Trong Báo cáo chiến lược đầu tư 2021, các chuyên gia phân tích của CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDS) dự báo VND sẽ dao động trong biên độ 0,5% so với đồng USD trong năm 2021.
Theo VNDS, triển vọng đồng VND mạnh lên có một số tác động tích cực đến nền kinh tế, bao gồm: (1) kích thích dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, (2) giảm bớt gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài, (3) giảm bớt mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Việt Nam cũng như giảm nhẹ cáo buộc “thao túng tiền tệ” của phía Mỹ nhắm vào Việt Nam thời gian qua.
Sự biến động của tỷ giá có ảnh hưởng trực tiếp đến nợ công cũng như tình hình quản lý nợ công mà cụ thể là nghĩa vụ trả nợ nước ngoài.
Sự mạnh lên của tiền đồng có thể làm giảm bớt gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài cũng như giảm chỉ tiêu nợ công/GDP.
Cụ thể, tỷ lệ nợ nước ngoài/GDP được dự báo ở mức 47,9% vào cuối năm 2020. Bên cạnh đó, theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Việt Nam dự kiến dùng 5 tỉ USD để chi trả tiền lãi, nợ vay và vốn vay ưu đãi ODA (tương đương khoảng 2% GDP danh nghĩa năm 2019).
VNDS cũng cho rằng đồng VND mạnh lên cũng có thể làm giảm sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, qua đó giảm nhẹ các cáo buộc của phía Mỹ đối với Việt Nam liên quan đến “thao túng tiền tệ”.
Trong 10 tháng đầu năm 2020, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt kỷ lục 50,7 tỉ USD, vượt qua mức thặng dư 47 tỉ USD của cả năm 2019.
Ở khía cạnh tiêu cực, việc đồng VND mạnh lên có thể làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản, khoáng sản thô và hàng hóa chưa qua chế biến.
Trên thực tế, những tác động tiêu cực này có thể được giảm bớt nhờ sự tăng giá của đồng NDT trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, sự mạnh lên của tiền đồng sẽ làm giá các mặt hàng nhập khẩu trở nên hấp dẫn hơn, qua đó kích thích người tiêu dùng sử dụng các mặt hàng nhập khẩu nhiều hơn và làm thu hẹp thặng dư thương mại.
Tuy vậy, VNDS cho rằng tác động của việc đồng VND tăng giá đến nhập khẩu là nhỏ trong bối cảnh những đồng bản tệ của các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như đồng NDT, EUR, KWD (Hàn Quốc), TWD (Đài Loan) và JPY (Nhật Bản) cũng đang tăng giá sv đồng USD.
Do đó, chỉ những hàng hóa xuất khẩu từ một số nước như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia mới được hưởng lợi từ xu hướng tăng giá của đồng VND do đồng bản tệ của những nước này đang mất giá mạnh so với đồng USD.