Vì sao lao động nước ngoài đổ xô đến thành phố châu Âu 700 năm tuổi này?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Số lượng người nước ngoài đến làm việc ở Lithuania đã tăng từ khoảng 145.000 vào năm 2022 lên hơn 200.000 vào năm 2023.

Thành phố Vilnius, Lithuania thu hút nhiều lao động nước ngoài (Ảnh: Getty)
Thành phố Vilnius, Lithuania thu hút nhiều lao động nước ngoài (Ảnh: Getty)

Khi anh trai của Ricardo Schmitz đến thăm anh ở Vilnius, Lithuania, họ đã đi dạo giữa đêm vào mùa Đông - điều mà anh ấy nói rằng họ sẽ không bao giờ làm được khi còn ở quê nhà Brazil.

“Anh trai tôi chưa từng thấy tuyết từ khi còn nhỏ nên anh ấy cực kỳ phấn khích. Chúng tôi đi bộ từ nửa đêm đến 3 giờ sáng”, Schmitz nói với CNBC. “Không lúc nào tôi cảm thấy căng thẳng hay lo lắng. Đối với tôi, điều này là vô giá”.

Schmitz đến Vilnius lần đầu tiên vào năm 2018 với tư cách là sinh viên trao đổi trong một chương trình du học. Sau khi nhận được một công việc toàn thời gian, anh trở lại vào năm 2020 và hiện làm cố vấn cấp cao cho Deloitte và giảng viên về luật tài chính và thuế tại ĐH Mykolas Romeris của Lithuania.

“Khi tôi trở lại đây, tôi có cảm giác yên bình như đang ở nhà”, Schmitz kể lại. “Kế hoạch cho tương lai gần là ở lại”.

“Khát” công nhân có tay nghề

Theo truyền thông địa phương, Schmitz chỉ là một trong số rất nhiều người nước ngoài sống và làm việc ở Lithuania. Số lượng người nước ngoài đến làm việc ở quốc gia này đã tăng từ khoảng 145.000 vào năm 2022 lên hơn 200.000 vào năm 2023.

Chiến dịch truyền miệng “Vilnius - điểm G của Châu Âu” đã gây chú ý trên toàn thế giới vào năm 2018, trong khi các tổ chức do chính phủ tài trợ – như Work in Lithuania và Invest Lithuania – cũng đặt mục tiêu thu hút lao động nước ngoài có tay nghề cao và đầu tư vào đất nước này.

Với dân số chỉ 2,8 triệu người, Lithuania đang thiếu nhân tài để thúc đẩy các lĩnh vực tài chính và công nghệ đang phát triển của họ.

4-7080.png
Ricardo Schmitz đến Vilnius để tìm kiếm cơ hội việc làm hấp dẫn

Những chuyên gia trẻ tuổi như Schmitz bị thu hút bởi những cơ hội nghề nghiệp như vậy. Trong một cuộc khảo sát với 1.300 sinh viên nước ngoài hiện đang học tại Vilnius, 42% cho biết họ muốn lưu lại sau khi tốt nghiệp ở Vilnius.

“Tôi bắt đầu với tư cách là một thực tập sinh, sau đó chuyển sang làm cố vấn và hiện tại tôi đang ở vị trí cấp cao”, Schmitz cho biết. “Do ở đây là một thị trường nhỏ nên bạn có nhiều cơ hội hơn và điều đó giúp bạn phát triển”.

Thời gian xử lý thị thực giảm từ 8 tháng xuống chỉ còn 1 tháng và thậm chí còn có khoản trợ cấp nhập cảnh trị giá 3.444 euro (khoảng 3.764 USD) được trao cho người nước ngoài làm việc trong các ngành nghề mà đất nước cần. Theo Work in Lithuania, khoảng 400 khoản phụ cấp đã được trao.

3-9713.png
Thành phố Vilnius về đêm (Ảnh: CNBC)

Lối sống lành mạnh

Lithuania có 15 ngày nghỉ lễ mỗi năm - con số cao thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU). Theo chỉ số Better Life Index của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ 1% nhân viên ở nước này làm việc nhiều giờ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10%.

