Sau hơn 20 năm, hiện nay ở Việt Nam có trên 50 nhà tài trợ song phương và đa phương đang hoạt động, cung cấp nguồn ODA và vốn vay ưu đãi cho hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đó là những dữ liệu được công bố tại hội thảo quốc tế “Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng vốn ODA tại Việt Nam”, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 7/8/2015.
Theo đó, các nhà tài trợ song phương gồm chính phủ các nước Ireland, Anh, Áo, Ba Lan, Bỉ, Canada, Kuwait, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hungari, Italy, Luxembourg, Malaysia, Mỹ, Norway, Nhật Bản, New Zealand, Úc, Phần Lan, Pháp, Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha, Thái Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Singapore...
Các nhà tài trợ đa phương gồm các các định chế tài chính quốc tế và các quỹ như nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Quỹ Phát triển quốc tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC (OFID), Quỹ Kuwait, Quỹ Đầu tư Ả Rập, Quỹ Phát triển Bắc Âu (NDF), Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu (NIB).
Ngoài ra, là các tổ chức quốc tế và liên chính phủ như Liên minh Châu Âu (EU), Cao ủy Liên hiệp quốc về người tỵ nạn (UNHCR), Chương trình chung của Liên hiệp quốc về Phòng chống HIV/AIDS (UNAIDS), Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP), Chương trình môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP), Tổ chức Nông nghiệp và lương thực của Liên hiệp quốc (FAO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Văn phòng Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc (UNODC)...
Ngoài các nhà tài trợ hỗ trợ phát triển chính thức, trong cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế tại Việt Nam còn phải nhắc tới các tổ chức phi chính phủ đã có mặt ở Việt Nam trước năm 1993, và đến nay có tới hơn 600 các tổ chức này, hàng năm cung cấp khoảng 150-200 triệu USD để hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục và đào tạo, tạo lập sinh kế... trực tiếp cho người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Mặc dù nguồn vốn ODA chỉ chiếm khoảng 4%GDP, song lại chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước (bình quân chiếm khoảng 15-17%).
Nguồn vốn vay ODA đã lên đến con số khoảng 72 tỷ USD trong vòng 20 năm qua, một cách trực tiếp, đã góp phần đẩy nợ công tại Việt Nam rơi vào mức kém an toàn, không thể tính chính xác quy mô cũng như khả năng trả nợ, như lo ngại của nhiều người trong giới chuyên gia.
Giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nhu cầu vốn là rất lớn, song nợ công và thâm hụt ngân sách lại ngày càng tăng, nguồn vốn ODA đang thu hẹp, điều kiện vay chặt chẽ hơn và mức độ ưu đãi giảm dần. Việt Nam cần ứng xử thế nào với ODA để có thể tận dụng tốt nhất nguồn vốn này mà không để lại gánh nặng nợ nần cho đời sau, đang là một thách thức lớn.
Bài học từ Hàn Quốc, một quốc gia có được sự chuyển mình kỳ diệu, đi lên từ chỗ chỉ là một đất nước kém phát triển, mà GS. Kim Eun Mee, Trưởng khoa Sau đại học ngành Quốc tế học, Đại học Ewha Womans (Hàn Quốc) nhắc đến đối với Việt Nam, là ngay cả trong thời kỳ kém phát triển trước đây, Hàn Quốc cũng không đặt mục tiêu thu hút ODA càng nhiều càng tốt.
Trong 50 năm (1945 - 1995) là giai đoạn khó khăn nhất của quốc gia này, vốn ODA Hàn Quốc tiếp nhận chỉ khoảng 12,8 tỷ USD.
Theo VnEconomy