Ngày 14/5/2018, một trong số những quyết sách ngoại giao gây tranh cãi nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được thực thi: Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem chính thức khai trương, hoàn tất quyết định của ông công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Trong khi ông Donald Trump coi đây là “ngày hội lớn” của Mỹ và Israel thì sự kiện này lại là thảm họa đối với người Palestine. Đã có ít nhất 52 người Palestine thiệt mạng và gần 2.400 người khác bị thương do hành động trấn áp của Israel trong cuộc biểu tình phản đối Mỹ khánh thành Đại sứ quán tại Jerusalem.
Hai quyết định chiều theo ý nguyện của Israel
Như vậy, trong cùng một tháng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất chấp luật pháp quốc tế đưa ra hai quyết định để phục vụ lợi ích cốt lõi của Israel.
Quyết định thứ nhất là vào ngày 8/5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran. Bằng quyết định này, ông Donald Trump đã xé toạc Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc xác nhận Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran yêu cầu các bên có liên quan thực thi nghiêm túc thỏa thuận này. Ngay sau khi được ký kết, Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran đã bị chính quyền Tel A-viv phản đối kịch liệt bởi Iran là “kẻ thù không đội trời chung” với Israel. Như vậy, quyết định của ông Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran trước hết là nhằm chiều theo ý nguyện của Israel.
Quyết định thứ hai của Tổng thống Donald Trump khai trương Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem trùng hợp với thời điểm cách đây vừa đúng 70 năm Nhà nước Israel chính thức tuyên bố thành lập (14/5/1948) và ngay ngày hôm sau (15/5/1948), Quân đội Israel mở cuộc tấn công ồ ạt nhằm vào người Palestine ngay trên mảnh đất quê hương xứ sở của họ, phá hủy 513 ngôi làng của người Palestine và hơn 700 nghìn người Palestine bị trục xuất. Từ đó trở đi cho tới nay, hàng triệu người Palestine phải sống bơ vơ nơi đất khách quê người với danh tính “người tị nạn”.
Năm 1967, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết xác nhận Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine, còn Tây Jerusalem là thủ đô của Israel. Thế nhưng, trong cuộc Chiến tranh sáu ngày (5/61967-10/6/1967), Israel đánh chiếm và giành quyền kiểm soát Đông Jerusalem, dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây sông Jordan và cao nguyên Golan. Ngày 22/11/1967 trên cơ sở Chương VI của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 242 khẳng định Israel phải rút quân khỏi các lãnh thổ bị chiếm đóng trong Cuộc chiến tranh sáu ngày, trong đó có Đông Jerusalem.
Ngày 20/08/1980, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 478 xác nhận Đạo luật của Israel coi Jerusalem là thủ đô của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế, vô giá trị và phải được hủy bỏ ngay lập tức. Trong khi đó, năm 1995, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết về Đại sứ quán Mỹ, trong đó xác định Đại sứ quán Mỹ sẽ được chuyển từ Tel Avip đến Jerusalem-thủ đô của Israel. Tuy nhiên, các đời tổng thống Mỹ trước đây chưa thực thi nghị quyết này nhằm tránh đụng chạm đến một vấn đề chính trị đặc biệt nhạy cảm trong quan hệ Israel-Palestine.
Đến nay, Tổng thống Donald Trump sử dụng quyền hành pháp do Hiến pháp Mỹ quy định để thực hiện Nghị quyết về Đại sứ quán và ngày 6/12/2017 ông chính thức tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ngày 21/12/2017, Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua nghị quyết với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 quốc gia không bỏ phiếu để phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Phản ứng trước nghị quyết này của LHQ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ cắt viện trợ cho những nước bỏ phiếu chống quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel [1,2].
Israel trong chiến lược mới của Mỹ ở Trung Đông
Một câu hỏi lớn tự nhiên nảy ra ở đây là do đâu ông Donald Trump bất chấp luật pháp quốc tế để đưa ra những quyết định chiều theo ý nguyện của Israel đến mức “hết lòng” như vậy? Để có thể giải thích được động thái của chủ nhân Nhà Trắng, cần xuất phát từ mục tiêu chiến lược mà chính quyền Mỹ theo đuổi ở Trung Đông.
Trong hơn nửa thế kỷ qua, Trung Đông luôn là một trong những tâm điểm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Chiến lược Trung Đông đã từng được nhiều đời tổng thống Mỹ phê chuẩn và thực thi, bắt đầu từ D.Eisenhower (1953-1961) và tiếp theo sau là R.Nixon (1969-1974), J.Cater (1977-1981), R.Reagan (1981-1989), G.Bush (2001-2009), B.Obama (2009-2017) và D.Trump (từ năm 2017). Mục tiêu xuyên suốt của Mỹ là kiểm soát một vành đai địa chính trị giàu tài nguyên thiên nhiên nhằm thực thi một trong những mục tiêu quan trọng nhất là bảo đảm duy trì nguồn cung cấp dầu mỏ liên tục cho Mỹ từ khu vực này. Theo dự báo của Bộ năng lượng Mỹ, đến năm 2025, 2/3 nhu cầu dầu mỏ của Mỹ được đáp ứng từ khu vực Trung Đông. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà hiện nay ở Trung Đông tập trung các căn cứ quân sự chủ yếu của Mỹ, trong đó có 10 sân bay quân sự lớn nhất và một số căn cứ hải quân dùng cho lực lượng hải quân tiến công của Mỹ [3,4].
