Vì sao Trung Quốc tổ chức Đại hội đối thoại văn minh châu Á?

VietTimes -- Ngày 15.5, Đại hội đối thoại văn minh châu Á lần thứ nhất đã khai mạc tại Bắc Kinh với sự tham dự của khoảng 2 ngàn đại biểu là chính khách, học giả, nhà nghiên cứu, những người hoạt động trong các lĩnh vực xã hội, giáo dục, du lịch, báo chí truyền thông...Trước đó, trong cuộc họp báo hôm 9.5, Văn phòng Quốc Vụ viện cho biết đây là hoạt động ngoại giao lớn của Trung Quốc trong năm nay được tổ chức theo sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình, với chủ đề là “Văn minh châu Á giao lưu học hỏi và cộng đồng vận mệnh” sau Hội nghị “Vành đai, con đường” lần thứ 2.
Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân tiếp và chiêu đãi lãnh đạo các nước đến dự đại hội
Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân tiếp và chiêu đãi lãnh đạo các nước đến dự đại hội

Theo kế hoạch, đại hội sẽ mời nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế tới tham dự. Khoảng 2000 đại biểu sẽ tham dự lễ khai mạc, các diễn đàn, hoạt động Năm Văn hóa châu Á, Tuần Văn minh châu Á... Tuy nhiên, khác với Hội nghị “Vành đai, con đường”, có vẻ rất ít lãnh đạo các quốc gia nhận lời tham dự đại hội.

Tối 14.5, vợ chồng ông Tập Cận Bình đã mở tiệc chiêu đãi hoan nghênh vợ chồng các nhà lãnh đạo các nước đến tham dự đại hội. Theo trang tin Đa Chiều thì nhận lời đến dự đại hội chỉ có các nhà lãnh đạo 4 quốc gia châu Á gồm: Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni,  nữ Tổng thống Singapore Halimah Yacob, Tổng thống Srilanka Maithripala Sirisena và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan; ngoài ra có thêm Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos tham dự với tư cách "quốc gia văn minh cổ đại châu Âu". Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc chỉ đưa tin "nhiều lãnh đạo các quốc gia và tổ chức quốc tế" tham dự mà không nêu số lượng hay tên tuổi cụ thể.

Sáng ngày 15.5, đại hội đã khai mạc tại Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc đã đến dự và phát biểu khai mạc. Ông Tập Cận Bình cho rằng, ứng phó với thách thức chung, hướng tới tương lai tốt đẹp, vừa cần sức mạnh kinh tế, khoa học kỹ thuật nhưng cũng cần sức mạnh của văn minh văn hóa. Đại hội đối thoại văn minh châu Á là một sân chơi mới để thúc đẩy đối thoại bình đẳng, giao lưu học hỏi, khơi gợi lẫn nhau giữa châu Á với nền văn minh các nước trên thế giới.

Ông Tập Cận Bình phát biểu đề xuất chủ trương 4 điểm về "Văn minh châu Á cộng đồng vận mệnh"
Ông Tập Cận Bình phát biểu đề xuất chủ trương 4 điểm về "Văn minh châu Á cộng đồng vận mệnh"

Ông Tập Cận Bình nói, cần tăng cường sự giao lưu học hỏi giữa các quốc gia, các dân tộc, các nền văn minh, xây dựng cộng đồng vận mệnh châu Á và cơ sở cộng đồng nhân văn nhận loại bền chắc. Để thực hiện, ông đề xuất chủ trương 4 điểm:

Thứ nhất, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng với nhau.

Theo ông Tập Cận Bình, mỗi nền văn minh đều bám rễ vào mảnh đất sinh tồn của mình ngưng tụ trí tuệ phi phàm và tinh thần của cả quốc gia, dân tộc; đều có giá trị tồn tại riêng.

Ông nói, loài người có sự khác biệt về màu da, ngôn ngữ; văn minh chỉ có khác biệt về sắc thái chứ quyết không phân chia cao thấp. Kẻ nào cho rằng chủng người và văn minh của mình cao hơn người khác, có ý định cải tạo thậm chí thay thế nền văn minh khác là ngu xuẩn về ý thức và tai họa trong hành động. Nếu văn minh nhân loại biến thành một sắc thái, một mô thức thì thế giới này quá đơn điệu và thật chán ngắt!

Thứ hai, kiên trì vẻ đẹp con người, đẹp đẽ cùng nhau.

