"Mô hình Bắc Âu" bao gồm hệ thống an sinh xã hội mạnh mẽ được rót nguồn vốn nhờ vào mức thuế khá cao, cho phép các chính phủ ở khu vực này cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao và chương trình chăm sóc y tế đại chúng. Ông Sanders - một Thượng nghị sỹ Mỹ đến từ bang Vermont, hiện đang là ứng viên của đảng Dân chủ tranh chức Tổng thống năm 2020 - cho rằng Mỹ có thể học hỏi Bắc Âu về điều này.
"Tôi muốn cảm ơn người Phần Lan không chỉ vì thứ mà họ đang làm mà cả vì đã cho chúng ta một tầm nhìn, và một mô hình mà chúng ta, ở đất nước này, có thể học hỏi để làm theo" - ông Sanders từng nói trước những người ủng hộ ở Vermont vào năm 2008.
Đến năm 2017, ông Sanders - người tự nhận mình là người theo trường phái dân chủ xã hội - lại ngợi khen hệ thống chăm sóc y tế của Đan Mạch, nói rằng: "Họ có thể vận hành một hệ thống chăm sóc y tế chất lượng cao - có khi tốt hơn của chúng ta - với chi phí chỉ bằng một nửa. Bởi đó là một hệ thống chăm sóc y tế công".
Thiết lập một hệ thống chăm sóc sức khỏe công và được rót vốn - còn gọi là "Chăm sóc y tế cho tất cả" (Medicare for All) - hiện là một trong những ý tưởng lớn của ông Sanders với tư cách một ứng viên tranh chức Tổng thống của đảng Dân chủ, và ông dường như vẫn lấy cảm hứng từ mô hình Bắc Âu khi mới đây đề cập tới chi phí sinh con thấp ở Phần Lan trên Twitter.
Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân Chủ Bernie Sanders (Ảnh: CNN)
|
Đương nhiên, việc so sánh giữa một quốc gia như Phần Lan với toàn thế nước Mỹ là rất khó. Không có hệ thống y tế của một nước nào - xét về cả lịch sử và địa lý của một nước - có thể trở thành mô hình hoàn hảo cho nước khác.
Nhưng hệ thống y tế 130 năm tuổi của Phần Lan lại khác. Không chỉ được phần lớn dân số (88%) ủng hộ, chương trình chăm sóc y tế hoàn toàn miễn phí của nó khiến không một người Phần Lan nào có thể tức giận vì chi phí thuốc men (dù không phải là không có những lời phàn nàn).
Như nhà báo Phần Lan Anu Partenen chỉ ra, bạn không thể lên kế hoạch bị bệnh như thể lên kế hoạch trang trải chi phí đại học hay mua một chiếc xe hơi mới. Không ai có thể biết được khi nào họ cần được chăm sóc y tế với cái giá cực kỳ đắt đỏ. "Chăm sóc y tế không giống như đi mua quần" - bà Partenen nói - "Người tiêu dùng không thể nói rằng liệu pháp trị ung thư này quá đắt nên tôi không thể mua nó - nói chung các quy tắc thông thường của thị trường không áp dụng được với chăm sóc sức khỏe".
Ở Phần Lan, chăm sóc y tế được coi là một quyền hơn là một đặc ân, bà Partenen nói, bởi vậy mà hệ thống này được quản lý bởi chính phủ thay vì khu vực tư nhân. Người ta không đặt câu hỏi về sự bình đẳng trong chăm sóc y tế, mà quan tâm tới tính hiệu quả. "Chính phủ Phần Lan sẽ đàm phán giá thuốc men với các công ty phát triển liệu pháp - còn ở Mỹ, vấn đề là chương trình chăm sóc y tế bị cấm khỏi các cuộc đàm phán như vậy" - bà Partenen lý giải vì sao chăm sóc y tế ở Phần Lan lại rẻ hơn so với Mỹ.
Và rồi xét đến chất lượng của hệ thống y tế. Phần Lan là 1 trong số 5 quốc gia có tỷ lệ tử vong ở bà mẹ thấp nhất thế giới, và người Phần Lan có tuổi thọ trung bình cao hơn người Mỹ. Phần Lan cũng nằm trong số các quốc gia đứng đầu thế giới về quyền tiếp cận dịch vụ y tế.
Đương nhiên, mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tháng 3 năm nay, Thủ tướng Phần Lan đã từ chức do không thể thông qua kế hoạch cải cách hệ thống y tế trong Quốc hội - trở thành vị Thủ tướng thứ hai liên tiếp thất bại trong việc cải cách hệ thống này.
