Viettel Global kinh doanh thế nào trong nửa đầu 2018?

VietTimes – Sau khi thực hiện niêm yết trên sàn Upcom với mức giá tham chiếu 15.000 đồng/cổ phiếu, Viettel Global cũng đã thực hiện công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán giai đoạn 6 tháng đấu năm 2018.
Một sự kiện khai trương mạng 4G của Telemor - mạng viễn thông của Viettel Global tại Đông Timor (Nguồn: Viettel Global)
Một sự kiện khai trương mạng 4G của Telemor - mạng viễn thông của Viettel Global tại Đông Timor (Nguồn: Viettel Global)

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất (đã soát xét) bán niên năm 2018, Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel – Viettel Global (Mã CK: VGI) ghi nhận doanh thu thuần là 8.003 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ 2017.

Tuy nhiên, tốc độ giảm của giá vốn hàng bán và cung cấp dịch vụ tới 16%, do đó, lợi nhuận gộp của Viettel Global giai đoạn 6 tháng đầu năm 2018 đạt 2.118 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

Doanh tu từ hoạt động tài chính trong kỳ giảm mạnh, chỉ còn 603 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, Viettel Global cũng ghi nhận các khoản lỗ từ công ty liên doanh, liên kết là 411,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 244,9 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, do đó, ghi nhận khoản lỗ 19,6 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 653,3 tỷ đồng).

Sau khi trừ đi các hoạt động khác và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, Viettel Global ghi nhận khỏa lỗ sau thuế là 366 tỷ đồng (trong đó, lỗ sau thuế của cổ đông của Công ty mẹ là 418 tỷ đồng).

Xét theo khu vực địa lý, thị trường Châu Phi đã đem lại cho Viettel Global doanh thu cao nhất (trong 6 tháng đầu năm 2018) với 3.632,9 tỷ đồng, tiếp đến là thị trường Đông Nam Á với 2.994 tỷ đồng và thị trường Châu Mỹ La – tinh với 1.097 tỷ đồng. Các thị trường khác cũng đem về cho Viettel Global doanh thu thuần đạt hơn 1.084 tỷ đồng.

Tuy có mức doanh thu cao nhất cho Viettel Global nhưng thị trường Châu Phi là khu vực duy nhất trong 6 tháng đầu năm ghi nhận các khoản lỗ sau thuế, có giá trị tới hơn 1.387,7 tỷ đồng.

Tới 30/6/2018, cấu trúc doanh nghiệp của Viettel Global bao gồm 11 công  ty con và 3 công ty liên kết, hoạt động tại nhiều quốc gia như: Đông Timor, Campuchia, Mazambique, Cameroon, Haiti, Burundi, Tanzania, Lào, Myanmar.

Chủ yếu hoạt động đầu tư và kinh doanh tại thị trường nước ngoài nên các khoản lãi, lỗ chênh lệch tỷ giá cũng tác động không nhỏ đên lợi nhuận của Viettel Global.

Trong kỳ, Viettel Global ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá vào doanh thu hoạt động tài chính là 392,7 tỷ đồng (cùng kỳ ghi nhận 1.812 tỷ đồng). Các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá được ghi nhận vào chi phí tài chính là 310 tỷ đồng (cùng kỳ ghi nhận 1.191 tỷ đồng).

Tính đến ngày 30/6/2018, tổng tài sản của Viettel Global đạt 50.995 tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm phần lớn là các tài sản dài hạn với 33.607 tỷ đồng.

Tài sản ngắn hạn ghi nhận giá trị là 17.387 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn đạt 7.264 tỷ đồng, hàng tồn kho là 3.892 tỷ đồng, các khoản tiền và tương đương tiền là 2.589 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, đến ngày 30/6/2018, Viettel Global ghi nhận các khoản nợ phải trả là 33.264 tỷ đồng, không có nhiều thay đổi so với đầu năm. Trong đó, các khoản vay và nợ thuê tài chính đạt 20.345 tỷ đồng (nợ ngắn hạn đạt 10.454 tỷ đồng).

Nguồn vốn chủ sở hữu đạt 17.730 tỷ đồng, chủ yếu là: Vốn góp chủ sở hữu (22.438 tỷ đồng), Lỗ lũy kế chưa phân phối (4.649 tỷ đồng) và Lợi ích của cổ đông không kiểm soát (âm 2.054 tỷ đồng).

Gần đây, ngày 20/9/2018, Viettel Global đã công bố kết quả chào bán riêng lẻ thành công lô cổ phiếu có giá trị theo mệnh giá tới 8.000 tỷ đồng cho Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel). Do đó, nguồn vốn góp chủ sở hữu của Viettel Global sẽ đạt mức quy mô 30.000 tỷ đồng (Viettel nắm giữ 99% vốn điều lệ).

Nguồn vốn tăng thêm nhằm giúp Viettel Global đầu tư để tăng vị thế và uy tín tại 9 thị trường nước ngoài đến hết năm 2020 do đặc thù của ngành cần đầu tư hạ tầng lớn ngay từ đầu và cần từ 3-4 năm để bắt đầu thu hồi được vốn./