Vì sao ông Tập Cận Bình thăng cấp Thượng tướng hai đợt, số lượng lớn và nhiều người được thăng trước niên hạn?

VietTimes -- Năm 2019, Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc Tập Cận Bình đã phá vỡ thông lệ, tổ chức thăng hàm hai đợt và thăng hàm Thượng tướng – cấp hàm cao nhất quân đội Trung Quốc - cho tổng cộng 17 người chỉ trong một năm. Một mặt, nhiều người đã được thăng cấp dù không đủ tiêu chuẩn; mặt khác, tướng Lưu Quốc Trị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quân ủy, lại không được thăng hàm trong cả hai đợt. Điều này gây nên những ý kiến bàn tán khác nhau trong giới quan sát, nghiên cứu về Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo Quân ủy cùng 7 Thượng tướng được thăng cấp hôm 12/12.Ảnh: Tân Hoa xã.
Ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo Quân ủy cùng 7 Thượng tướng được thăng cấp hôm 12/12.Ảnh: Tân Hoa xã.

Trong các ngày 9, 10, 12 và 13/12, có bốn lễ phong và thăng hàm cấp tướng cho 139 sĩ quan quân đội liên tiếp được Quân ủy Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh; trong đó có 7 Thượng tướng.

Vào ngày 12/12, tại lễ thăng hàm Thượng tướng tổ chức tại Tòa nhà Bát Nhất, trụ sở Quân ủy Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy Tập Cận Bình đã trao quyết định thăng cấp từ Trung tướng lên Thượng tướng cho 7 người. Những người được thăng Thượng tướng lần này là: Tư lệnh Chiến khu miền Đông Hà Vệ Đông, Chính ủy Chiến khu miền Đông Hà Bình, Chính ủy Chiến khu miền Nam Vương Kiến Vũ, Tư lệnh Chiến khu miền Bắc Lý Kiều Minh, Tư lệnh quân chủng Tên lửa Chu Á Ninh, Tư lệnh Lực lượng Chi viện chiến lược Lý Phượng Bưu và Viện trưởng Viện Khoa học quân sự Dương Học Quân.

Trong số những người được thăng hàm Thượng tướng đợt này, ngoài Dương Học Quân, Viện trưởng Viện Khoa học quân sự, được thăng hàm Trung tướng năm 2013, 6 người còn lại đều mới được thăng cấp Trung tướng năm 2017, tốc độ thăng cấp rất nhanh, đều là phong trước thời hạn.

Trong 7 người này, ngoài 6 tướng gồm: Hà Bình, Chính ủy Chiến khu miền Đông; Vương Kiến Vũ, Chính ủy Chiến khu miền Nam; Lý Kiều Minh, Tư lệnh Chiến khu miền Bắc; Chu Á Ninh, Tư lệnh quân chủng Tên lửa; Lý Phượng Bưu, Tư lệnh Lực lượng Chi viện chiến lược; và Dương Học Quân, Viện trưởng Viện Khoa học quân sự, đều là Ủy viên Trung ương khóa 19; nhưng Tư lệnh Chiến khu miền Đông Hà Vệ Đông lại thậm chí không phải là Ủy viên Dự khuyết Trung ương, điều khá hiếm thấy trong quân đội Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình cùng các lãnh đạo Quân ủy và 10 Thượng tướng được thăng cấp đợt ngày 31/7.
Ông Tập Cận Bình cùng các lãnh đạo Quân ủy và 10 Thượng tướng được thăng cấp đợt ngày 31/7.

Đáng lưu ý, đây là đợt thăng hàm Thượng tướng lần thứ 2 trong năm 2019. Vào ngày 31/7 năm nay, ông Tập Cận Bình đã thăng hàm Thượng tướng cho 10  người trong Tòa nhà Bát Nhất ở Bắc Kinh, bao gồm Lý Thượng Phúc, Bộ (Cục) trưởng Phát triển Trang bị Quân ủy; Viên Dự Bách, Tư lệnh Chiến khu miền Nam; Ngô Xã Châu, Chính ủy Chiến khu miền Tây; Phạm Kiêu Tuấn, Chính ủy Chiến khu miền Bắc; Chu Sinh Lĩnh, Chính ủy Chiến khu miền Trung; Tư lệnh hải quân Thẩm Kim Long, Chỉnh ủy Hải quân Tần Sinh Tường; Tư lệnh Không quân Đinh Lai Kháng; Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng Trịnh Hòa và An Triệu Khánh, Chính ủy Lực lượng Cảnh sát vũ trang.

