Trước một Trung Quốc với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) gấp 54 lần, thực lực hải quân gấp 10 lần của Việt Nam, Việt Nam muốn chiếm địa vị có lợi trong đàm phán nên buộc phải hợp tác với Mỹ và Nga. Còn thứ mà Việt Nam có thể dùng để nắm thế chủ động trên phương diện đẩy mạnh quan hệ với Mỹ và Nga là vịnh Cam Ranh – căn cứ quan trọng trên biển hiếm có ở châu Á. Mỹ và Nga đã triển khai tranh giành quyết liệt ở đây.
Vào tháng 3/2015, Mỹ từng yêu cầu mạnh mẽ Việt Nam “không cho Nga sử dụng căn cứ tại vịnh Cam Ranh”. Vịnh Cam Ranh là quân cảng ở miền Nam Việt Nam, lại còn là cảng nước sâu tự nhiên. Trên thực tế ở xung quanh Biển Đông, có hai quân cảng lớn nổi tiếng nhất: một là căn cứ hải quân vịnh Subic của Philippines trước đây do quân đội Mỹ sử dụng, hiện tại quân đội Mỹ vẫn sử dụng; hai là căn cứ hải quân vịnh Cam Ranh của Việt Nam từng lần lượt bị quân đội: Pháp, Nhật Bản, Mỹ và Liên Xô sử dụng, hiện tại rất có khả năng tiếp tục do quân đội Nga sử dụng. Trong vịnh Cam Ranh bình quân nước sâu 16-25 m, chỗ sâu nhất lên đến 32 m, dài 20 km, rộng 6 km, tổng diện tích khu vực biển là 60 km2 khiến cho nó có thể thuận tiện cho các tàu lớn neo đậu, kể cả tàu sân bay.
Hiện nay, vịnh Cam Ranh tuy được hải quân Việt Nam sử dụng, nhưng tàu chiến chủ lực của hải quân Việt Nam ngoài một vài chiếc tàu dưới 3.000 tấn, còn lại hầu hết đều là tàu cỡ nhỏ, vì vậy về cơ bản không lấp đầy được cảng biển rộng lớn này. Hiện nay mục đích của quân đội Việt Nam là để kiềm chế sự đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam, chi bằng để một phần trong đó cung cấp cho hải quân nước ngoài sử dụng còn hơn họ để phần lớn cảng Cam Ranh bỏ không, vừa có thể đổi lấy viện trợ quân sự, vừa có thể khiến cho Trung Quốc e ngại không dám tấn công, còn có thể “mượn oai hùm” khi tiến hành đối đầu với Trung Quốc.
Điều có sức hút hơn là xuất phát từ 12 độ vĩ bắc của cảng Cam Ranh, hành trình chưa đến 1 giờ đồng hồ là tuyến hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, phạm vi bao phủ đương nhiên bao gồm tất cả các đảo, bãi đá ở Biển Đông mà Việt Nam chiếm đóng. Một số chuyên gia quân sự cho rằng có được vịnh Cam Ranh thì có thể kiểm soát được Biển Đông và cả eo biển Malacca, thậm chí còn có thể tiến hành giám sát điện tử đối với khu vực Bắc Ấn Độ Dương, vịnh Persian thậm chí cả biển Hoa Đông.
Đương nhiên không chỉ có Mỹ nhìn thấy điểm này, Nga cũng không cam lòng vì đây từng là căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô, vì vậy, sau khi có tin tức hải quân Việt Nam muốn cho thuê, Mỹ và Nga đều muốn thử xem sao, hai bên đều lo sợ cảng này có thể bị đối phương giành được quyền thuê. Nếu Mỹ thuê được cảng Cam Ranh thì chẳng khác nào nắm chắc được Biển Đông, bởi vì khả năng kiểm soát của cảng Cam Ranh đối với bất kỳ đảo, đá nào ở Biển Đông đều cao hơn nhiều so với các căn cứ hải quân hiện có của các nước xung quanh, từ đó Mỹ cũng có thể thực hiện khâu phỏng tỏa khép kín hoàn toàn đối với Trung Quốc, từ Hàn Quốc đến Nhật Bản rồi đến Philippines, cuối cùng đến vịnh Cam Ranh.
Trước đây, việc phong tỏa chuỗi đảo thứ nhất do quân đội Mỹ thực thi dường như có chút khiếm khuyết, vì vậy mấy năm gần đây, quân đội Mỹ tích cực bổ sung phòng vệ ở Philippines và Singapore, nhưng do có nước cá biệt không thật lòng phối hợp, vì vậy quân đội Mỹ hiện nay trên thực tế vẫn chưa hoàn thành được việc phong tỏa trên Biển Đông.
Nhưng nếu quân đội Mỹ thuê được vịnh Cam Ranh, tình hình sẽ hoàn toàn khác, do gần hai cảng nước sâu là vịnh Cam Ranh và vịnh Subic đều có căn cứ không quân, vì vậy quân đội Mỹ khi đồng thời sử dụng hai quân cảng này giống như có khả năng phong tỏa đồng thời hàng hải, hàng không đối với toàn bộ Biển Đông ở hai phía Đông-Tây. Do phía Đông Tây của Biển Đông rộng không quá 900 km, cho dù sử dụng loại máy bay chiến đấu hoặc tàu chiến nào thì quân đội Mỹ cũng đều có thể dễ dàng đến vùng biển xung đột trong thời gian ngắn, từ đó Biển Đông cũng thực sự trở thành sân sau của quân đội Mỹ.
