Ngày 2/5, Cơ quan xuất khẩu quốc phòng và viện trợ quốc phòng đối ngoại (SIBAT), Bộ Quốc phòng Israel cho biết xuất khẩu quân sự năm 2017 của Israel tăng trưởng 40%, kim ngạch hợp đồng đạt 9,2 tỷ USD, đây là tăng trưởng xuất khẩu quốc phòng năm thứ 3 liên tục của nước này.
Giám đốc SIBAT, Chuẩn tướng Michel Ben-Baruch nói: "Đây là một thành tựu quan trọng trong xuất khẩu quốc phòng của Israel, quan trọng nhất là đã chứng minh công nghiệp quốc phòng Israel có uy tín trên thế giới và nhu cầu của toàn thế giới đối với sản phẩm của chúng tôi".
Michel Ben-Baruch cho biết thêm: "Do công nghệ tiên tiến và chất lượng cao được chứng minh bởi quân đội Israel (trong xung đột với Palestine), công nghiệp quốc phòng của Israel được tôn trọng và tin tưởng trên thế giới".
Theo SIBAT, năm 2017 các công ty Israel xuất khẩu hệ thống tên lửa phòng không (31%), hệ thống radar (17%), hệ thống điện tử (14%), đạn dược (9%), hệ thống thông tin liên lạc (9%), quan sát và quang học (8%), máy bay không người lái (2%), hệ thống biển (1%), vệ tinh và không gian (1%).
Khách hàng lớn nhất của xuất khẩu sản phẩm quốc phòng Israel là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu, thứ hai là châu Âu với 21%, Bắc Mỹ với 14%, châu Phi với 5% và Mỹ Latinh với 2%.
Những hợp đồng mới ký kết ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phần lớn là do sự coi trọng của các nước trong khu vực này đối với chống khủng bố. Ngoài ra, một số hợp đồng liên chính phủ quan trọng khác cũng được ký kết với nguyên nhân tương tự, điều này đã tăng cường vị thế của Israel trên thị trường quốc phòng toàn cầu.
Michel Ben-Baruch cho biết Israel là một trong 10 quốc gia xuất khẩu quốc phòng nhiều nhất trên thế giới. Trong khi đó, một báo cáo gần nhất của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm đã xếp Israel vào Top 5 quốc gia cung ứng vũ khí lớn của thế giới, xếp sau Mỹ, Nga, Pháp và Đức.
Viện nghiên cứu này cho rằng trong vài năm qua, Ấn Độ vẫn là thị trường vũ khí lớn nhất của Israel, họ đã mua các loại hệ thống vũ khí, tên lửa và máy bay không người lái.
Mãi đến gần đây, phần lớn giao dịch đều giữ kín, nhưng quan hệ hai nước đã thay đổi một cách lặng lẽ, Ấn Độ đã trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của phần cứng quân sự Israel với trị giá 715 triệu USD trong năm 2017.
Căn cứ vào kho dữ liệu, Việt Nam là khách hàng lớn thứ hai của Israel, năm 2017 đã mua sắm 142 triệu USD vũ khí. Azerbaijan là thị trường vũ khí lớn thứ ba của Israel, đã mua sắm 137 triệu USD vũ khí. Philippines năm 2017 lần đầu tiên trở thành thị trường chủ yếu của Israel, đã chi 21 triệu USD mua hệ thống radar và chống tăng.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman đã ca ngợi những “thành tựu phi thường” của SIBAT và ngành công nghiệp quốc phòng của Israel đã ký một loạt các hợp đồng với các quốc gia trên toàn cầu.
Theo ông Avigdor Liberman, những hợp đồng này “đã tạo sự tự tin cho khả năng và sự sáng tạo của Bộ Quốc phòng. Thành tựu này sẽ giúp chúng tôi tăng ngân sách nghiên cứu và phát triển, tạo việc làm mới và chủ yếu để đảm bảo tính ưu việt của quân đội Israel trong những năm tới”.