Về đích Thông tư 41: “Tốt nghiệp” hay sự khởi đầu mới?

Không như nhiều văn bản pháp luật khác, thời điểm các tổ chức tín dụng (TCTD) được công nhận áp dụng Thông tư 41 không phải là đích đến của cuộc đua để có thể thở phào xong việc mà chính là bước vào một chặng đường mới đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ.

Thông tư 41/2016/TT-NHNN (Thông tư 41) quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30-12-2016 đã chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2020.

Nhìn lại chặng đường đã qua

Cách đây hơn 20 năm, tuy các văn bản chính thức chưa nhắc đến chuẩn mực Basel, nhưng Quyết định 297/NHNN ban hành tháng 8-1999 đã bước đầu có quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động đơn giản, yêu cầu vốn cấp 1 ở mức 8%. Sáu năm sau, Quyết định 457/NHNN ban hành tháng 4-2005 điều chỉnh rõ hơn Quy định tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động, xác định hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) gồm vốn cấp 1 và cấp 2 ở mức 8%.

Phải đến tháng 5-2006, Quyết định 112 của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 mới chính thức nhắc đến các chuẩn mực Basel trong định hướng phát triển hệ thống giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Đối mặt với những bất ổn của hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2009-2010, Quyết định 254 của Thủ tướng ban hành năm 2012 đã một lần nữa nhắc đến các chuẩn mực Basel như định hướng giải pháp cơ cấu lại tài chính, hoạt động và quản trị của các TCTD. Quyết định này đã đề cập đến cả ba trụ cột của Basel II, gồm: (i) ban hành chuẩn mực an toàn vốn (ii) phát triển hệ thống quản trị rủi ro và (iii) quy định công bố thông tin phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực của Ủy ban Basel với thời hạn thực hiện là cuối năm 2015.

Có thể nói Thông tư 41 là một trong các văn bản chính sách thành công trong hành trình triển khai chuẩn mực Basel của hệ thống ngân hàng Việt Nam vì nhiều lý do.

Thứ nhất, không như các văn bản trước đó để thời hạn hiệu lực thi hành trong vòng ba tháng đến một năm khiến các TCTD không cách nào tuân thủ kịp, Thông tư 41 đặt thời hạn hiệu lực sau ba năm, tức là đã có cân nhắc tới tính khả thi của chính sách.

Thứ hai, sự ra đời của Thông tư 41 đi cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan điều tiết (NHNN, cụ thể là Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng), các TCTD và các tổ chức tư vấn tài chính quốc tế nên các bên cùng có sự thấu hiểu, đồng thuận, hỗ trợ nhau tích cực hơn.

Thứ ba, giai đoạn này nền kinh tế bắt đầu phục hồi, các ngân hàng cơ bản cũng đã ổn định hơn, có điều kiện về tài chính và nhu cầu lành mạnh hóa hệ thống quản trị, đặc biệt là quản lý rủi ro tín dụng để phát triển và đối mặt với những thách thức cạnh tranh mới cả trong và ngoài nước, khiến việc triển khai Basel trở nên khả thi đồng thời cũng thực chất hơn.

Chính vì vậy, mặc dù đến thời điểm hiện tại ngay cả trong số những ngân hàng đã được phê duyệt áp dụng Thông tư 41 cũng không phải tất cả đều đã thực sự vận hành theo đúng chuẩn mực Basel II, nhưng một cách tổng thể, ngôn ngữ chuẩn mực Basel đã trở nên quen thuộc, thông dụng, đi vào đời sống vận hành của NHNN cũng như các ngân hàng một cách rõ nét hơn rất nhiều so với 5-10 năm trước đây.

2020 và những khởi đầu mới

Kể từ cuối năm 2018, các ngân hàng đã bước vào cuộc đua “về đích” và hơn thế, “được NHNN phê duyệt áp dụng Thông tư 41 trước hạn”. Tuy nhiên, đối với Nghị định 141/2006/NĐ-CP quy định mức vốn pháp định của các TCTD tại Việt Nam, khi TCTD đạt 1.000 tỉ đồng vào ngày 31-12-2008 và 3.000 tỉ đồng vào ngày 31-12-2010 là xem như hoàn thành nhiệm vụ. Còn đối với Thông tư 41, thời điểm TCTD được phê duyệt áp dụng không có nghĩa là “hoàn thành chuẩn mực Basel” mà là bắt đầu liên tục sự tuân thủ theo chuẩn mực mới.

