Theo VDSC, thị trường chứng khoán gần đây có nhiều tín hiệu lạc quan hơn nhờ các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Trong tháng 5/2023, số cổ phiếu tăng giá chiếm đến gần 80%. Trần lãi suất huy động ngắn hạn liên tục giảm giúp tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn và thanh khoản tăng vọt. Giá trị khớp lệnh trong tuần đầu tháng 6 đạt gần 70.000 tỉ đồng, tăng mạnh so với mức bình quân tuần của hai tháng trước đó là 46.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng, dòng tiền đang có sự phân hóa lớn, khi nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ hút tiền mạnh, còn nhóm vốn hóa lớn bị "phớt lờ" do nhà đầu tư lo ngại các yếu tố nội tại của nhóm doanh nghiệp này chưa cải thiện rõ rệt.
Nhận định về việc VN-Index tăng nhanh những ngày qua, VDSC đánh giá diễn biến này chỉ mang tính ngắn hạn. Việc thị trường thiếu sự hậu thuẫn của nền tảng vĩ mô và dòng tiền từ khối ngoại cho thấy xu hướng trung hạn của thị trường vẫn là tích lũy.
Nhóm phân tích của VDSC nhận định thị trường đang thuận lợi cho giao dịch T+ (mua bán ngắn hạn), song đây chưa phải thời điểm tốt để nhà đầu tư tất tay.
"Chúng tôi không kỳ vọng thị trường có thể tiến xa quá nhiều về mặt điểm số trong tháng này", chuyên gia của VDSC cho hay.
Đồng quan điểm với VDSC, chuyên gia phân tích của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng thị trường cần thêm thời gian để thẩm định các tín hiệu rõ ràng hơn về kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Ở kịch bản lạc quan, BSC kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục duy trì nhịp tăng để quay trở lại vùng 1.100 – 1.150 điểm; thanh khoản tiếp tục được cải thiện bên cạnh diễn biến của khối ngoại tích cực hơn.
Tương tự, nhóm phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI) đánh giá thị trường chứng khoán đang cùng phúc phản ánh triển vọng giảm lãi suất mạnh ngay trong năm nay cùng với triển vọng lợi nhuận yếu của doanh nghiệp niêm yết.
“Chúng tôi dự đoán xu hướng của thị trường sẽ theo hướng giằng co theo chiều tăng dần từ nay tới cuối năm. Mức độ biến động của thị trường chứng khoán vẫn sẽ ở mức khá cao”, SSI nhận định.
Theo SSI, các yếu tố cần quan sát trong thời gian tới bao gồm diễn biến của lãi suất, các chính sách mới của Chính phủ cũng như việc thực thi chính sách hiện tại sẽ giúp nền kinh tế vượt qua rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới và có thể dần phục hồi trở lại./.