Từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đến nay, các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc (GGHB LHQ) đã có những đóng góp nhất định vào việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế. Đó chủ yếu là các hoạt động: hỗ trợ nhân đạo; tái thiết sau chiến tranh hay xung đột tại các khu vực; bảo đảm an ninh; hỗ trợ hậu cần, vận tải, y tế… Hiện LHQ duy trì 16 sứ mệnh GGHB trên thế giới, với lực lượng tổng cộng gần 91.000 người. Ngân sách hàng năm chi cho lực lượng này là gần 5 tỷ USD, chủ yếu do các nước đóng góp theo tỷ lệ thu nhập tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tham gia hoạt động GGHB được cho là cơ hội để nâng cao vị thế đất nước, đấu tranh vì lợi ích quốc gia, huấn luyện cho các lực lượng vũ trang của mình và thu thập các thông tin tình báo cần thiết.
Lần đầu tiên Việt Nam cử bác sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ
|
Phải được sự đồng ý của nước chủ nhà
Các nước tham gia hoạt động GGHB LHQ khi LHQ yêu cầu hoặc được sự đồng ý của nước chủ nhà, tránh những nơi nhạy cảm, phải có thời hạn rõ ràng và các tiêu chí cụ thể để chấm dứt hoạt động này. Mặt khác, phải tạo được hành lang pháp lý cho việc đưa lực lượng vũ trang ra nước ngoài làm nhiệm vụ.
Như đối với Bulgaria, cơ sở pháp lý căn bản cho phép tham gia các hoạt động GGHB đa quốc gia được nêu ở Điều 84 Hiến pháp nước này. Ngoài ra, việc đưa lực lượng vũ trang ra nước ngoài phải được Quốc hội cho phép bằng một nghị quyết riêng trên cơ sở đề xuất của Chính phủ. Bulgaria cũng đã phải sửa đổi các văn kiện, học thuyết cho phù hợp với mục tiêu và đường lối đối ngoại của quốc gia khi tham gia các hoạt động đa quốc gia ở nước ngoài nhằm tạo cơ sở pháp lý với sự đồng thuận cao giữa cơ quan lập pháp và hành pháp để đảm bảo ổn định chính trị trong nước.
Năm 2013, Bộ Chính trị thông qua “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”.
|
Hiến pháp hiện nay của Nhật Bản không cho phép nước này tham gia tác chiến chung, không cho phép sử dụng vũ lực để tiến công ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Vì vậy, Nhật Bản buộc phải xây dựng một số đạo luật mới cho phép Nhật Bản tham gia nhiều hơn vào các hoạt động GGHB quốc tế. Ukraine cũng ban hành “Luật về tham gia các chiến dịch GGHB quốc tế”, xác định các cơ sở pháp lý, tổ chức, tài chính, cũng như trình tự đưa các nhân viên quân sự và dân sự của họ tham gia vào các chiến dịch GGHB quốc tế.
Nhiều hình thức, tổ chức khác nhau
Trung Quốc bắt đầu tham gia lực lượng GGHB LHQ từ hồi đầu thập niên 1990 và hiện là quốc gia đứng đầu Hội đồng Bảo an LHQ về đóng góp người cho hoạt động này. Trung Quốc cử 4 lực lượng chủ yếu: quan chức dân sự, quân cảnh, cảnh sát, quân đội. Trung Quốc còn tổ chức các đơn vị nhỏ, cấp đại đội là chủ yếu, tham gia các hoạt động như: quân y, vận tải, các lực lượng đặc nhiệm, quân số mỗi lực lượng khoảng 200 - 300 người. Đại đội vận tải được trang bị 158 xe chuyên chở, 20 xe tải để cung cấp nước. Hầu hết các phương tiện này là những trang thiết bị tiên tiến chế tạo tại Trung Quốc, có khả năng chống chịu lớn. Khoảng 100 chiếc xe tải có trọng tải 5 tấn, trang bị máy điều hòa nhiệt độ và chỗ nghỉ ngơi, các loại xe này rất phù hợp để sử dụng trong điều kiện chất lượng đường xá xấu và thời tiết nóng bức. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa triển khai lực lượng chiến đấu và đang đề cập, thảo luận cởi mở cho khả năng này trong tương lai.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao quyết định của Chủ tịch nước cho thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga. (Ảnh: Nguyễn Minh).
|
Các hoạt động GGHB của Ấn Độ được thực hiện ở khắp nơi trên thế giới và có tính chuyên nghiệp hơn các quốc gia khác. Đến nay, Ấn Độ là nước có đóng góp quân vào các hoạt động GGHB của LHQ lớn thứ 2 thế giới chỉ đứng sau Bangladesh. Hình thức tham gia rất linh hoạt, thông thường gửi quan sát viên quân sự và tổ chức các đơn vị từ cấp đại đội, tiểu đoàn đến lữ đoàn ở các khu vực khác nhau. Ấn Độ từng đóng góp quân tham gia lực lượng UNTAC ở Campuchia, ở Mozambique, Somalia, Ruanda, Sierra Leone…
Chọn những người giỏi nhất
Công tác huấn luyện, có nước tổ chức huấn luyện ở trong nước, có nước gửi huấn luyện tại các trung tâm của nước khác hoặc của LHQ. Thời gian huấn luyện phụ thuộc vào nhiệm vụ được LHQ giao, thông thường khoảng 1 tháng, cũng có trường hợp khóa huấn luyện kéo dài đến vài tháng, hay ngược lại chỉ tổ chức 2 – 3 tuần.
