Việt Nam là một trong những quốc gia tốt nhất thế giới

Xét trên nhiều khía cạnh như di sản, quyền công dân, chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng văn hóa hay sức mạnh quân sự, Việt Nam đứng thứ 32 trong tổng số 60 quốc gia tốt nhất thế giới do báo cáo News & World uy tín của Mỹ bình chọn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo xếp hạng của báo cáo News & World Mỹ, Đức là quốc gia tốt nhất thế giới, theo sau là Canada, Anh, Mỹ đã tụt xuống thứ tư và Trung Quốc đứng thứ 17 trên tổng số 60 quốc gia.

Xếp hạng “Các quốc gia tốt nhất thế giới” do trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania và tổ chức tư vấn toàn cầu BAV Consulting thực hiện. Có 9 hạng mục lớn mà các chuyên gia dựa vào để đánh giá từng quốc gia, đó là sự phiêu lưu, quyền công dân, ảnh hưởng văn hóa, điều kiện làm chủ doanh nghiệp, di sản, động lực, cơ chế kinh doanh cởi mở, sức mạnh và chất lượng cuộc sống.

Theo đó, Việt Nam đứng thứ 36 trên 60 nước về sự phiêu lưu, thứ 50 về quyền công dân, thứ 45 về ảnh hưởng văn hóa, thứ 36 về điều kiện làm chủ doanh nghiệp, thứ 26 về di sản, thứ 11 về động lực, thứ 21 về cơ chế kinh doanh cởi mở, thứ 29 về sức mạnh và thứ 24 về chất lượng cuộc sống.

Theo US News, quá trình Đổi mới năm 1986 đã giúp Việt Nam chuyển mình thành một quốc gia hiện đại và đầy tính cạnh tranh. Các doanh nghiệp nhà nước cũng như nền nông nghiệp tự phá đang dần được thay thế bằng các mô hình hiệu quả hơn nhằm đạt được sự phát triển bền vững thông qua ngành công nghiệp và thương mại mở như chế biến thực phẩm, dệt may, chế tạo máy móc và khai khoáng. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam đang phát triển một cách nhanh chóng với mật độ dân cư đông đúc, với 1/3 người dân sống ở những thành phố lớn, ví dụ ở thành phố Hồ Chí Minh có hơn 7 triệu người sinh sống. Việt Nam còn rất nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, các địa điểm tuyệt vời cho những người ưa thích phiêu lưu, khám phá như các hang động độc đáo, các hòn đảo thiên đường.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đánh giá cao những nỗ lực thu hẹp khoảng cách với quốc tế của Việt Nam khi chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới năm 2007 và tham gia đàm phán thành công Hiệp định TPP. Việt Nam cũng là một thành viên tích cực của Liên Hiệp Quốc, Diễn đàn khu vực ASEAN và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, cùng nhiều tổ chức quốc tế khác.

Theo Infonet