Tình hình Biển Đông mới nhất:

Vì sao Trung Quốc tập trận với quân Thái Lan khi Tổng thống Obama thăm Việt Nam?

VietTimes -- Cuộc diễn tập liên hợp "Đột kích xanh" giữa Trung Quốc-Thái Lan cũng đã lặng lẽ triển khai trong thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam tăng cường quan hệ Việt-Mỹ.
Trung Quốc và Thái Lan tổ chức diễn tập hải quân đánh bộ "Đột kích xanh" cả trên biển và trên bộ.
Trung Quốc và Thái Lan tổ chức diễn tập hải quân đánh bộ "Đột kích xanh" cả trên biển và trên bộ.

Báo Đa Chiều ngày 29/5 cho rằng mặc dù điều này hoàn toàn không nổi bật so với Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa kết thúc, nhưng chuyên gia cho rằng, đây có thể đã trở thành sự khởi đầu cho việc Trung Quốc triển khai "một đợt hành động thực tế" tiếp theo ở Biển Đông.

Không thể phủ nhận, sau khi Nhật Bản tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7, các nước liên quan tiếp tục lên tiếng về vấn đề Biển Đông. Nhưng, các nước vẫn dừng lại ở "quan ngại". 

Trong khi đó, Trung Quốc đã triển khai "hành động". Sau khi Trung Quốc tự tuyên bố nhận được khoảng 40 nước ủng hộ về lập trường của họ ở Biển Đông mà chưa được kiểm chứng, Trung Quốc và Thái Lan lại tiếp tục tổ chức diễn tập liên hợp - Đa Chiều coi đây là một "tiêu chí" khác cho "hành động lớn hơn" ở Biển Đông.

Trung Quốc không sợ dư luận?

Theo Đa Chiều, đối với Trung Quốc, các động thái ở Biển Đông liên quan sau Hội nghị Thượng đỉnh G7 khiến cho Bắc Kinh vô cùng bất mãn. 

Trung Quốc và Thái Lan tổ chức diễn tập hải quân đánh bộ
Trung Quốc và Thái Lan tổ chức diễn tập hải quân đánh bộ "Đột kích xanh" cả trên biển và trên bộ.

Tuyên bố của G7 bày tỏ quan ngại đối với tình hình biển Hoa Đông và Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý, kiểm soát và giải quyết hòa bình tranh chấp, qua đó thể hiện sự quan ngại của G7 đối với vấn đề này.
Các chính khách như Thủ tướng Anh David Cameron cũng thúc giục Trung Quốc trở thành một bộ phận "của thế giới dựa trên quy tắc", "tuân thủ trọng tài". 

Tình hình này rõ ràng hoàn toàn không phải là tín hiệu tốt lắm đối với Trung Quốc - nước luôn nhấn mạnh dùng trọng tài để giải quyết vấn đề Biển Đông là "phi pháp, vô hiệu". 

Trung Quốc là một nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, nhưng lại hùng hồn tuyên bố không chấp nhận, không thừa nhận, không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc về vụ kiện Biển Đông của Philippines. 

Đa Chiều cho rằng, mặc dù G7 đưa ra tuyên bố như vậy, nhưng cũng chỉ là bày tỏ thái độ. Trong khi đó, về giao lưu quân sự ở Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc cũng chỉ đối mặt với các hành động của Mỹ và "đồng minh". 

Chẳng hạn, trong cuộc diễn tập quy mô lớn vòng quanh Biển Đông do Hải quân Trung Quốc triển khai bất hợp pháp trong tháng 5/2016, biên đội tàu chiến Trung Quốc đã liên tục bị tàu chiến, máy bay của Australia, Mỹ, Nhật Bản theo dõi, bao gồm 5 tàu chiến các loại, 5 máy bay tuần tra, trinh sát. 

Đa Chiều cho rằng, tình hình này cũng đã cho thấy, thực chất của vấn đề Biển Đông là mâu thuẫn giữa Trung-Mỹ, các nước ngoài khu vực khác hoàn toàn không muốn dễ dàng can thiệp.

Đó là suy nghĩ của Đa Chiều, trên thực tế, thực chất của vấn đề Biển Đông là Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược, nhảy vào tranh chấp và gây ra điểm nóng ở Biển Đông hiện nay, bấp chấp luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. 

Còn có bao nhiêu nước sẽ can thiệp vào vấn đề Biển Đông và can thiệp ở mức độ nào thì còn phải chờ quan sát, nhưng chắc chắn sẽ không như Đa Chiều nhận định.

Hiện nay, Mỹ và Nhật Bản đang tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhưng Đa Chiều tự tin cho rằng Bắc Kinh và Washington đã "ngang sức ngang tài" trong vấn đề Biển Đông.

