Một nghiên cứu mới đây của đại học Liên hiệp quốc cho thấy năm 2014, châu Á thải ra 16 triệu tấn rác thải điện tử (e-waste). Cụ thể trung bình mỗi người thải ra khoảng 3,7 kg, tương đương 2 chiếc laptop hay khoảng 30 chiếc iPhone.
Lý do mà các nhà công nghiệp đưa ra là vì các quốc gia tại châu Á công nghiệp hóa rất nhanh, và người dân lại được hưởng mức thu nhập cao hơn, đời sống tân tiến hơn nên lượng tiêu thụ và thải sản phẩm điện tử cũng gia tăng.
Số liệu nêu trên khiến nhiều người lo ngại nhưng bên cạnh đó cũng có những số liệu đáng quan tâm khác. Nhìn vào Mỹ, trung bình một người Mỹ thải ra 12,2kg thiết bị điện tử mỗi năm. Tại châu Âu, con số này là 15,6kg (tương đương khoảng 121 chiếc iPhone).
Dĩ nhiên, sự khác biệt ở từng khu vực nằm ở quy trình xử lý chúng. Trong một thế giới lý tưởng, các kim loại quý sẽ được lọc lại, những thành phần độc hại sẽ được loại bỏ cẩn thận, và bất kỳ thành phần nào của thiết bị bỏ đi cũng đều được tái chế. Nhưng để đạt được như vậy, một thiết bị cần được thu gom và phân rã đúng cách, từng thành phần của thiết bị được lọc, xử lý hợp lý để không gây ra các vấn đề về hóa học.
Nhưng để đạt được quy trình đó không phải là điều dễ dàng, ngay cả với những quốc gia tiên tiến. Nhiều nhà máy tái chế tại Mỹ có quy trình tái chế tốt. Một số thiết bị có thể được làm mới lại (refurbish) và được bán lại ra thị trường, số sản phẩm khác được phân rã và được lọc ra từng thành phần để tái chế. Còn những thành phần nào có nhựa đều được phân hủy.
Theo báo cáo của Đại học Liên hiệp quốc, vài quốc gia châu Á, tron đó có Nhật, Đài Loan và Nam Triều Tiên, cũng có quy trình xử lý thiết bị điện tử riêng, tương tự như Anh Quốc và Mỹ. Nhưng nhiều quốc gia khác, trong đó có cả Trung Quốc, vẫn còn loay hoay chưa tìm được giải pháp hợp lý cho việc tái chế đồ điện tử. Nhiều nơi thậm chí còn trường hợp dùng búa để đập vỡ máy tính hay dùng lửa để đốt các thành phần điện thoại nhằm trích xuất các kim loại quý có trong thiết bị. Vấn đề là cách làm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường lẫn sức khỏe con người.
Báo cáo cũng đề nghị nâng cao nhận thức của người dùng, xây dựng các nhà máy tái chế phù hợp và đưa ra các chính sách tái chế chặt chẽ về việc xử lý chất thải công nghiệp, thiết bị điện tử.
Thực chất, trên thế giới nhiều hãng sản xuất đã nhận thức rõ điều này nhưng chỉ có vài công ty công nghệ lớn quan tâm đến quy trình thiết kế sản phẩm sao cho dễ dàng tái chế, phân rã hơn.
Theo PC World VN