Xét từ bên trong, Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa, người dân trong nước đều có thiện cảm đối với Nga, nước kế thừa truyền thống của Liên Xô trước đây, dù là phía quân đội hay nhân dân đều có khuynh hướng để cho quân đội Nga sử dụng vịnh Cam Ranh. Hơn nữa, hơn 90% vũ khí tiên tiến mà quân đội Việt Nam mua hiện nay đều do Nga cung cấp. Tuy quân đội Nga chưa chắc đã dùng ngoại tệ mạnh khiến Việt Nam hài lòng để thanh toán cho Việt Nam, nhưng theo cách làm trước đây của Việt Nam và Nga, quân đội Nga có thể cung cấp vũ khí để trả phí thuê cảng.
Điều quan trọng hơn là thực lực quân sự của Nga hiện nay có phần khôi phục, máy bay ném bom chiến lược của Nga bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tuần tra răn đe ở khoảng cách xa, cách đây không lâu một chiếc máy bay chiến đấu của quân đội Nga trên đường bay tuần tra xung quanh căn cứ quân sự ở đảo Guam của quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương từng được tiếp nhiên liệu từ một chiếc máy bay tiếp dầu loại Ilyushin Il-78 của quân đội Nga cất cánh từ căn cứ không quân ở vịnh Cam Ranh, điều này khiến quân đội Mỹ rất bất an.
Từ đó cho thấy hai vấn đề, một là quân đội Nga đã bắt đầu sử dụng căn cứ vịnh Cam Ranh, hai là sự bố trí quân đội Nga ở vịnh Cam Ranh đã có từ trước mà bên ngoài không được biết. Nhưng Việt Nam lại không công khai ký kết hợp đồng thuê vịnh Cam Ranh với Nga, do vậy dư luận bên ngoài phán đoán Nga và Việt Nam vẫn chưa chính thức ký kết thuê vịnh Cam Ranh, việc hạ cánh của máy bay chiến đấu Nga có lẽ chỉ là thuê tạm thời. Do vậy, quân đội Mỹ đã bắt đầu công việc tranh giành, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khi tới thăm Hà Nội đã tuyên bố “Mỹ và Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ phòng thủ”, còn cam kết sẽ xóa bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, đồng thời viện trợ một số tàu tuần tra cho Việt Nam. Rõ ràng Mỹ vừa dụ dỗ vừa lôi kéo Việt Nam, đồng thời cũng đang tích cực tranh giành thuê vịnh Cam Ranh.
Nếu thực hiện được mong muốn này, không những Mỹ kéo được một đồng minh mới từ trong tay Nga, mà còn có thể đuổi được thế lực Nga ra khỏi Biển Đông, nhưng điều then chốt là có thể phá vỡ hoàn toàn giấc mơ của Trung Quốc muốn thoát ra khỏi sự phong tỏa của chuỗi đảo, để cho chiến lược “Con đường tơ lụa mới trên biển” của Trung Quốc thất bại lúc còn trong giai đoạn manh nha. Ngoài ra, một nước khác cũng rất muốn có được Biển Đông, đó là Nhật Bản cũng đang tính toán có lợi cho mình. Theo yêu cầu của Mỹ, Nhật Bản cũng có kế hoạch chuẩn bị can dự vào Biển Đông, đồng thời vào tháng 5 đã bắt đầu cử hai chiến máy bay tuần tra P-3C tuần tra trên Biển Đông, cuối cùng hai chiếc máy bay tuần tra này hạ cánh xuống Đà Nẵng, phía Bắc của vịnh Cam Ranh.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng mong muốn các tàu chiến chuẩn bị đến tuần tra ở Biển Đông phải có một căn cứ lâu dài để sử dụng, vì vậy trên thực tế Nhật Bản cũng đang giành quyền thuê vịnh Cam Ranh. Đương nhiên dù là quân đội Mỹ thuê hay Nhật Bản thuê thì về bản chất gần như giống nhau, đều có kế hoạch tiến hành phong tỏa kiềm chế đối với Trung Quốc, hai nước này dù ai giành được thì cũng đều không phải là một tin tốt lành cho Trung Quốc. Nhưng từ việc này, chúng ta dường như đã phát hiện ra ý đồ của Việt Nam, đó chính là muốn có càng nhiều lực lượng ngoài khu vực can dự vào, để cho Trung Quốc lúng túng, không cố ý làm bừa, còn Việt Nam từ đó được lợi.
Trong số các nước thuê vịnh Cam Ranh, chắc chắc không có Trung Quốc. Nhưng Việt Nam tuy đang “hợp tung liên hoành”, cũng không muốn bị các nước lớn thao túng, vì vậy vẫn luôn tổn hao tâm huyết để giữ khoảng cách ngoại giao cân bằng với các nước Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, thêm vào đó là lòng tự tôn với tư cách là nước xã hội chủ nghĩa, khiến cho nước này khó đưa ra quyết định công khai cho thuê vịnh Cam Ranh.
Đồng thời, đối với Việt Nam, Trung Quốc là nước đối tác thương mại lớn nhất, Mỹ là nước lớn thứ hai nhưng lại là nước phụ thuộc lớn nhất của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, Nga là nước cung cấp vũ khí lớn nhất, Nhật Bản là nước đầu tư lớn nhất, còn Ấn Độ lại là “nước ủng hộ về chính trị, quân sự” kiên định nhất của Việt Nam.
Vì vậy, xét về quan hệ nói trên, cho dù Việt Nam cuối cùng ném “quả cầu” về tay ai? Có ném hay không? đều sẽ khiến cho nước này bất an. Nhưng một khi Việt Nam đưa ra quyết định chắc chắn sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với tình hình Biển Đông, có thể sẽ liên quan trực tiếp đến hướng đi cuối cùng trong tranh chấp Biển Đông, do vậy vấn đề này đã thu hút sự coi trọng đặc biệt của các cơ quan hữu quan Trung Quốc đồng thời đang nhanh chóng đưa ra kế hoạch sách lược ứng phó.