Ván bài Syria: Mỹ gieo gió gặt bão và “sập bẫy“

VietTimes -- Việc Washington tuyên bố sẽ thành lập một lực lượng an ninh biên giới khoảng 30.000 người dưới sự kiểm soát của người Kurd đã khiến Ankara phải nhảy vào chiến trường Syria. Và giờ đây, Mỹ đang lâm vào tình huống khó xử. Trong mọi trường hợp Washington sẽ đều bị bẽ mặt.
Chiến trường Afrin đang tăng nhiệt, Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo họ sẽ thiết lập vùng kiểm soát rộng lớn tại phía bắc Syria. Cuộc tấn công có thể sẽ đưa quân Thổ tới tận biên giới của Syria với Iraq. Vào ngày 28.1, Ankara đã kêu gọi Washington rút quân khỏi thị trấn Manbij (cách Afrin 100km) trước khi họ thực hiện chiến dịch quét sạch các nhóm dân quân người Kurd tại vùng này.
Cần lưu ý là chính Mỹ đã kích động Thổ Nhĩ Kỳ khi thông báo quyết định lập một lực lượng an ninh biên giới trong khu vực dưới sự kiểm soát của người Kurd. Như vậy Washington đã tự tạo nên cái bẫy cho chính mình - Gieo gió, gặt bão.
Một cuộc tấn công ở phía đông sẽ là động lực tiềm tàng để thúc đẩy một cuộc chiến giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng SDF do Mỹ chỉ huy. Các đơn vị của người Kurd tại Afrin đã mất đi cơ hội tránh khỏi kịch bản xấu nhất có thể xảy ra. 
Ván bài Syria: Mỹ gieo gió gặt bão và “sập bẫy“ ảnh 1Lực lượng SDF do người Kurd kiểm soát đang ở phía đông Syria.

Một vài nguồn tin ủng hộ người Kurd nói rằng Nga đã phản bội người Kurd tại Afrin khi rút đi lực lượng gìn giữ hòa bình trước khi cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu. Đây là một tuyên bố vô căn cứ. Vì thực tế, Moscow tin rằng mọi khu vực ở phía tây sông Euphrates cần phải nằm dưới sự kiểm soát của quân đội chính phủ Syria vì những khu vực này thuộc về Syria - lãnh thổ cố kết của một nước có chính phủ hợp pháp.

Nga đã yêu cầu người Kurd tại Afrin kết nối với Damascus và cho phép quân chính phủ Syria vào trong khu vực nhưng họ đã từ chối. Moscow cũng đã đóng vai trò như một người điều đình cho các cuộc đàm phán về quyền tự trị trong nội tại Syria nhưng sáng kiến này cũng bị người Kurd phủ nhận. Người Kurd muốn Mỹ bảo vệ họ. Và hiện tại, họ đang bị cô lập bởi tình huống do chính mình tạo ra. 

Quân đội Mỹ không bảo vệ người Kurd tại Afrin và tuyên bố không coi họ là đồng minh giống như người Kurd thuộc lực lượng SDF ở phía đông Syria. Người Mỹ giữ ý kiến rằng người Kurd tại Afrin không chiến đấu chống lại IS. Nhưng dù vậy, người Kurd đã bảo vệ Afrin và giữ vùng đất này khỏi dã tâm của những tên khủng bố Hồi giáo cực đoan. Có thể người Mỹ chưa bao giờ có ý định bảo vệ người Kurd tại Afrin nhưng họ đã nhận trách nhiệm bảo vệ lực lượng SDF tại Manbij. Chưa thể đoán chính xác điều gì sẽ xảy ra tiếp theo nhưng có thể có vài kịch bản tiềm năng. 
Ván bài Syria: Mỹ gieo gió gặt bão và “sập bẫy“ ảnh 2Mỹ đang tuyên bố sẽ thành lập lực lượng an ninh biên giới do người Kurd kiểm soát tại Syria.

