".
Tuy nhiên, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho rằng những cáo buộc của cơ quan tình báo Mỹ là vô căn cứ.
Tổ chức nhân quyền “Amnesty International” (Tổ chức Ân xá Quốc tế) đã lên tiếng cảnh báo Mỹ vi phạm nhân quyền trong các vấn đề như nhập cư. Tổ chức này chỉ ra rằng nước Mỹ từng khao khát trở thành một tấm gương toàn cầu trong lĩnh vực nhân quyền và pháp quyền, nhưng ông Trump phải chịu trách nhiệm về "những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình và Tổng thống Biden sắp mãn nhiệm, cũng vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền.
Amnesty International tuyên bố: “Bất kể ai thắng cử, điều quan trọng là phải để nhân quyền một lần nữa trở thành tiêu chuẩn mang tính quyết định cho việc ra quyết sách chính trị của Mỹ”.
Trump hay Harris: Giới tỷ phú Mỹ lựa chọn phe như thế nào?
Các gia tộc siêu giàu dùng tiền làm "ngập" bầu cử Mỹ, tầm ảnh hưởng ra sao?
Ông Trump hứa gây chia rẽ giữa Nga và Trung Quốc nếu đắc cử
Theo Deutsche Welle