Theo ông Tập Cận Bình, mọi vẻ đẹp đều gắn bó với nhau; các nền văn minh vốn không có xung đột, chỉ có con mắt hưởng thụ vẻ đẹp của mọi nền văn minh (hay không). Vừa cần làm cho văn minh nước mình tràn đầy sức sống, cũng cần tạo điều kiện cho văn minh nước khác phát triển để vườn hoa văn minh thế giới nở rộ khoe sắc.

Thứ ba, kiên trì mở cửa bao dung, học hỏi lẫn nhau.

Ông Tập Cận Bình cho rằng, giao lưu học hỏi là yêu cầu bản chất của phát triển văn minh. Chỉ có giao lưu học hỏi với nền văn minh khác, lấy sở trường bù sở đoản mới giữ được sức sống thịnh vượng. Sự giao lưu học hỏi giữa các nền văn minh là đối đẳng, bình đẳng, cần đa nguyên, đa hướng chứ không phải cưỡng chế, cưỡng ép; không nên là đơn nhất và một hướng.

Ông nói: “Chúng ta cần dùng tấm lòng rộng mở biển đón trăm sông để đả phá lô cốt bảo thủ giao lưu văn hóa; dùng thái độ thu gom tất cả để thu nhận các nền văn minh khác, thúc đẩy văn minh châu Á cùng tiến về phía trước trong giao lưu học hỏi”.

Ông Tập Cận Bình bắt tay bà Tổng thống Singapore Halimah Yacob trong phòng họp
Ông Tập Cận Bình bắt tay bà Tổng thống Singapore Halimah Yacob trong phòng họp

Thứ tư, kiên trì tiến cùng thời đại, phát triển sáng tạo.

 Ông Tập Cận Bình nói, lịch sử văn minh thế giới cho thấy một quy luật: bất cứ nền văn minh nào cũng đều tiến cùng thời đại, không ngừng hấp thụ tinh hoa thời đại. Ông nói: “Chúng ta cần dùng động lực phát triển để sáng tạo, tăng thêm văn minh, kích hoạt nguồn gốc tiến bộ văn minh, không ngừng sáng tạo nên thành quả văn minh vượt thời đại và có sức sống vĩnh hằng”.

Đa Chiều cho biết, có học giả cho rằng việc tổ chức Đại hội đối thoại văn minh châu Á là một “diệu chiêu” (chiêu thức tuyệt vời) của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy cấu trúc chung vận mệnh; trong tình hình cục diện toàn cầu biến đổi mạnh mẽ hiện nay, “Thế ký châu Á” đang tới gần, tổ chức hoạt động này rất hợp thời.

Hôm 12.5, ông Từ Lân, Phó Ban tuyên truyền trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Ban tổ chức đại hội đã nói trong cuộc họp báo, bác bỏ luận điệu cho rằng Trung Quốc tổ chức Đại hội văn minh châu Á là nhằm mở rộng ảnh hưởng, đoàn kết các nền văn minh châu Á để đối phó với áp lực của phương Tây và khẳng định: “Trung Quốc tổ chức Đại hội đối thoại văn minh châu Á không vì đối kháng văn minh, mà là tăng cường sự giao lưu học hỏi giữa các nền văn minh, lấy sở trường bù sở đoản, cùng nhau tiến bộ”.

Bên trong phòng họp phiên khai mạc đại hội
Bên trong phòng họp phiên khai mạc đại hội

Ông Từ Lân nói, trên quốc tế có một số dư luận tuyên truyền giữa phương Đông và phương Tây có “đọ sức văn minh”,”xung đột văn minh”, “đối kháng văn minh”. Nếu là do hiểu lầm thì cho thấy sự đối thoại giao lưu văn minh càng cần thiết, càng có giá trị, càng có ý nghĩa. Nếu là có dụng tâm xấu, ý đồ kích động va chạm và đối đầu thì sẽ không được lòng người và tất yếu thất bại.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, Đại hội giao lưu văn minh châu Á gồm 4 mảng hoạt động lớn với hơn 110 hạng mục, thu hút các đại biểu của 47 nước châu Á và gần 50 nước ngoài châu Á; trong đó riêng lễ hội Năm văn hóa châu Á sẽ có khoảng hơn 30 ngàn người tham dự.

Đa Chiều bình luận, bài phát biểu cùng 4 luận điểm của ông Tập Cận Bình chính là sự phê phán, đáp lại ‘thuyết xung đột văn minh” của giới chính trị Mỹ và là sự cụ thể hóa của luận điểm “Cộng đồng vận mệnh nhân loại” do ông đưa ra tại Diễn đàn Bác Ngao ngày 28.3.2015.