Việt Nam và con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR) được hình thành lần đầu vào năm 2015 trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đến nay đã có 16 quốc gia tham gia thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ DSR. Các nhà phân tích coi đây là một chiến thuật nhằm tránh cuộc đối đầu trực diện giữa Trung Quốc và Mỹ, và thậm chí với cả Liên minh châu Âu, về việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ thế hệ kế tiếp trên toàn cầu.

Các tập đoàn Trung Quốc “phủ sóng” ASEAN

Tháng 3 vừa rồi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu ở China-Asean Expo diễn ra tại Nanning rằng quốc gia này sẽ tập trung phát triển DSR tại Đông Nam Á (Asean). Theo số liệu ước tính, đến hết năm 2019 Trung Quốc đã chi tới 79 tỉ đô la Mỹ cho các dự án DSR trên toàn cầu và tổng giá trị đầu tư của DSR sẽ lên tới 200 tỉ đô la Mỹ. Tờ South China Morning Post nhận định đây là nỗ lực gia tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc lên khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau khi Mỹ cũng tuyên bố một động thái tương tự.

Các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc đang tăng cường hỗ trợ về cơ sở hạ tầng viễn thông cho các quốc gia trong khu vực Asean, nhất là trong việc thương mại hóa mạng 5G. Huawei và ZTE đã cho thấy ý định mở rộng tại Asean thông qua các kế hoạch đặt cáp quang ở khu vực này. Họ đã hoàn thành hàng chục dự án và đang xây dựng thêm khoảng 20 dự án nữa, chủ yếu ở Indonesia và Philippines.

“Nếu dữ liệu là “dầu mỏ” của nền kinh tế số, thì cáp quang chính là đường ống dẫn dầu”, Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS), cho biết đồng thời chỉ ra khát vọng của các công ty Trung Quốc trong việc khai thác loại tài sản mới này của thế giới.

Bên cạnh các khoản đầu tư hạ tầng, các công ty Trung Quốc cũng ngày càng mạnh tay dốc hầu bao vào thị trường công nghệ tại khu vực.

Alibaba đã nắm quyền kiểm soát sàn thương mại điện tử Lazada, được coi là Amazon của ASEAN. Các mảng về thanh toán điện tử và Internet tại khu vực cũng đang được đầu tư bởi các công ty như Bytedance, sở hữu nền tảng mạng xã hội TikTok; Ant Group thuộc Alibaba, và SEA được hậu thuẫn bởi Tencent.

Tiêu chuẩn công nghệ Made in China

Trong khuôn khổ chiến lược quốc gia, chương trình DSR là sự giao thoa giữa BRI và hai sáng kiến lớn khác của Chính phủ Trung Quốc là “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” và “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035”. Qua đó, Bắc Kinh tham vọng trở thành cường quốc trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến và thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu cho các công nghệ như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo và 5G trong 15 năm tới.

Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ chuỗi khối (blockchain) cũng được Chính phủ Trung Quốc đặc biệt lưu tâm khi mở ra “Mạng lưới dịch vụ chuỗi khối” (Blockchain Service Network - BSN) dưới sự kiểm soát của chính phủ. Chỉ trong vòng nửa năm, mạng lưới này đã mở rộng đến hàng chục quốc gia, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Úc.

Không chỉ Trung Quốc, mà Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Nga cũng muốn thiết lập một tiêu chuẩn chung cho các ngành công nghệ, nhưng theo hướng có lợi cho quốc gia mình. Việc này giúp các quốc gia này có được lợi thế đi đầu trong hoạt động thương mại đa phương.

Một phương thức phổ biến của Trung Quốc là các viện trợ và các dự án phát triển hạ tầng của BRI, DSR đều có những ràng buộc như yêu cầu mua công nghệ của công ty Trung Quốc, từ đó trực tiếp tích hợp hệ thống theo chuẩn công nghệ của nước này vào các quốc gia tiếp nhận kinh phí.

Việt Nam đứng ngoài cuộc chơi?

Mặc dù các tập đoàn công nghệ Trung Quốc thường được chào đón nồng nhiệt từ các công ty đối tác trong khu vực, nhưng tại Việt Nam và Singapore các công ty viễn thông nội địa dường như vẫn né tránh các nhà cung cấp Trung Quốc.

Mặt khác, trước phản ứng tiêu cực của dư luận xã hội khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, Huawei gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, ngay cả khi họ đã thâm nhập thị trường sớm.

Thực tế kể từ khi BRI ra đời vào năm 2013, Việt Nam đã tiếp cận một cách thận trọng đối với nguồn tài trợ của Trung Quốc.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore, giải thích rằng Việt Nam không muốn nhận tài trợ của Trung Quốc vì không muốn “hàm ơn” Trung Quốc, ngay cả khi nước ta cần vốn để phát triển cơ sở hạ tầng. Nguyên nhân sâu xa chủ yếu nằm ở tranh chấp tại biển Đông.

Trong những năm gần đây, để củng cố lập trường nhất quán về các vấn đề an ninh quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực đảm nhận các vai trò quan trọng trong các cơ chế hợp tác đa phương. Năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch Asean và đầu tháng 4-2020, Việt Nam cũng lần thứ hai đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trong nhiệm kỳ 2020-2021.

“Việt Nam muốn đề cao trật tự dựa trên luật quốc tế”, ông Thành nói, “thay vì tuân theo một hệ thống luật mới dựa trên sức mạnh của các nước lớn”.

Cơ hội và thách thức cho Việt Nam

“Huawei có công nghệ rẻ hơn nhưng rủi ro về mặt an ninh. Việt Nam có thể sẽ đi chậm hơn một chút nếu không dùng công nghệ của Huawei, nhưng vẫn có thể phát triển được”, ông Hiệp nhấn mạnh. “Khi từ chối Huawei và đi theo con đường riêng của mình, Việt Nam có cơ hội để tự phát triển”.

Ba nhà mạng di động lớn nhất của Việt Nam là Viettel, MobiFone và VNPT chiếm gần 96% thị phần thuê bao di động Việt Nam và là ba công ty được cấp phép thương mại hóa 5G trong nước đều quyết định tự phát triển công nghệ này với các đối tác từ các quốc gia khác, cụ thể là Ericsson AB của Thụy Điển, Nokia Oyj của Phần Lan, Qualcomm của Mỹ và Samsung của Hàn Quốc.

Về khả năng triển khai DSR tại Việt Nam trong tương lai, ông Thành cho rằng quyết định này dựa nhiều vào phía doanh nghiệp hơn là Chính phủ.

“Nó sẽ thuần túy phụ thuộc vào chiến lược của các công ty chứ không phải là lựa chọn của Chính phủ,” ông nói. “Các doanh nghiệp sẽ biết họ cần phải làm gì”.

Theo TheSaiGonTimes