Việt Nam tham gia tập trận đa quốc gia trên Ấn Độ Dương

VietTimes -- Trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, quần đảo Andaman - Nicobar sẽ tổ chức cuộc tập trận Milan, một cuộc tập trận diễn ra hai năm một lần.
Tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ, Đô đốc Sunil Lanba. Ảnh: India Today.
Tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ, Đô đốc Sunil Lanba. Ảnh: India Today.

Cuộc tập trận Milan năm nay là một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn do Bộ tư lệnh Andaman - Nicobar, hải quân Ấn Độ tổ chức ở  vùng biển quần đảo Andaman - Nicobar trong thời gian 8 ngày kể từ ngày 6/3/2018. Trong tiếng Hindi Ấn Độ, “Milan” có nghĩa là “gặp mặt”.

Theo tờ The Times of India Ấn Độ, cuộc tập trận này dự kiến sẽ có sự tham gia của ít nhất 17 nước trong đó có Australia, Malaysia, Maldives. Tuy nhiên, Tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ, Đô đốc Sunil Lanba cho biết Maldives đã từ chối lời mời của Ấn Độ, vì vậy chỉ còn 16 nước tham gia.

Cuộc tập trận này nhằm mở rộng hợp tác khu vực, tấn công các hoạt động phi pháp trên các tuyến đường hàng hải quan trọng. Người phát ngôn hải quân Ấn Độ D.K. Sharma cho biết trong thời gian diễn ra cuộc tập trận sẽ diễn ra các hoạt động tương tác giữa các nước thành viên như trao đổi ý kiến về trật tự hàng hải tốt đẹp, tăng cường hợp tác khu vực để tấn công các hoạt động phi pháp trên biển.

“Ngoài thông qua diễn tập hải quân và tương tác chuyên nghiệp để thúc đẩy hợp tác, cuộc diễn tập Milan sẽ còn cung cấp một cơ hội cho hải quân các nước tham gia xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn để ứng phó với các loại thách thức an ninh” - D.K. Sharma cho biết.

Tháng 11/2017, Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nhật Bản đã tiến hành thảo luận về “liên minh 4 bên”, có kế hoạch xây dựng một chiến lược mới để đảm bảo cho các tuyến đường hàng hải quan trọng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương không bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc.

Cuộc tập trận Milan-2014 do hải quân Ấn Độ tổ chức. Ảnh: CCTV.
Cuộc tập trận Milan-2014 do hải quân Ấn Độ tổ chức. Ảnh: CCTV.

Trong cuộc tập trận lần này, tham mưu trưởng hải quân các nước tham gia cũng sẽ tiến hành thảo luận về tình hình ở Biển Đông.

Ngoài Ấn Độ, các nước tham gia cuộc tập trận lần này còn bao gồm Australia, Malaysia, Mauritius, Myanmar, New Zealand, Oman, Việt Nam, Thái Lan, Tanzania, Sri Lanka, Singapore, Bangladesh, Indonesia, Kenya và Campuchia.

Khi trả lời phỏng vấn ngày 26/2, Tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ Sunil Lanba cho biết chính sách nhìn sang hướng Đông của Ấn Độ đang chuyển sang chính sách hành động hướng Đông, hải quân Ấn Độ sẽ coi trọng hơn hợp tác với hải quân các nước Đông Nam Á. Cuộc tập trận Milan có thể được coi là một tượng trưng cho bảo vệ an ninh và ổn định khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Cuộc tập trận này sẽ gây ra một số ảnh hưởng: Trước hết, khiến cho mâu thuẫn trên biển giữa Trung - Ấn sẽ tăng lên. Tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ cho biết hải quân Ấn Độ đang theo dõi chặt chẽ lực lượng hải quân Trung Quốc ngày càng tăng ở khu vực Ấn Độ Dương, sẵn sàng đối phó với bất cứ mối đe dọa an ninh quốc gia nào.

Thứ hai, Ấn Độ tổ chức cuộc tập trận này để tăng cường kiểm soát đối với Ấn Độ Dương. Ấn Độ coi Ấn Độ Dương là biển của Ấn Độ, không ngừng tăng cường kiểm soát vùng biển này. Gần đây, Ấn Độ đã triển khai thêm 8 tàu chiến để ứng phó sự xâm nhập của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Ấn Độ tổ chức cuộc tập trận lần này tạo thêm được lý do để tăng cường triển khai lực lượng, từ đó tăng cường kiểm soát Ấn Độ Dương.

Tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ Sunil Lanba cho biết: “Quan hệ giữa chúng tôi với các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Australia được dựa trên quan điểm chung về Ấn Độ - Thái Bình Dương: khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, mở cửa, phồn vinh và bao trùm phù hợp với lợi ích lâu dài của tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới”.

Thông qua cuộc tập trận Milan, hải quân Ấn Độ có lý do để tăng cường triển khai ở quần đảo Andaman - Nicobar, kiểm soát chặt chẽ hơn eo biển Malacca. Ảnh: Sohu.
Thông qua cuộc tập trận Milan, hải quân Ấn Độ có lý do để tăng cường triển khai ở quần đảo Andaman - Nicobar, kiểm soát chặt chẽ hơn eo biển Malacca. Ảnh: Sohu.

Ngoài ra, theo tờ The Times of India, Ấn Độ, Mỹ và các nước khác đang tìm kiếm tự do đi lại ở khu vực Biển Đông, vùng biển diễn ra nhiều hoạt động tranh chấp chủ quyền và quyền lợi biển.

Theo Chu Ba, chủ nhiệm Trung tâm hợp tác an ninh, Văn phòng hợp tác quân sự quốc tế, Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Hội nghị an ninh Munich vừa tổ chức ở Đức đã nhấn mạnh đến tự do đi lại, cho rằng tự do đi lại không có nghĩa là “tự do hành động quân sự”.

Chu Ba nói: “Trước hết, chúng ta cần tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, nhưng vấn đề hiện nay là có một số nước đơn phương lý giải ‘tự do đi lại’ trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển là ‘tự do hành động quân sự’, trong khi đó điều này hoàn toàn không phải là nguyên tắc được công ước này xác định”.

Chu Ba cho rằng vấn đề Biển Đông là “tranh chấp giữa Trung Quốc với một bộ phận các nước ASEAN, do Trung Quốc và một bộ phận các nước ASEAN cùng nỗ lực giải quyết bằng phương thức hòa bình”. Quan điểm này của Chu Ba cho thấy Trung Quốc đang bất chấp luật pháp quốc tế, ra sức tìm cách giải quyết bằng “con đường song phương” với các nước có tranh chấp ở Biển Đông nhằm tránh quốc tế hóa tranh chấp và sự can dự của các cường quốc thế giới.