Hệ thống y tế phi tập trung của Phần Lan thường được quản lý bởi các cấp chính quyền địa phương, với dân số trong khoảng từ hàng trăm nghìn người tới ít hơn 100 người. Và bản chất phi tập trung này không chỉ khiến cho chi phí vận hành đội lên cực cao, khó duy trì, mà còn có thể gây ra tình trạng chất lượng chăm sóc sức khỏe không đồng đều.
Chính quyền các thành phố nhận được nguồn ngân sách để rót cho hệ thống y tế địa phương dựa trên số lượng người dân đóng thuế, điều này khiến họ khó cung cấp các dịch vụ y tế cho các khu vực xa xôi và rộng lớn hơn - những nơi mà các dịch vụ y tế còn đắt đỏ hơn.
Tháng 3 năm nay, sau khi Thủ tướng Juha Sipila từ chức, Thống đốc ngân hàng Phần Lan Ollie Rehn đã cảnh báo rằng kế hoạch cải cách hệ thống y tế là điều cấp thiết xét về "sự bền vững tài chính".
Dân số Phần Lan đang già hóa, bởi vậy người trong độ tuổi đóng thuế ít đi (Ảnh: FT)
|
Trong bối cảnh dân số Phần Lan đang già hóa trong khi tỷ lệ sinh đẻ giảm, số lượng người đóng thuế để duy trì hệ thống y tế đang giảm dần - trong khi dân số nói chung của nước này sống lâu hơn và gây sức ép lớn hơn lên các nguồn lực. Một nghiên cứu công bố trong năm 2018 cho thấy, trung bình một người Phần Lan phải đóng thuế tới 30%, cao hơn nhiều so với 23,8% ở Mỹ.
"Người Phần Lan ngày càng ít sinh con hơn. Nhiều người đang già đi. Bởi vậy chúng tôi cần thêm người, chúng tôi cần thêm người đóng thuế" - Juha Tuominen, CEO của bệnh viện lớn nhất ở Phần Lan, nói - "Nếu muốn có sự ổn định, chúng ta cần có thêm người tới Phần Lan, hoặc sẽ buộc phải cắt giảm chi phí".
Để giúp hệ thống y tế Phần Lan có sự ổn định về tài chính, một trong những mục tiêu trong kế hoạch cải cách của chính phủ nước này là cắt giảm chi phí của các dịch vụ tập trung và đưa ra nhiều lựa chọn tư nhân hơn. Chăm sóc y tế tập trung được duy trì khá khó khăn ở một quốc gia có cộng đồng dân cư rải rác ở một số khu vực, trong khi hệ thống y tế được thiết kế để phục vụ cả những vùng xa xôi nhất - kéo dài tới tận Vòng Cực.
Trở lại năm 2013, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo rằng Phần Lan đang dần tụt hậu so với các nước thành viên khác của OECD vì có tỷ lệ cao người dân có nhu cầu chưa được đáp ứng. Vào thời điểm đó, hơn 4% dân số Phần Lan nói rằng họ không được đáp ứng các nhu cầu về thuốc men do vấn đề chi phí, khoảng cách di chuyển xa hoặc phải chờ đợi quá lâu - tỷ lệ cao hơn so với Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Hà Lan.
Khi nguồn ngân sách dành cho các thế hệ thương lai đang thu hẹp dần, rồi sẽ có thêm nhiều người Phần Lan nhận ra rằng các nhu cầu của họ không được đáp ứng - ông Heiki Hiilamo, chuyên gia chính sách xã hội Phần Lan, cảnh báo. Vị chuyên gia cũng cảnh báo rằng, trừ khi được cải cách, hệ thống y tế Phần Lan có thể trở nên bất bình đẳng, khi mà người nghèo và những người ở vùng sâu vùng xa ngày càng không tiếp cận được với hệ thống vốn được thiết kế để phục vụ họ.
"Những người không sống ở Phần Lan thường chỉ nhìn thấy phần tốt của hệ thống này" - ông Hiilamo lý giải - "Thông thường, chúng ta luôn chỉ cho người ta phần có ánh nắng trên đường, nhưng rõ ràng là có góc tối của con đường đó. Và hệ thống y tế rõ ràng đang ở góc tối, trong suốt nhiều năm qua chúng tôi luôn có một vấn đề".
Theo CNN