Cuộc khủng hoảng Syria bùng phát trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama dưới hình thức làn sóng bạo loạn chính trị mang tên “Mùa xuân Arab” vào tháng 3/2011 sau đó biến thành cuộc chiến tranh giữa một bên là lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad với bên kia là “các lực lượng đối lập” được Mỹ và các nước đồng minh của họ trong và ngoài khu vực Trung Đông ủng hộ toàn diện về kinh tế-tài chính, vũ khí trang bị và chính trị.
Trong cuộc khủng hoảng Syria, Mỹ sử dụng cái gọi là “các lực lượng đối lập” để tiến hành “cuộc chiến tranh qua tay người khác” nhằm loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad và dựng lên chính quyền mới ở Damascus do Washington kiểm soát. “Lực lượng đối lập” được Mỹ và các đồng minh ủng hộ gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó đóng vai trò chủ yếu là hai tổ chức khủng bố thiện chiến nhất là “Al-Qaeda” và “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông”, gọi tắt là ISIL (The Islamic State of Iraq and the Levant), về sau ISIL tự tuyên bố thành lập cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng, gọi tắt là IS (Islamic State). Đáng chú ý, một số nguồn tin cho rằng trong số những quốc gia chống lưng cho các nhóm vũ trang đối lập tại Syria và Trung Đông, Mỹ và Israel đóng vai trò quan trọng nhất [5,6]
Theo nhiều nguồn tin tình báo khác nhau được tiết lộ, từ đầu năm 2011, tính tổng cộng Mỹ đã điều động từ 80.000 đến 130.000 chiến binh khủng bố tới Iraq và Syria. Đáng chú ý là, Cơ quan tình báo Iran trên cơ sở các nguồn tin có quan hệ gắn bó với cựu nhân viên tình báo của Cục an ninh Hoa Kỳ Edward Snowden, cho biết thủ lĩnh của IS là nhân viên của cơ quan tình báo “Mossad” của Israel. Còn đại diện chính thức của Bộ quốc phòng Iraq, tướng Yahya Rasul, cho biết thủ lĩnh của IS là Abu Bakr al-Baghdadi đã từng ẩn náu tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria. Từ cuối năm 2017, trong khi bị đánh bại và bị truy quét, nhiều nguồn tin cho biết các tàn quân IS được Mỹ và Israel tổ chức di tản ra khỏi Iraq và Syria, tới Afghanistan [7].
Đến cuối năm 2017 đầu năm 2018, không còn có thể núp dưới chiêu bài “chống IS” để tấn công hạ tầng cơ sở kinh tế và quân sự của Syria nhằm loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển sang áp dụng chiến lược “chống Iran” là “quốc gia tài trợ khủng bố” để tiếp tục hiện diện quân sự ở Syria. Mục tiêu hướng tới của ông Donald Trump trong chiến lược Trung Đông hiện nay không chỉ nhằm loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà còn là thay đổi chế độ cầm quyền của Iran. Một trong những nhiệm vụ đặt ra cho Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton-người được mệnh danh là “quả bom dành cho Iran", vừa được ông Donald Trump bổ nhiệm chính là để thay đổi chế độ chính trị ở Teheran [8,9].
Được Mỹ “bật đèn xanh”, Israel đã nhiều lần tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Syria nhằm “tiêu diệt các lực lượng của Iran trên lãnh thổ Syria bởi Iran là quốc gia tài trợ khủng bố”. Như vậy, từ nay Israel trở thành lực lượng đóng vai trò xung kích trong cuộc chiến ở Syria [10].
Vì thế, để thực hiện mục tiêu của chiến lược Trung Đông trong giai đoạn hiện nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá rất cao vai trò của Israel. Trên thực tế, Mỹ đã biến Israel thành lực lượng xung kích, hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang khác để tiếp tục thực hiện bằng được mục tiêu loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà họ chưa thực hiện được trong gần 7 năm qua. Vì thế, ở Trung Đông hiện đang hình thành một trục liên minh mới: Mỹ-Arab Saudi-Israel-IS [11,12].
Tài liệu tham khảo:
[1] Jerusalem. https://en.wikipedia.org/wiki/Jerusalem
[2] Trump recognizes Jerusalem as Israel's capital. https://edition.cnn.com/2017/12/06/politics/president-donald-trump-Giê-ru-xa-lem/index.html
[3]US National Security Strategy In Response To 11 September 2001. https://vn.search.yahoo.com/yhs/search?hspart=trp&hsimp=yhs-001&type=138051_050718&p=US+National+Security+Strategy+in+the+Middle+East%3A+Analysis+after+September+11%2C+2001
[4]Большой Ближний Восток в глобальной политике США. https://cyberleninka.ru/article/v/bolshoy-blizhniy-vostok-v-globalnoy-politike-ssha
[5] ISIS / ISIL ‘Made in the USA’ by the CIA? http://politi.site/2014/06/22/isis-isil-made-usa-cia/
[6] America's Allies Are Funding ISIS. https://www.thedailybeast.com/americas-allies-are-funding-isis
[7]США и Израиль - родители терроризма на Ближнем Востоке. https://newsland.com/community/politic/content/ssha-i-izrail-roditeli-terrorizma-na-blizhnem-vostoke/6338920