Tờ nhật báo Hürriyet của Thổ Nhĩ Kỳ đã thông tin rằng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang có những cuộc đàm phán để tìm cách giảm xung đột. Phó tổng thư ký NATO Rose Gottemoeller đã xác nhận điều trên. Nhưng không rõ Mỹ sẽ làm cách nào để thay đổi tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tấn công vùng đất đang bị SDF kiểm soát. Mọi trường hợp xảy ra sẽ đều khiến Washington bẽ mặt vì phải đáp ứng yêu cầu của Ankara. Nếu Mỹ thất bại trong việc bảo vệ đồng minh người Kurd, họ sẽ không còn lý do để giữ sự hiện diện quân sự tại Syria. Mỹ sẽ phải rời khỏi đất nước này như Nga và Syria từng yêu cầu. 

Một kịch bản tiềm năng khác là sự trỗi dậy lớn mạnh của người Kurd quanh Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Iraq. Nếu điều này xảy ra bản đồ khu vực sẽ thay đổi. 
Một hậu quả khác là sự thống nhất của NATO giờ đây đang bị lung lay do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ 2 phe đối lập nhau. Nếu tình thế trở nên xấu hơn, Mỹ sẽ lẩn tránh vấn đề hoặc sẽ đòi hỏi NATO tạm dừng hay trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi tổ chức này ít nhất trong khi tổng thống Erdogan còn đang nắm quyền. Điều này tự nhiên đẩy Ankara vào vòng tay của Moscow và Bắc Kinh, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rời khỏi NATO để tham gia vào Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Tổng thống Erdogan từng than phiền về sự mệt mỏi trong tiến trình trở thành thành viên của châu Âu. 
Ván bài Syria: Mỹ gieo gió gặt bão và “sập bẫy“ ảnh 3Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào bắc Syria.

Nhưng kịch bản có khả năng xảy ra nhất là sự thất bại của Mỹ. Washington phải trả giá vì thiếu một kế hoạch hành động rõ ràng tại Syria và không thể kiểm soát tình thế trong khu vực. Rõ ràng, Washington đang ở trong tình huống gay go. Họ đang rất khó khăn để lựa chọn. Nếu Mỹ định ở lại bắc Syria họ cần tới người Kurd. Nhưng nếu Mỹ theo phe người Kurd, họ sẽ mất Thổ Nhĩ Kỳ. Họ sẽ bị đẩy ra khỏi toàn bộ tiếng trình xây dựng đất nước và nhận được sự thù địch của các diễn viên chính trong khu vực là: chính phủ Syria, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu họ chối bỏ người Kurd, họ sẽ mất hoàn toàn tín nhiệm tại Trung Đông, cũng như họ đã mất tín nhiệm với người Palestine khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Nếu người Mỹ đạt được một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ thì điều đó có nghĩa là sẽ chấm dứt mong muốn của người Kurd có một vùng đất Kurdistan như là một nước độc lập. Cuộc tấn công của người Thổ đang đẩy người Kurd tới việc phải đàm phán với Damascus. Một liên minh với chính phủ Syria trong tương lai sẽ là một lựa chọn giúp người Kurd tiến tới hòa bình. Nó cũng là cơ hội để Syria giữ nguyên là một đất nước thống nhất. Moscow có thể đóng vai trò là người điều đình giữa Damascus, người Kurd và Ankara. Và cuối cùng thì Moscow là một trong những thủ đô mà người Kurd tại Syria đang có văn phòng đại diện. 
Mọi nỗ lực sẽ được thực hiện trong khung của tiến trình hòa bình Astana do Moscow, Ankara và Tehran chỉ đạo. Washington luôn nhấn mạnh mục tiêu của họ tại Syria là tiêu diệt IS. Nhưng các nhóm Hồi giáo cực đoan đã bị tiêu diệt gần hết và không còn là vấn đề quan trọng tại Syria. Nhiệm vụ đã hoàn thành. Vậy tại sao Washington đang sử dụng và thời gian và công sức để giữ mình bên miệng hố xung đột với Ankara hay các nước khác tại Syria? Sau cùng, nếu tiến trình hòa bình Astana thành công, các đồng minh châu Âu của Mỹ sẽ được giảm tải với những dòng người tị nạn từ Syria. Điều tốt nhất cho Mỹ lúc này là rút khỏi Syria, tập trung vào các biện pháp ngoại giao và cho hòa bình một cơ hội.