Về Hanaka Group: DN được Bắc Ninh cho lập quy hoạch khu công nghiệp Gia Bình II

VietTimes – Đó là trường hợp của Khu công nghiệp Gia Bình II có quy mô quy hoạch khoảng 261,8ha, trong đó diện tích khu công nghiệp khoảng 250 ha. 
Quy hoạch Khu công nghiệp Gia Bình (Nguồn: izabacninh.gov.vn)
Quy hoạch Khu công nghiệp Gia Bình (Nguồn: izabacninh.gov.vn)

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Gia Bình II tỷ lệ 1/2.000, huyện Gia Bình.

Theo đó, Khu công nghiệp Gia Bình II nằm trên địa bàn các xã Nhân Thắng, Bình Dương, Thái Bảo và Vạn Ninh có quy mô quy hoạch khoảng 261,8 ha, trong đó diện tích khu công nghiệp khoảng 250ha.

Mục tiêu đồ án là đầu tư xây dựng khu công nghiệp tập trung theo hướng hiện đại, công nghiệp sạch thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Nam sông Đuống và tỉnh Bắc Ninh, làm cơ sở pháp lý để đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng đối với các dự án trong khu công nghiệp theo quy hoạch.

Tính chất là khu công nghiệp tập trung có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư, các dự án sản xuất kinh doanh hiện đại, công nghệ tiên tiến, công nghiệp sạch không gây ô nhiễm môi trường.

Trước đó, trong năm 2018, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu, tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Gia Bình II và giao cho CTCP Tập đoàn Hanaka (Hanaka Group) làm đơn vị tổ chức lập quy hoạch.

Chân dung Hanaka Group

Theo tìm hiểu của VietTimes, Hanaka Group được thành lập vào tháng 2/2007, trụ sở chính tại Khu công nghiệp Hanaka, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Tập đoàn có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thiết bị ngành điện, các sản phẩm máy biến áp dầu, máy biến áp amophous và máy biến áp khô, máy biến áp truyền tải có công suất đến 450MVA, điện áp đến 500kV; trạm trọn bộ, tủ bảng điện hạ thế, dây và cáp điện ngầm trung thế...

Tính đến tháng 3/2019, Hanaka Group có vốn điều lệ 1.699 tỷ đồng, gồm các cổ đông là Công ty TNHH Hồng Ngọc (59,34%), ông Mẫn Ngọc Anh (16,89%), ông Lâm Chí Thiện (0,64%), ông Mẫn Hồng Cần (0,09%), bà Nguyễn Thị Quế (0,27%), ông Dương Lạc (0,05%), ông Tạ Xuân Kiên (0,03%), ông Trịnh Văn Hiến (0,02%), ông Trương Văn Hòa (0,02%), ông Trần Vĩnh Hưng (0,01%), còn lại là các cổ đông khác (10,91%) và cổ phần chào bán ra ngoài (11,73%).

Ông Mẫn Ngọc Anh là Tổng giám đốc của Hanaka Group. Ngoài ra, ông Mẫn Ngọc Anh còn là Chủ tịch HĐTV tại Công ty TNHH Hồng Ngọc (Hồng Ngọc).

Theo tìm hiểu, Hồng Ngọc tiền thân là nhà máy thiết bị điện Hanaka, được thành lập từ năm 1994, trụ sở chính tại thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Doanh nghiệp này có ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác.

Tính đến ngày 24/6/2015, Hồng Ngọc có vốn điều lệ 389 tỷ đồng, gồm 3 thành viên là ông Mẫn Ngọc Anh (nắm giữ 99,08% cổ phần), ông Mẫn Hồng Cần (nắm giữ 0,07% cổ phần) và bà Nguyễn Thị Quế (nắm giữ 0,85% cổ phần).

Ngoài Hanaka Group, "hệ sinh thái" của giới chủ  Hồng Ngọc còn có nhiều cái tên khác như: CTCP BĐS Hong Kong, CTCP Môi trường Hanaka Miền Bắc, CTCP Mỹ phẩm Hanaka, CTCP Tư vấn Thiết kế và Xây dựng Công nghiệp Hanaka, Công ty TNHH Xây dựng Hạ tầng Văn Môn, Công ty TNHH Xây dựng Đường 277 Yên Phong, CTCP Tập đoàn Hanaka Land, CTCP Thiết bị điện Hanaka Sài Gòn, CTCP Cáp điện Hanaka – Korea, CTCP Máy biến áp truyền tải Hanaka 200 – 500KV, CTCP Bao bì Hanaka A.B.M.

Tại Bắc Ninh, Hanaka Group từng đầu tư xây dựng loạt dự án bất động sản như Khu đô thị Hanaka Paris City Từ Sơn, Khu phức hợp Hong Kong – Lon Don (thị xã Từ Sơn), Khu đô thị Hanaka – Văn Môn, Khu công nghiệp Hanaka, Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá – Văn Môn.

Trong đó, Khu đô thị Hanaka Paris City là dự án đầu tư bất động sản đầu tiên của Hanaka Group, đây là dự án tạo vốn đối ứng thanh toán cho dự án đầu tư xây dựng đường TL277 từ thị xã Từ Sơn đến thị trấn Chờ, huyện Yên Phong theo hình thức hợp đồng BT.

Được biết, dự án Hanaka Paris City từng bị tiến hành thanh tra do UBND tỉnh Bắc Ninh nhận được phản ánh có dấu hiệu trái pháp luật trong việc góp vốn mua đất tại dự án này./.