Cả 10 Thượng tướng PLA và Cảnh sát vũ trang được thăng hàm đợt này đều là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19.

Điều đáng lưu ý ở đây là, quân đội Trung Quốc có các “quy định bất thành văn” cho việc thăng hàm Thượng tướng bao gồm: các ứng cử viên đã giữ chức 2 năm trở lên ở cấp trưởng Chiến khu, đã được thăng cấp Trung tướng 4 năm và tổng số Thượng tướng không được vượt quá hai phần ba tổng số cán bộ cấp trưởng Chiến khu... Thế nhưng, mấy năm gần đây ông Tập Cận Bình đã liên tục phá vỡ các quy định thông lệ đó trong việc đề bạt các tướng lĩnh.

Theo các điều kiện thăng cấp, trong số 10 Thượng tướng được thăng hàm hôm 31/7, chỉ có 4 người là Phạm Kiêu Tuấn, Viên Dự Bách, Tần Sinh Tường và Đinh Lai Kháng là đáp ứng đủ; 6 người còn lại đều được đề bạt kiểu “phá cách”: họ đều được thăng cấp Trung tướng vào tháng 7/2016, tức mới giữ cấp hàm này 3 năm, được phong trước thời hạn 1 năm.

Trong số 7 Thượng tướng được thăng cấp vào ngày 12/12, chỉ có Dương Học Quân đáp ứng đủ các điều kiện để thăng cấp theo quy ước. 3 người là Hà Bình, Lý Kiều Minh và Chu Á Ninh chỉ đáp ứng một điều kiện là đã giữ cấp trưởng Chiến khu trong 2 năm. Còn lại Hà Vệ Đông, Vương Kiến Vũ và Lý Phượng Bưu đều không đáp ứng đủ các yêu cầu thăng hàm, rõ ràng là đề  bạt kiểu “phá cách”.

Ông Tập Cận Bình trao quyết định thăng hàm Thượng tướng cho Dương Học Quân, Viện trưởng Viện Khoa học quân sự, sinh năm 1963, người được cho là Thượng tướng trẻ nhất toàn quân.
Ông Tập Cận Bình trao quyết định thăng hàm Thượng tướng cho Dương Học Quân, Viện trưởng Viện Khoa học quân sự, sinh năm 1963, người được cho là Thượng tướng trẻ nhất toàn quân.

Theo “Thượng Báo” của Đài Loan, với việc ông Tập Cận Bình đột phá trong đề bạt, “Tập gia quân” (tức đạo quân của gia đình họ Tập) đã được hình thành. Bài bình luận của “Thượng Báo” cho rằng ông Tập Cận Bình đã phá vỡ thông lệ, phong hai đợt Thượng tướng cho số lượng lớn tướng lĩnh trong vòng một năm, khiến các tướng lĩnh “cấp trưởng Chiến khu” hiện tại của  quân đội Trung Quốc đều là hạt giống đỏ của “Tập gia quân”.   

Đồng thời với việc này, giới quan sát bên ngoài chú ý đến việc Trung tướng Lưu Quốc Trị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quân ủy, dù đầy đủ các tiêu chuẩn nhưng đã bị đánh rớt trong cả hai đợt thăng hàm Thượng tướng năm nay.

Một số nhà phân tích cũng cho rằng sự hình thành của “Tập gia quân” năm nay có liên quan đến thông tin trước đây về việc hơn 70 tướng lĩnh liên quan đến vụ án của Phòng Phong Huy - nguyên Tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên hợp Quân ủy, đã bị bí mật giáng cấp trong thời gian qua. Năm 2018, ông Tập Cận Bình cũng đã không thăng cấp Thượng tướng cho ai do xảy ra các vấn đề trong nội bộ quân đội.