OECD cũng xếp quốc gia này ở vị trí thứ 11 về cân bằng giữa công việc và cuộc sống - trước Thụy Sĩ và Hungary. Đó là điều mà Misha Johanna, một lao động nước ngoài, đánh giá là một lợi ích thực sự khi sống ở Vilnius.

“Công ty của tôi ở đây thực sự khuyến khích mọi người hưởng trọn kỳ nghỉ của mình. Điều đó rất khác với văn hóa làm việc ở Indonesia nơi tôi sinh sống”, Johanna, đến từ Jakarta, cho biết.

Giống như Schmitz, cô đến Vilnius để học, sau đó quyết định ở lại do mong muốn được ở bên bạn trai người Litva, người mà cô đã gặp ở Bali.

Johanna cho biết, người Indonesia có xu hướng thoải mái hơn trong công việc so với người Litva. Nhưng ở Indonesia, cô cảm thấy các ông chủ ít chấp thuận việc nghỉ phép, nghĩa là người lao động có xu hướng bịa ra lý do, thường liên quan đến gia đình, để che giấu kỳ nghỉ của họ, cô nói.

“Nhưng ở đây, tôi không phải làm như thế”, Johanna, hiện đang làm công việc quản lý nền tảng dữ liệu tiếp thị Whatagraph, cho hay. Cô thêm rằng điều đó giúp cô có những ngày rảnh rỗi để làm thêm công việc diễn viên. Johanna đã xuất hiện trong quảng cáo cho Burger King, ứng dụng giao hàng Just Eat và gần đây nhất là chiến dịch vận động cho Work In Lithuania.

“Không khí ở đây đặc biệt tốt. Ở Jakarta, bạn không thể thở được khi bước ra ngoài”, Johanna nói. “Vilnius cũng rất dễ đi bộ, và đó là một điều nữa mà tôi thực sự không thể làm được ở đất nước mình, vì đường ở đó không được làm cho người đi bộ”.

Laura Guarino từ Italy chuyển đến Vilnius vào năm 2021, cũng thông qua một chương trình du học. Cô cho biết cô rất vui khi tránh xa giao thông đông đúc ở Naples, đổi lấy việc đi bộ chỉ 10 phút là đến nơi làm việc ở Vilnius.

Guarino, hiện làm giám đốc phát triển kinh doanh cho Teltonika Telematics, cho biết: “Tôi đã yêu thành phố này. Naples rất đông đúc, khắp nơi chỉ có những tòa nhà cao tầng và rất nhiều phương tiện giao thông – điều đó thật khó chịu”.

2-3152.png
Phong cách sống lành mạnh là một điểm thu hút của Vilnius (Ảnh: Getty)

Những điều kiện khó khăn

Guarino, Schmitz và Johanna đều cảm thấy rất dễ hòa nhập vì hầu hết người dân địa phương đều thông thạo tiếng Anh, mặc dù họ đều nói rằng họ cũng đã tham gia các lớp học tiếng Litva.

Về mặt văn hóa, họ phải điều chỉnh theo cách tiếp cận một cách dè dặt hơn, điều này trái ngược với các thuộc tính cởi mở, giàu cảm xúc và các đặc tính đối thoại khác của các nền văn hóa Indonesia, Brazil và Italy.

Ngoài ra, chi phí sinh hoạt ở Vilnius không còn rẻ như trước kia. Guarino và Johanna cho hay giá thuê nhà, các loại hóa đơn và tiền mua tạp hóa không hề rẻ hơn so với ở quê hương của họ.

Cả 3 người cũng gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cuộc sống sao cho thích nghi được với mùa Đông khắc nghiệt kéo dài của Lithuania. Johanna tiết lộ rằng cô đã thử tham gia một truyền thống của địa phương có tên “ekete” – một buổi tắm hơi, sau đó là ngâm mình trong hồ băng, thứ mà cô mô tả là “trải nghiệm ngoài cơ thể”. Trong khi đó, Schmidtz tham gia vào bộ môn bi đá trên băng (curling).

Và Guarino có cách riêng để đối phó với mùa Đông ở Lithuania mà cô thừa nhận có thể trở nên rất khắc nghiệt. “Tôi chỉ cần uống thêm vitamin D, và trở về Naples vào dịp Giáng sinh”, cô nói./.

Theo CNBC