Về mặt hình thức, các TCTD có trách nhiệm thực hiện báo cáo thống kê hệ số CAR theo quy định tại Thông tư 41 ở mức 8%, một con số không có vẻ gì mới và thách thức. Nhưng về mặt thực tiễn, để tính được hệ số CAR này theo Thông tư 41, TCTD đã phải xây dựng được khung quản trị, kho dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin, cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro, các mô hình, phương pháp đo lường, quản lý các loại rủi ro trọng yếu và sẽ phải liên tục điều chỉnh vốn trong mối tương quan với khẩu vị rủi ro, lựa chọn cơ cấu và tăng trưởng tín dụng theo chiến lược phát triển của TCTD. Không những thế, để hoàn thiện cả ba trụ cột theo chuẩn mực Basel, các TCTD còn phải thuân thủ quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ theo Thông tư 13/2018-TT-NHNN, trong đó có các yêu cầu về quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đủ vốn, bao gồm cả kiểm tra sức chịu đựng về vốn trong kịch bản bất lợi...

Nhớ lại giai đoạn 2006-2010, các TCTD nỗ lực về đích tuân thủ Nghị định 141 bằng các biện pháp sở hữu chồng chéo, các nghiệp vụ tài chính làm tăng vốn ảo để lại hậu quả bất ổn nặng nề không chỉ đối với hệ thống tài chính ngân hàng mà với cả nền kinh tế. Gần đây, để tuân thủ các quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu ngân hàng, tuân thủ chuẩn mực Basel mà cụ thể là các Thông tư 41, Thông tư 13, đã xuất hiện tình trạng các TCTD đầu tư trái phiếu chéo nhằm tăng vốn trung và dài hạn, những thương vụ thoái vốn chuyển nhượng cổ phần cho công ty sân sau, các nghiệp vụ nhận chuyển nhượng cổ phần, thế chấp và phát hành trái phiếu cho công ty có trụ sở ở nước ngoài... Điều này đặt ra thách thức đối với cơ quan quản lý trong việc ban hành chính sách không quá cứng nhắc để tránh tình trạng tuân thủ đối phó, đồng thời có cơ chế khuyến khích và giám sát tuân thủ phù hợp để các TCTD tránh tâm lý ỷ lại, trì hoãn. Giữa tháng 11-2019, NHNN ban hành Thông tư 22 mở thêm thời gian đến 1-1-2023 cho các TCTD chưa đáp ứng yêu cầu về hệ số CAR theo Thông tư 41).

Trên thực tế, chuẩn mực Basel nếu được triển khai một cách thực chất, hiệu quả sẽ củng cố sự vững mạnh, an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng. Một số lãnh đạo ngân hàng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc nắm vững dữ liệu đầu vào, hiểu rõ khách hàng, xây dựng hệ thống đo lường, quản lý và quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế có ảnh hưởng tích cực ra sao với an toàn hoạt động và sự phát triển lâu dài của ngân hàng. Tuy nhiên, nếu không được xây dựng và quản trị dựa trên dữ liệu sạch đảm bảo chất lượng đầu vào, mô hình đánh giá khách quan, được tính toán, xây dựng cẩn trọng thì rủi ro sẽ mang tính hệ thống và do đó hệ quả tiêu cực sẽ ảnh hưởng trầm trọng hơn.

Để việc thực thi chính sách có tính thực chất, không đối phó

Nhìn lại quá trình triển khai chuẩn mực Basel có thể thấy những dấu hiệu tích cực trong điều hành chính sách, thể hiện ở sự hợp tác, đồng hành giữa cơ quan điều tiết, các TCTD, các tổ chức tư vấn và kết quả thực thi chính sách với trường hợp cụ thể là Thông tư 41.

Để việc thực thi chính sách có tính thực chất thì yếu tố quan trọng nhất chính là nhận thức của ban lãnh đạo cơ quan điều tiết và các TCTD về sự cần thiết quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là sức ép cạnh tranh và động lực mở rộng hoạt động ra trường quốc tế của nền kinh tế nói chung, của mỗi TCTD nói riêng.

Ngoài những khó khăn, thách thức vốn có của TCTD khi triển khai Basel (bao gồm các vấn đề về dữ liệu, nhân sự, tài chính...), để việc tuân thủ chính sách không trở thành đối phó khiến hệ thống gia tăng rủi ro, cơ quan quản lý luôn cần thận trọng trong việc ban hành và giám sát thực thi chính sách, đồng thời tăng cường minh bạch thông tin và cơ chế giám sát, chế tài của thị trường. 

(*) Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam

Theo TBKTSG

Link gốc: https://www.thesaigontimes.vn/298897/ve-dich-thong-tu-41-tot-nghiep-hay-su-khoi-dau-moi-.html