Thông tin về việc hàng loạt phi công của Vietnam Airlines xin nghỉ việc đang làm nóng dư luận và câu hỏi vì sao các phi công của hãng này nhảy việc đang được dư luận quan tâm.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng vừa có chỉ thị hỏa tốc về việc tăng cường công tác quản lý và đảm bảo nguồn nhân lực của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA).
Lý do Chỉ thị này được ban hành bởi thông tin về hàng loạt nhân viên hàng không kỹ thuật cao nộp đơn nghỉ việc để xin chuyển sang làm việc tại các hãng hàng không khác.
Hiện thông tin chính thức về nguyên nhân các phi công xin nghỉ việc hàng loạt vẫn chưa được tiết lộ nhưng theo nhiều ý kiến, nhiều khả năng vụ việc này chủ yếu là do vấn đề tiền lương và các chế độ đãi ngộ cho nhân viên tại VNA.
Mức lương chính thức cập nhật mới nhất đến thời điểm cuối năm 2014 chưa được phía VNA công bố nhưng các thông tin về quỹ lương và mức lương của phi công, tiếp viên và các lao động khác của VNA được trình bày trong bản công bố thông tin trước phiên đấu giá (IPO) hãng hàng không này vào ngày 14/11 vừa qua cũng đã được hé lộ.
Theo đó, năm 2013, lương bình quân tháng của một phi công VNA ở mức 74,8 triệu đồng và tiếp viên là 18,7 triệu đồng.
Theo kế hoạch đến năm 2018, VNA sẽ tăng số lượng phi công lên 1.128 người, trong đó khoảng 796 phi công Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng đội bay.
Trước nghi vấn hàng loạt các phi công VNA bỏ việc vì chuyện lương bổng, mặc dù các thông tin chính thức về mức lương của các hãng hàng không khác để so sánh cũng không hề được các bên công bố nhưng trước đó, những thông tin có liên quan cũng đã được đại diện VNA công bố trên báo chí.
Theo đó, trả lời Zing, ông Nguyễn Bùi Lâm, Phó Trưởng ban Tổ chức và phát triển nguồn nhân lực VNA, hiện VNA phải thuê phi công nước ngoài với giá khoảng từ 8.000 - 13.000 USD/người/tháng tùy theo chức danh, vị trí và loại máy bay phi công đảm nhận.
So với các hãng hàng không khác ở Việt Nam, VNA là hãng chủ động hơn về nguồn nhân lực phi công trong nước. Mức lương các phi công trong nước của VNA thường thấp hơn giá thuê phi công nước ngoài vì đã phải mất thêm chi phí đào tạo.
Cũng theo nguồn tin này, chi phí đào tạo cho một phi công cơ bản (tức mới bắt đầu) lên tới khoảng 2,5 tỷ đồng chưa kể các chi phí sau đó như đào tạo nâng cấp, chuyển loại….
Mức lương trong bản cáo bạch VNA công bố chính là tiền thu nhập bình quân mỗi tháng của phi công gồm lương hàng tháng và các khoản thu nhập khác như: Tiền lưu trú khi phải ở nước ngoài hoặc các địa điểm ngoài Hà Nội và TP.HCM, tiền ăn…
Thông tin về mức lương của phi công VNA càng thu hút sự quan tâm của dư luận hơn khi Bộ Công thương công bố công khai mức thu nhập của 120 lãnh đạo cấp cao thuộc 11 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc trong năm 2013.
Theo đó, thông tin công bố từ Bộ Công thương cho thấy, mức lương của phi công VNA khá cao so với mức thu nhập của nhiều lãnh đạo cao cấp tập đoàn thuộc nhóm có quy mô lớn nhất Việt Nam như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực…
Mức thu nhập bình quân tháng của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam năm 2013 chỉ ở mức hơn 65 triệu đồng. Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng chỉ có thu nhập hơn 61 triệu đồng/tháng.
Không có thông tin chính thức về mức thu nhập của phi công tại các hãng hàng không khác ở Việt Nam nhưng theo nhiều nguồn tin không chính thức được công bố trên các diễn đàn về hàng không, nếu một phi công giỏi của VNA chuyển sang bay cho một hãng khác ngay trong nước, thu nhập ước tính sẽ cao hơn khoảng từ 2 - 3 lần.
Trước thực trạng phi công xin nghỉ việc hàng loạt, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu VNA “thực hiện việc rà soát, điều chỉnh chế độ tiền lương để tăng thu nhập của lực lượng lao động kỹ thuật cao tại VNA một cách hợp lý và những chế độ đãi ngộ khác”. Việc này phải hoàn thành ngay trong quý I/2015.
Đối với các trường hợp xin nghỉ việc, Bộ trưởng Thăng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam “Tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lực lượng lao động kỹ thuật cao của VNA”.
Theo BizLIVE