Theo bài báo, Mỹ lôi kéo G7 chống lại Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc "đã nhận được sự ủng hộ" của hai nước lớn châu Á-Thái Bình Dương như Nga, Ấn Độ. Đây là Đa Chiều nói theo tuyên bố của Bắc Kinh, chứ chưa được Nga và Ấn Độ xác nhận. Bắc Kinh hay tự nhận cái hay về mình và đổ lỗi cho người như vậy.

Gần đây, Trung Quốc cũng tìm cách lôi kéo các nước khác để ủng hộ họ trong vấn đề Biển Đông. Chẳng hạn, vào tháng 4/2016, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm 3 nước ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Lào.

Sau chuyến thăm, ngày 25/4, Bắc Kinh tự cho là đã "đạt được đồng thuận quan trọng" với ba nước này về vấn đề Biển Đông. Nhưng ngay lập tức, quan chức Campuchia đã phủ nhận, cho rằng, không đạt được bất cứ "đồng thuận" nào với Trung Quốc, khiến Bắc Kinh hết sức bẽ mặt.

Đa Chiều tự tin là Bắc Kinh đã chiếm ưu thế về dư luận ngay từ các nước trong khu vực, chứ không phải như Mỹ, Nhật Bản.

Trung Quốc lôi kéo các nước về mặt quân sự 

Theo Đa Chiều, sau khi bước vào năm 2016, Trung Quốc đã có các hành động quân sự ở các nước liên quan Biển Đông. Tài liệu cho thấy, ngày 26/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng thăm Campuchia, nhưng không nhận được cam kết cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông từ Phnom Penh.

Trái lại, thông qua cuộc diễn tập liên hợp hải quân Trung Quốc-Campuchia vào ngày 24/2, Campuchia đã thể hiện “quan hệ hợp tác” giữa Bắc Kinh và Phnom Penh.

Cuộc diễn tập liên hợp "Đột kích xanh" giữa Trung Quốc-Thái Lan cũng đã lặng lẽ triển khai trong thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam tăng cường quan hệ Việt-Mỹ. 

Trung Quốc và Thái Lan cử 500 binh sĩ đánh bộ tham gia diễn tập, quy mô lớn. Đa Chiều cho rằng, hai bên không phô trương về cuộc diễn tập này cho thấy có "ý đồ ngầm" ở bên trong. 

Tuy nhiên, Đa Chiều chắc không đọc báo chí Trung Quốc, bởi vì Bắc Kinh cũng đã tích cực tuyên truyền về cuộc diễn tập này, nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn.

Đa Chiều cho rằng sau một cuộc diễn tập quân sự liên hợp, Trung Quốc và Thái Lan chắc chắn có thể tăng cường khả năng ứng phó với các mối đe dọa chung như cướp biển và chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Điều này rất quan trọng đối với nhà cầm quyền Bangkok. 

Ngoài ra, đối với Trung Quốc, hợp tác với Quân đội Thái Lan - nước chịu ảnh hưởng rất lớn vào Mỹ về đào tạo cán bộ và vũ khí trang bị - đây cũng là "cơ hội tốt" để kiểm nghiệm trang bị của họ và tiếp cận việc vận dụng chiến thuật trong điều kiện thực tế.

Ngoài ra, Thái Lan ngày càng có xu hướng mua sắm vũ khí của Trung Quốc. Cách đây không lâu, hai nước ký kết hợp đồng mua xe tăng MBT-3000 Trung Quốc. Trước đó, hai nước cũng từng ký kết đơn đặt hàng lớn hơn, bao gồm đơn đặt hàng tàu ngầm.

Hàng loạt dấu hiệu cho thấy, trong thời điểm "đối đầu" giữa Philippines và Việt Nam với Trung Quốc ngày càng gay gắt, Thái Lan có thể đã bắt đầu gia tăng mức độ "hợp tác" với Bắc Kinh ở những khu vực nhạy cảm này - Đa Chiều nhận định.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc với nhiều nước ASEAN căng thẳng, diễn tập liên hợp giữa lực lượng hải quân đánh bộ hai nước Trung Quốc-Thái Lan đã thể hiện "tính đại diện" (biểu tượng). 

Đa Chiều nhận định: Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc thụ lý vụ kiện Biển Đông của Philippines cho thấy, các nước Mỹ, Nhật Bản đã gia tăng mức độ "quốc tế hóa" Biển Đông.

Điều này phát đi một tín hiệu đối với Bắc Kinh đó là: Trung Quốc phải thông qua các phương thức như tổ chức diễn tập quân sự liên hợp để tăng cường quan hệ với (lôi kéo) các đối tác truyền thống và đối tác mới. Do đó, cuộc diễn tập quân sự liên hợp giữa Trung Quốc-Thái Lan có thể chỉ là sự khởi đầu.