Trung Quốc đã thành lập Trung tâm Huấn luyện trực thuộc Bộ Quốc phòng (tháng 7-2009), là trung tâm đào tạo lực lượng GGHB lớn nhất châu Á, với khoản đầu tư khoảng hơn 200 triệu NDT. Trung tâm này được xây dựng trên diện tích 140.000 m2, trong đó khu vực sàn rộng 17.000 m2. Với biên chế 522 nhân viên, đây là một căn cứ huấn luyện tổng hợp bao gồm cả huấn luyện, giảng dạy và sinh hoạt với các phòng học được trang bị đẩy đủ phương tiện – kể cả phòng học ngoại ngữ, nhà nghỉ dành cho các học viên cả trong và ngoài nước, khu vực dành cho các chuyên gia nước ngoài, bãi huấn luyện lái xe và 27 phòng học đặc biệt.
Công tác huấn luyện của Ấn Độ được phân theo các khoa mục như: quan sát viên, cảnh sát dân sự, sỹ quan tham mưu, sỹ quan hậu cần, chỉ huy các đơn vị GGHB, ngoại ngữ... Thời gian huấn luyện thường từ 3 tuần trở lên. Trong quá trình đào tạo có sự lựa chọn, sàng lọc dần sao cho chọn được những cá nhân tốt nhất, phù hợp nhất.
Ngoài các nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn và những vấn đề cơ bản của hoạt động GGHB, học viên còn được hướng dẫn cách thức lập trại, bố trí hàng rào dây thép gai, bốt gác, đài quan sát, triển khai quân nhanh tại khu vực được phân công, các biện pháp bảo vệ an ninh, thiết lập các điểm kiểm tra, tư thế sẵn sàng đối phó với các mối đe đọa về an ninh, cách thức đối thoại với các bên tham chiến, tuần tra canh phòng tại khu vực đóng quân, cách thiết lập đường đây liên lạc, khẩu lệnh, mệnh lệnh liên lạc, ký hiệu, tín hiệu, ám hiệu giữa các đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ…
Trung tá Nguyễn Thị Liên là bóng hồng thứ hai của Việt Nam được cử đi gìn giữ hòa bình thế giới.
|
Hoạt động huấn luyện thường diễn ra ở những nơi có khí hậu nóng, khắc nghiệt với mục đích giúp học viên quen với điều kiện thực tế tại nơi triển khai quân. Ấn Độ thường mời các giáo viên có kinh nghiệm, các tướng lĩnh, sỹ quan đã từng tham gia lực lượng GGHB LHQ giảng dạy, truyền đạt các bài học rút ra trong quá trình tham gia hoạt động này.
Việt Nam: khẳng định vai trò, trách nhiệm, uy tín, vị thế quốc gia
Năm 1993, Việt Nam bắt đầu tham gia đóng góp kinh phí cho hoạt động GGHB LHQ. Năm 2005, cử các đoàn công tác liên ngành đi tham quan, nghiên cứu, tham gia các khóa tập huấn quốc tế về GGHB để chuẩn bị triển khai lực lượng. Năm 2013, Bộ Chính trị thông qua “Đề án tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”. Trên cơ sở đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt “Đề án Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo”. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Tại Diễn đàn Đối thoại Shangri La 12 đầu tháng 6/2013 và tại phiên họp Đại hội đồng LHQ ngày 28/9/2013 ở New York, Việt Nam chính thức công bố tham gia lực lượng GGHB LHQ, chủ yếu trong 4 lĩnh vực: quan sát viên, tham mưu, công binh, quân y. Đây là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, không liên quan đến xung đột, tranh chấp, thể hiện tính chất nhân đạo, xây dựng. Quan điểm của Việt Nam là hoạt động GGHB cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương LHQ, bảo đảm an toàn cho các nhân viên, bảo đảm công khai minh bạch và quản lý có hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm kỷ luật của các binh sĩ cũng như hành vi ứng xử đúng mực của họ.
Tháng 6/2014, hai sĩ quan Việt Nam đầu tiên được cử đi Nam Sudan làm sĩ quan liên lạc tại Phái bộ GGHB LHQ ở quốc gia này. Và đến nay, sau 5 năm, Việt Nam đã cử 100 quân nhân tham gia hoạt động GGHB LHQ, gồm 37 sĩ quan liên lạc, quan sát viên quân sự và sĩ quan tham mưu tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi trong đó có 1 nữ sĩ quan; 63 cán bộ, y, bác sĩ, trong đó có 10 nữ trong đội hình Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1. Hiện Việt Nam đang tích cực chuẩn bị những bước đi cần thiết cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 và Đội Công binh để sẵn sàng triển khai vào năm 2020.
Việc Quân đội nhân dân Việt Nam – một quân đội đã đánh thắng những kẻ xâm lược sừng sỏ nhất nay tham gia hoạt động GGHB LHQ thể hiện lòng yêu hòa bình của nhân dân Việt Nam, cho thấy Việt Nam đang chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm vào các vấn đề quốc tế, góp phần bảo đảm nền hòa bình bền vững cho đất nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc từ xa, từ sớm bằng biện pháp hòa bình. Qua đó, huy động và tranh thủ được sức mạnh từ bên ngoài của cộng đồng quốc tế ủng hộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.